Làm sao để giữ thương hiệu “Cát Bà xanh”?

(PLVN) - Hiện, mỗi ngày, lượng rác thải phát sinh tại huyện Cát Hải, TP Hải Phòng là 100 tấn. Do đó, việc gìn giữ thương hiệu Đảo Ngọc “Cát Bà xanh” là một trọng trách đầy khó khăn cho các cấp chính quyền địa phương, đòi hỏi cần có sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị.
 “Thung lũng” rác thải Đồng Trong đã quá tải.
“Thung lũng” rác thải Đồng Trong đã quá tải.

“Nóng” vấn đề rác thải

Do vị trí địa lý đặc thù, quần đảo Cát Bà nằm ở phía Đông Bắc vịnh Bắc Bộ với diện tích mặt biển của các Vịnh khoảng trên 7.000 ha nên bị tác động không nhỏ về các vấn đề môi trường. Trao đổi với PLVN, Giám đốc Ban quản lý (BQL) các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà Nguyễn Đình Hòa cho biết, hiện 100 tấn rác thải phát sinh tại huyện đảo mỗi ngày gồm 3 nguồn rác chủ yếu: rác thải sinh hoạt và các hoạt động du lịch, rác cơ học trôi dạt từ biển và các vùng lân cận, rác đặc thù từ thiên nhiên của vịnh như cây cối, thảm thực vật.

Theo ghi nhận, các bãi rác hiện tại của đảo Cát Bà đều trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các bãi rác được xây dựng quá lâu, xuất phát điểm ban đầu đều là các bãi đổ rác tạm, thiết kế không đúng tiêu chuẩn, không có hệ thống xử lý nước rỉ rác. Hiện nay, toàn bộ lượng chất thải rắn của đảo Cát Bà được thu gom lại và đổ về bãi rác Đồng Trong thuộc khu dân cư Hùng Sơn, thị trấn Cát Bà.

Tình trạng quá tải rác thải đang là vấn đề "nóng" trên vịnh Cát Bà.
 Tình trạng quá tải rác thải đang là vấn đề "nóng" trên vịnh Cát Bà.

Bãi rác này được xây dựng từ năm 1995, dự kiến thời gian đầu là bãi rác tạm, sau đó được quy hoạch điều chỉnh thành bãi rác của đảo Cát Bà. Bãi rác đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải từ năm 2003. Từ đó đến nay, bãi rác đã được mở rộng để tiếp nhận thêm lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng nhiều do hoạt động du lịch. Điều đáng lo ngại nhất, việc quá tải tại bãi rác Đồng Trong dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nước ngầm tại khu vực lân cận.

Không chỉ vậy, hiện, trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 439 bè nuôi trồng thủy sản với số nhân khẩu đang sinh sống và làm việc khoảng 1.000 người cùng với 158 phương tiện tàu thủy phục vụ khách du lịch và nhiều phương tiện tàu khai thác thủy sản của Cát Hải cũng như các tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Bình… Mặc dù 100% các bè nuôi trồng thủy sản đều được trang bị thùng rác nhưng ảnh hưởng của hoạt động nuôi trồng thủy sản đến môi trường Vịnh là điều không thể tránh khỏi.  

Người dân thu gom rác thải trên vịnh.
Người dân thu gom rác thải trên vịnh.

Để đảm bảo môi trường Vịnh, Ban Quản lý Vịnh Cát Bà đã bố trí 14 nhân lực thường xuyên làm công tác thu gom, vớt rác tại 3 khu vực Vịnh là Cát Bà, Bến Bèo, Lan Hạ, các khu du lịch, khu trung tâm, luồng lạch giao thông chính, những nơi tập trung đông cơ sở nuôi trồng thủy sản và tăng cường thu gom rác vào các ngày nghỉ.

Lượng rác thu gom bình quân đạt 8-10m3/ngày. Không chỉ vậy, định kỳ 1 tuần/lần, các cán bộ, người lao động của Ban Quản lý Vịnh Cát Bà cũng tập trung thu gom rác tại khu vực giáp ranh với Vịnh Hạ Long như Vạn Tà, Trà Báu, Gia Luận, đặc biệt chú trọng môi trường các khu vực vịnh có lượng tàu ngủ lưu trú nghỉ đêm như Trà Báu, Thoi Quý…

Tuy nhiên, Giám đốc Ban Quản lý Vịnh Cát Bà Nguyễn Đình Hòa cho biết nỗ lực của cán bộ, người lao động khi vớt rác làm sạch môi trường Vịnh suốt những năm qua chỉ được xem như giải quyết phần “ngọn” trong “bài toán” rác thải. Phần “gốc” ở đây là làm sao phải tuyên truyền để người dân, khách du lịch hiểu và chung tay phân loại rác thải theo đúng quy định, không vứt rác tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường. 

Nỗ lực gìn giữ “Cát Bà xanh”

Đề án “Phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” của UBND TP xác định: Phấn đấu xây dựng Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn quan trọng và động lực trong phát triển du lịch đất Cảng.

Tuy nhiên, với lượng rác “khủng” nói trên, việc gìn giữ thương hiệu “Cát Bà xanh” cần sớm có những kế hoạch, chiến lược thực hiện dài hơi và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như nâng cao ý thức của người dân và du khách. 

Để giải quyết “bài toán” rác thải sinh hoạt, UBND huyện Cát Hải đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải rắn Áng Chà Chà tại xã Trân Châu với tổng diện tích khoảng 12,7ha. Hiện nay, UBND huyện Cát Hải đang nỗ lực thực hiện giai đoạn I của dự án (4,0ha) đã được UBND TP Hải Phòng phê duyệt với tổng mức đầu tư 116,4 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng một phần khu xử lý chất thải rắn để giải quyết phần nào vấn đề “nóng” về  rác thải tại địa phương.

Bãi rác Đồng Trong không còn sức chứa.
Bãi rác Đồng Trong không còn sức chứa.  

Đối với rác thải phát sinh trên Vịnh, tính đến thời điểm hiện tại, các phương tiện đăng ký hoạt động chở khách thăm quan, lưu trú ngủ đêm bắt buộc phải thực hiện việc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác với Ban quản lý Vịnh Cát Bà.

Ngoài ra, các phương tiện phải lắp đặt các két chứa nước thải, két chứa dầu bẩn, ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý; nghiêm cấm việc xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. 100% các bè nuôi trồng thủy sản, bè du lịch dịch vụ, chủ phương tiện tàu du lịch, khai thác thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đều ký cam kết bảo vệ môi trường các Vịnh.  

Theo mong muốn của lãnh đạo UBND huyện Cát Hải, để xây dựng Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, UBND TP Hải Phòng cần có chính sách phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè và tìm các giải pháp “xanh” để cải thiện môi trường cho vùng di sản.

Việc nuôi trồng thủy sản cũng khiến nguồn nước và môi trường Vịnh bị ô nhiễm.
Việc nuôi trồng thủy sản cũng khiến nguồn nước và môi trường Vịnh bị ô nhiễm.

Theo kế hoạch được UBND huyện Cát Hải xây dựng, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản sẽ bị cắt giảm xuống còn 152 bè/2.431 ô lồng, 80 giàn bè nuôi nhuyễn thể, 18 bè dịch vụ trong năm 2020. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng lồng bè vẫn đang giữ nguyên ở con số 439 bởi Hải Phòng chưa ban hành được cơ chế hỗ trợ người dân chuyển đổi công việc, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản với chi phí ước tính lên tới nhiều tỷ đồng.

Ngoài ra, việc cắt giảm, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông và nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần cũng được chú trọng. UBND huyện Cát Hải đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm ít nhất 50% lượng rác thải nhựa trên địa bàn toàn huyện; 100% các đơn vị, tổ chức nhà nước hạn chế, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; ít nhất 70% cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong huyện cam kết và duy trì thường xuyên hoạt động hạn chế, giảm tác thải nhựa dùng một lần và sử dụng vật liệu thay thế thân thiện môi trường.  

Bà Hoàng Hồng Luân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải: “Rác thải là vấn đề chúng tôi trăn trở từ lâu. Sau nỗ lực xây dựng Khu xử lý chất thải rắn Áng Chà Chà, địa phương cũng đang lên kế hoạch đóng cửa một phần, san lấp và trồng cây để phủ xanh bãi rác Đồng Trong. Thời gian tới, khu vực bãi rác này sẽ được xây dựng trở thành công viên nghĩa trang. Việc xử lý rác thải hiện tại được chúng tôi lấy thước đo mức độ hài lòng của người dân làm tiêu chuẩn đánh giá. 

Theo lộ trình xây dựng Quần đảo Cát Bà trở thành Trung tâm du lịch quốc tế của TP Hải Phòng giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045, Hải Phòng hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu các Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà là “Vịnh xanh, sạch, đẹp nhất thế giới”. Do đó, nỗ lực gìn giữ môi trường Đảo Ngọc được xem là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền sở tại. Hai năm liên tiếp, UBND huyện Cát Hải đã chọn chủ đề năm là: “Tập trung giải phóng mặt bằng – tăng cường cải thiện môi trường Vịnh” để có thể song hành mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch đi đôi bảo vệ môi trường…

Đọc thêm