Làm nguội ý định đánh vợ bằng... đường dây nóng

 Như kỳ báo trước Pháp luật Việt Nam đã đăng tải trong bài viết “Chặn tay vũ phu bằng... mô hình”, chỉ sau 30 tháng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển mô hình phòng chống bạo lực gia đình, tình hình bạo lực gia đình trên cả nước đã giảm mạnh. Và, để làm được điều này, ở từng địa phương lại có những cách làm mới, có những mô hình rất riêng của mình, độc đáo và phát huy được hiệu quả...

Như kỳ báo trước Pháp luật Việt Nam đã đăng tải trong bài viết “Chặn tay vũ phu bằng... mô hình”, chỉ sau 30 tháng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển mô hình phòng chống bạo lực gia đình, tình hình bạo lực gia đình trên cả nước đã giảm mạnh. Và, để làm được điều này, ở từng địa phương lại có những cách làm mới, có những mô hình rất riêng của mình, độc đáo và phát huy được hiệu quả, mà bài phản ánh về câu chuyện phòng chống bạo lực gia đình ở Tứ Kỳ - Hải Dương dưới đây là một minh chứng.

Ngăn chặn bạo lực gia đình
Ngăn chặn bạo lực gia đình

Đánh vợ vì cốc nước chanh đường

Không hiểu vì lý do gì mà người dân tỉnh Hải Dương mỗi khi nghe nhắc đến địa danh huyện Tứ Kỳ lại nghĩ ngay đến…nắm đấm của các ông chồng vũ phu và những giọt nước mắt đớn đau của các bà vợ - nạn nhân của bạo hành gia đình. Đơn cử như trước khi mô hình CLB phòng chống bạo lực gia đình của xã được thành lập, mỗi năm ở xã Kỳ Sơn huyện Tứ Kỳ có từ 4 đến 5 vụ vợ chồng đòi ly hôn, đánh, cãi chửi nhau, theo lời “tổng kết” của ông Đoàn Xuân Lộc, Phó chủ tịch UBND xã.

Còn tại xã Tân Kỳ cũng là một trong những nơi mà nạn bạo hành gia đình diễn ra khá phổ biến. Những nguyên nhân khiến các bà vợ phải chịu nạn bạo hành vô lý đến mức nhiều người phải giật mình như: chậm cơm nước vì đi làm đồng về mệt hay đơn giản chỉ là ông chồng khoái đánh vợ khi  say xỉn...

Có một câu chuyện đánh vợ vì cốc nước chanh đường từng xảy ra ở Kỳ Sơn đã gần như trở thành “biểu tượng” của thói hành hung vợ vô lối của các đức ông chồng nơi đây. Theo lời kể của ông Đoàn Mạnh Kể, Chủ nhiệm CLB phòng chông bạo lực gia đình số 3 thì cặp vợ chồng này đã ngoài 50 tuổi. Làm việc vất vả nên buổi trưa về đến nhà, chồng bảo vợ pha cho một cốc nước chanh đường. Bà vợ có vẻ khó chịu bởi đâu chỉ có mình chồng vất vả mà mình cũng vất vả không kém. Nhưng bà vẫn nhẫn nhịn pha nước cho chồng.

Đến chiều, vợ đi làm về cũng mệt nhọc liền bảo chồng pha cho mình một cốc nước. Thấy chồng có vẻ hững hờ, bà liền buông mấy lời mang hàm ý trách móc. Ông chồng ngay lập tức tỏ vẻ khó chịu, liền nổi xung. Lời qua tiếng lại, không ai chịu ai, thế là ông chồng liền vác ngay đòn gánh đuổi đánh vợ.

Đường dây nóng làm mềm nắm đấm

Ngay sau khi Bộ VH-TT&DL triển khai mô hình PCBLGĐ năm 2008, xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ đã được Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương chọn làm điểm về phòng chống bạo lực gia đình. 5 Câu lạc bộ PCBLGĐ (CLB) đã được thành lập dựa trên 4 đội sản xuất cũ của xã và 1 CLB của trường học. Mỗi CLB có ban chủ nhiệm gồm 3 người, 5 thành viên của nhóm PCBLGĐ gồm đại diện các ban, ngành đoàn thể và công an viên, nhân viên y tế thôn và ít nhất 20 cặp vợ chồng tham gia hoạt động.

Mỗi CLB 2 tháng sinh hoạt một lần. Trong buổi sinh hoạt, các cặp vợ chồng sẽ được giao lưu văn hóa văn nghệ; rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình; được tuyên truyền luật phòng chống bạo lực gia đình...

Cũng tương tự như vậy, UBND xã Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ) cũng đã thành lập ban chỉ đạo gồm 5 CLB dựa trên 5 nhóm nòng cốt: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu binh, Hội Người cao tuổi, Hội nông dân. Ngoài ra, ở đây còn có sáng kiến về việc thiết lập một đường dây nóng và thông báo công khai cho các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân trong xã cùng biết. Vì vậy, khi nạn bạo hành gia đình xảy ra, chính quyền địa phương sẽ dễ dàng thông báo cho chủ nhiệm các CLB để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nói về đường dây nóng làm nguội ý định đánh vợ, bà Nguyễn Hà Phương - Phó Trưởng phòng Nếp sống văn hóa gia đình (Sở VH-TT&DL) tỉnh Hải Dương cho biết tại Kỳ Sơn, đường dây nóng được triển khai từ năm 2011 qua hoạt động phối hợp với một luật sư có nhiều kinh nghiệm tố tụng trong các vụ án liên quan đến hôn nhân, gia đình. Chỉ sau 9 tháng hình thành đường dây nóng  đã có 500 cuộc gọi đến, làm “nguội” được rất nhiều vụ bạo lực gia đình.

Cán bộ PCBLGĐ - “đối tượng của sách đỏ”

Đó chỉ là câu nói vui của bà Nguyễn Hà Phương nhưng cũng phần nào phản ánh được câu chuyện của những “hiệp sĩ” đấu tranh với “vũ phu” ở Hải Dương. Theo bà Phương, năm 2008, khi bắt đầu triển khai mô hình PCBLGĐ, kinh phí cho mảng việc gia đình chỉ có vỏn vẹn 76 triệu đồng. Vậy mà với sự nỗ lực của rất nhiều cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã (nhiều tài liệu PCBLGĐ do Bộ VH-TT&DL cung cấp đã được cán bộ PCBLGĐ tỉnh viết lại cho dễ hiểu và phù hợp hơn) các mô hình PCBLGD ở Hải Dương đã thực sự phát huy hiệu quả.

Đơn cử, đến nay trên toàn huyện Tứ Kỳ bao gồm 15 xã đã có 75 mô hình PCBLGĐ. Còn theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2005-2008, toàn tỉnh Hải Dương có 18 vụ chết người do nguyên nhân bạo lực gia đình thì từ năm 2008 đến nay đã giảm hẳn và tiến đến không có.

Ông Đoàn Xuân Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn (Trưởng ban chỉ đạo PCBLGĐ) cũng trăn trở, hiệu quả từ mô hình đã nhìn thấy rất rõ. Tuy vậy cũng có không ít khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Mỗi báo cáo viên của CLB được 50.000đ, mỗi thành viên được 5.000đ trong một buổi sinh hoạt. Chỉ đủ tiền đánh máy, photo tài liệu...

Minh Phương  

Đọc thêm