ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng thông tin trên VnExpress:
Bánh chưng mốc là do lá, thường mốc từ ngoài vào do nấm mốc có trong không khí. Vì vậy, lá dùng để gói bánh phải rửa thật sạch, sau đó dựng cho ráo nước, tránh nơi có gió. Khi gói bánh, bạn phải chắc tay, nhân bánh phải tươi sạch. Khi luộc xong phải rửa bánh ngay khi bánh còn đang nóng vì lúc này bánh đang nở to, nước sẽ không vào được. Nếu để nguội mới rửa thì nước sẽ ngấm vào gây hỏng bánh.
Không được ngâm bánh vào nước mặc dù ngâm bánh sẽ có màu sắc đẹp, khiến bánh đọng nước gây mốc, thiu bánh.
Khi luộc chín, trước khi lấy bánh, bạn cần vớt hết bọt, dùng bàn chải cọ sạch mặt ngoài, rồi xếp bánh thành hàng và ép cho ráo nước. Không nên ngâm gạo quá lâu mà vo sạch, để ráo nước để bánh không bị chua. Trước khi gói bánh nên vẩy cho hết nước, trộn muối đảo đều. Bánh ngọt, nhân mật, mứt sen, mứt bí nhưng lại gói với thịt thì sẽ để được lâu hơn bánh mặn. Nhưng khi luộc bánh ngọt phải luộc riêng và thời gian luộc lâu hơn bánh mặn.
Bánh chưng mua về không cho ngay vào túi nilon mà treo lên. Nếu trời nồm, bạn nên cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Ở nhiệt độ thường, bánh chưng sử dụng trong 5 ngày, để vào ngăn mát tủ lạnh thì thời gian sử dụng là 15-20 ngày nhưng bánh dễ bị rắn do lại gạo.
Khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Tuy nhiên hạn chế rán bánh vì làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào khẩu phần ăn hàng ngày, không có lợi cho sức khỏe.
Nhiều người có thói quen cắt bỏ phần bánh mốc, hư vứt đi và ăn phần còn lại. Tuy nhiên, tất cả thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố aflatoxin, gây hại sức khỏe, nên vứt bỏ toàn bộ.