Làm sao để bảo tàng không 'chết chìm' trong bụi bặm và lãng quên?

(PLO) - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mấy năm gần đây tên tuổi luôn đứng trong danh sách những bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á. Tuy nhiên, ở Việt Nam không phải bảo tàng nào cũng được vậy, có những bảo tàng “chết” trong im lặng và bụi bặm và với người dân khái niệm “đi thăm bảo tàng” còn rất xa vời. Trong khi đó, giá trị giáo dục của bảo tàng đã được thừa nhận từ rất lâu…
Làm sao để bảo tàng không 'chết chìm' trong bụi bặm và lãng quên?

Bảo tàng kín khách không phải nhờ 'số may'

Ngày 1/8/2017 vừa qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa tổ chức lễ khai mạc trưng bày bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia Réhahn. Xuyên suốt 35 bức ảnh, nhiếp ảnh gia Réhahn tái hiện sinh động và đa dạng cuộc sống của các dân tộc ở Việt Nam. Những bức chân dung nổi tiếng của anh về hình ảnh cụ bà, trẻ con đại diện cho các dân tộc từ nhóm có hàng trăm ngàn người đến nhóm vài trăm người, như người Ơđu, Rơmăm.

Bộ sưu tập ảnh “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia Réhahn được đánh giá là nâng tầm vẻ đẹp và niềm tự hào của những cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời tạo nên một bức khảm đẹp về con người Việt Nam. Có mặt tại buổi khai mạc, PGS.TS. Võ Quang Trọng chia sẻ: “Trưng bày bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” Bảo tàng Dân tộc học thêm một cơ hội để công chúng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người. Qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Pháp, các bức chân dung nổi tiếng được Réhahn thực hiện luôn ánh lên vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên, ngời sáng trong những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc màu của từng dân tộc, khiến người xem thích thú và tràn đầy niềm tự hào”.

Ngay trước triển lãm này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa kết thúc phần trưng bày 35 tác phẩm của danh họa Raffaello được tổ chức nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Ý, do Đại sứ quán Ý tại Hà Nội phối hợp thực hiện. Bằng công nghệ thị giác hiện đại, các bức vẽ nổi tiếng đã được tái tạo một cách trung thực nhất theo đúng kích thước cùng dấu vết của thời gian. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng là “những bức tranh kỹ thuật số” với độ phân giải cao. Nhiều khách tham quan đã đánh giá cao triển lãm này của Bảo tàng Dân tộc học vì theo họ hiện các bức tranh nguyên gốc của danh họa Raffaello đang được lưu giữ và trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn tại Italia, Đức, Pháp và Nga, nên có đi ra nước ngoài cũng không thể có cơ hội xem hết được. 

Trên đây là một trong những hoạt động thường kỳ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhằm thu hút khách tham quan và cũng không quá khó hiểu khi mấy năm gần đây tên tuổi của bảo tàng luôn đứng trong danh sách những bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á cùng với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (ở Hà Nội) và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (ở TPHCM). Tuy nhiên, ở Việt Nam không phải bảo tàng nào cũng được vậy, có những bảo tàng “chết” trong im lặng và bụi bặm và với người dân khái niệm “đi thăm bảo tàng” còn rất xa vời. Trong khi đó, giá trị giáo dục của bảo tàng trong tiến trình nâng cao nhận thức  xã hội, cộng đồng đã được thừa nhận từ rất lâu.

Bảo tàng hấp dẫn du khách, tại sao không?

Đó là nhiệm vụ mà ngành Văn hóa đặt ra với Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cùng hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố trong buổi làm việc của đoàn công tác của Bộ VHTT&DL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chủ trì về việc Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 14 bảo tàng hoạt động. Trong đó, có 7 bảo tàng cấp tỉnh trực thuộc Sở, trung bình hàng năm đón trên 3,3 triệu lượt khách tham quan. Riêng trong năm 2016, các bảo tàng đón hơn 3,6 triệu lượt người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Đến nay, hầu hết các bảo tàng công lập trực thuộc Sở được đầu tư kinh phí để thực hiện các dự án chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo và nâng cấp và mở rộng diện tích cho các hoạt động của bảo tàng. Trong đó, Bảo tàng Mỹ thuật đã tương đối hoàn chỉnh hệ thống trưng bày, Bảo tàng TP HCM đang hoàn chỉnh phương án thiết kế kiến trúc và các thủ tục liên quan để thực hiện việc nâng cấp và mở rộng.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ vừa khởi công xây dựng hệ thống kho bảo quản hiện vật và nhà làm việc hành chính, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2018 với tổng kinh phí gần 56 tỉ đồng. UBND TP HCM cũng chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Qua đó, thay đổi cơ bản diện mạo của hệ thống bảo tàng, dần đi đến việc hiện đại hóa toàn diện hoạt động của thiết chế trên đến năm 2020, góp phần đưa hệ thống bảo tàng ngày càng đến gần hơn với công chúng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, hiện các bảo tàng đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ có thu, cần có chính sách tạo thuận lợi cho các bảo tàng phát triển dịch vụ đi kèm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cũng cần sớm nâng giá vé tham quan bảo tàng lên mức hợp lý, giá vé như hiện nay là rất thấp.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị Sở cùng các bảo tàng phải chủ động hoàn thiện những tiêu chí trong xếp hàng bảo tàng; tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao công tác bảo quản, kiểm kê và phát huy các giá trị văn hóa của hiện vật; từng bước đưa thiết chế bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đọc thêm