Làm sao để bảo vệ quyền của người tiêu dùng khi mua hàng online thời Covid-19?

(PLVN) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, người dân đều ưu tiên lựa chọn việc mua sắm online lên ngôi để hạn chế tập trung đông người. Bộ Công Thương cũng lấy chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2020. Nhưng làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua bán qua mạng vẫn đang là bài toán khó chưa có lời giải.
Làm sao để bảo vệ quyền của người tiêu dùng khi mua hàng online thời Covid-19?

Với chủ đề này, một lần nữa câu hỏi  “Quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử - ai bảo vệ?” lại được đặt ra. Bởi quyền của người tiêu dùng thì không chỉ được thực hiện trong riêng ngày này, mà cần phải được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc. Đặc biệt trong mùa đại dịch, khi hầu hết mọi người sử dụng thương mại điện tử.  

Từ câu chuyện mất 5 triệu mua gà "ảo"

Không riêng gì mùa dịch, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tất yếu không chỉ với Việt Nam mà với toàn thế giới. Hiện nay, có hơn 1/3 dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến. Ở góc độ người tiêu dùng, hình thức mua sắm này giúp dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận sản phẩm, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại, thuận tiện trong giao dịch cũng như được hưởng nhiều tiện ích khác. 

Tuy nhiên, hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến hơn. Nhiều văn phòng luật sư cho biết đã nhận được yêu cầu tư vấn của khách hàng để giúp họ đòi lại tiền, đơn cử như của một người tiêu dùng mua gà: “Tôi có giao dịch mua gà với một người trên Mèo Vạc - Hà Giang. Đợt đầu tiên là 1,3 triệu đồng, đợt 2 là 2 triệu đồng, đợt 3 là 1,7 triệu đồng. 

Tổng cả 3 đợt là 5 triệu đồng. Chúng tôi mua bán với nhau trên mạng qua nhóm chợ gà H’ Mông Việt Nam. Bên bán gà yêu cầu tôi chuyển khoản trước sau đó gửi gà về cho. Sau khi tôi đã chuyển khoản xong xuôi đâu đấy tôi trao đổi với bên bán gà gửi về cho tôi. Nhưng bên bán lấy hết lí do nhỡ xe, trời lạnh, thời tiết mưa không gửi được gà. 

Tôi có yêu cầu trời lạnh vẫn gửi nhưng họ bảo là sợ bị bệnh nhưng tôi bảo cứ gửi về tôi chịu trách nhiệm nhưng họ vẫn không gửi về. Ngày nào cũng gọi điện nhưng họ không nghe, đến tối tôi nhắn tin qua facebook thì họ trả lời không trách nhiệm lấy lí do nọ, lí do kia. Đến nay cũng gần 2 tháng rồi mà họ vẫn không gửi gà về. Gọi điện giờ họ không nghe. Xin hỏi tôi cần làm gì để lấy lại số tiền của mình đã chuyển khoản? Tôi vẫn lưu lại những lần giao dịch chuyển tiền, những cuộc nói chuyện qua tin nhắn và có biết cả nơi ở hiện nay”. 

Trên các hội nhóm ở mạng xã hội cũng có nhiều chia sẻ kiểu như: “Em bị lừa tiền khi mua hàng online và đã lấy lại được. Em chia sẻ hy vọng giúp được các mẹ” của những người từng bị lừa khi mua bán online và đã đòi tiền thành công bằng cách kiên trì đến cơ quan chồng/vợ của người bán hàng lừa đảo kêu cứu, gặp người thân, bạn bè của người bán hàng lừa đảo nhờ nói hộ… "

Và rốt cuộc để đòi được tiền, rất nhiều người không liên quan gì đến hành vi mua bán lừa đảo đã bị vạ lây, thậm chí số điện thoại của họ bị tung lên mạng để thiên hạ chửi bới.  

Khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp với người bán/doanh nghiệp để giải quyết; liên hệ đến số hotline của các trang thương mại điện tử, trang bán hàng online thực hiện theo quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn.
Hoặc gọi điện đến số hotline 1900.888.655 của Tổng cục Quản lý thị trường để tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa; liên hệ với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, qua email (bvntd@moit.gov.vn), nộp qua trang web (www.vca.gov.vn), gửi qua đường bưu điện hoặc tới trực tiếp trụ sở của Cục (số 25 Ngô Quyền, Hà Nội).

Đến ba nhóm người lễ bị lừa đảo trên mạng

Tại tọa đàm về Công dân số và Hưởng ứng ngày sử dụng An toàn Internet, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, có ba nhóm người dễ bị lừa đảo khi tham gia mua hàng trên mạng.

Thứ nhất là nhóm người tiêu dùng ngây thơ, nhóm người lơ đễnh và nhóm ham lợi cứ thấy rẻ là mua.  Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, đối với nhóm người tiêu dùng ngây thơ với bản tính gặp ai cũng thấy tốt, thấy hay và dễ kết bạn nên thường không tìm hiểu kỹ thông tin đã tiến hành mua bán, gây ra tình trạng mất an toàn thông tin cá nhân khi mua bán trực tuyến. 

Thứ hai là nhóm người lơ đễnh, tuy có kiến thức nhất định về mạng, bảo mật nhưng vì lý do gì đó lại lơ đễnh mua không đúng hãng, mua phải hàng nhái, bị lừa đảo. 

Thứ ba là nhóm ham lợi. Đây là nhóm người rất lớn và phổ biến hiện nay, ví dụ như các nhóm đa cấp có hàng chục nghìn người trên mạng. “Ví dụ, những đối tượng này khi thấy một chiếc iPhone đời mới vốn có giá hàng chục triệu đồng nhưng thấy trên mạng rao bán chỉ vài ba triệu nên đã đặt mua ngay, không ngờ lại bị lừa đó là hàng nhái” - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng đưa ra ví dụ. 

Xét về mặt nào đó, những nhóm người “hám lợi”, “ngây thơ” mua hàng… không suy tính nhiều cũng tham gia thúc đẩy thương mại điện tử nhưng về mặt lâu dài chính họ lại gây ra tình trạng mất an toàn thông tin, đồng thời do biết bản thân bị lừa đảo nên về sau không tham gia mua bán trực tuyến, gây bất lợi cho thương mại điện tử. 

“Người mua hàng trên mạng cần phải cẩn thận hơn, đừng lơ đễnh và ham lợi quá”, ông Nguyễn Thanh Hưng khuyến cáo. Ai bảo vệ quyền của người tiêu dùng? Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2020 được Bộ Công Thương lấy chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”. 

Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương nhấn mạnh và kêu gọi các doanh nghiệp nói chung đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử hãy tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chủ động trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

 Liên quan đến câu hỏi “Ai bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong thương mại điện tử thời Covid-19?”, trả lời truyền thông, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, trước hết người mua hàng phải là người tiêu dùng thông thái. Không chỉ tìm hiểu kỹ thông tin, giá cả, chất lượng sản phẩm trước khi mua; người tiêu dùng còn phải nghiên cứu tìm hiểu pháp luật, nắm rõ được quyền lợi trong tiêu dùng của mình để khi có sự cố xảy ra sẽ biết cách tự giải quyết hoặc tìm đến cơ quan nào để giải quyết. 

Bên cạnh việc hiểu luật để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cũng được pháp luật bảo vệ, để tìm được công bằng và bảo vệ quyền lợi không chỉ trong một ngày 15/3, mà trong suốt cả 365 ngày.

Hành vi nào xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng khi mua hàng online?
- Cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác về thành phần, tính năng, công dụng, chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ. Hàng hóa không giống như quảng cáo.
- Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bán tràn lan trên mạng.
- Người bán hàng không thực hiện trách nhiệm cung cấp hóa đơn, chứng từ giao dịch. - Không thực hiện trách nhiệm về bảo hành, giao, nhận, đổi, trả hàng hóa.
- Hàng hóa không đúng như cam kết, giao hàng thiếu, giao hàng chậm, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, hủy đơn hàng không có lý do… 

Đọc thêm