Bảo hiểm không phải chỉ dùng để “trang điểm”
Từ tháng 9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, theo đó quy định đối với ôtô, xe máy khi giao thông trên đường, chủ xe phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Ngoài ra, tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những giấy tở mà người điều khiển xe ô tô, xe máy… phải mang theo bên mình khi tham gia giao thông. Đồng thời, Nghị định 100/2019/NĐ- CP cũng nêu rõ: nếu chủ xe không mang theo giấy chứng nhận bao hiểm hoặc giấy không còn hiệu lực, thì mức phạt từ 100-200.000 đồng/trường hợp, mức phạt đối với chủ xe ô tô từ 400-600.000 đồng/trường họp.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù chủ phương tiện đã bỏ tiền ra mua bảo hiểm, nhưng khi phát sinh vụ việc cần bảo hiểm lại không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo đúng chức năng, nhiệm vụ, khiến cho người tham gia bảo hiểm có cảm giác “bị lừa”, kiểu như bảo hiểm chỉ là thứ đồ “trang điểm”.
Như chị Nguyễn Thị Thanh Mai (quận I- TP.HCM) cho biết, gia đình chị có 3 người, có 3 chiếc xe máy nên đề phòng những trường hợp rủi ro mà chị cũng đã mua 3 bảo hiểm xe cho cả gia đình. “Nhưng mới đây, chồng tôi đã có va quẹt với người khác và lỗi không phải do chồng tôi, nhưng đến nay đã gần 7 tháng hồ sơ của chồng tôi vẫn chưa được giải quyết”, chị Mai cho hay.
Cũng như chị Mai, anh Trần Quang Bình (quận Tân Phú – TP.HCM) cũng đã từng phải nhờ báo chí hỗ trợ cho việc đòi bồi thường bảo hiểm cho anh. Anh cho biết, khi mua bảo hiểm, anh thấy ghi rõ quyền lợi bảo hiểm, số điện thoại đường dây nóng, thậm chí có cả hợp đồng mua bảo hiểm với địa chỉ công ty rõ ràng.
Nhưng khi sự cố xảy ra, “tôi gọi lên tổng đài, thì chỉ là tiếng chuông reo mà không ai bắt máy. Lên đến tận công ty sau nhiều lần mới được đón tiếp, nhưng sau đó họ bắt tôi nộp đủ thứ giấy tờ, kèm với lời hứa hẹn sẽ xem xét giải quyết. Mệt mỏi vì cầm hồ sơ đi tới đi lui, tôi cảm giác như mình đang bị lừa. Có lẽ sau này tôi chỉ có thể mua bảo hiểm rẻ tiền đề đối phó mà thôi”, anh Bình bất bình cho hay.
Chính sách an sinh thiết thực
Tại buổi họp giao ban về an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết, thực tế cho thấy có nhiều hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT và chỉ khi kiểm tra mới phát hiện được, như tài xế không có bằng lái xe, mang theo vũ khí, chở vật liệu nổ hoặc hàng cấm… Đặc biệt, không có chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự là lỗi phổ biến nhất.
Tuy nhiên dường như quá nhiều thủ tục đang “đè” lên cổ người chủ xe. Cụ thể như Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính nêu: khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, chủ xe không được di chuyển, tháo dỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn...
Ngoài ra, với hàng loạt thông tin kê khai, chủ xe còn phải tập hợp đầy đủ tài liệu theo quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường. Bao gồm: Giấy phép lái xe, hồ sơ bệnh án, giấy ra viện, hoá đơn sửa chữa tại cơ sở mà công ty bảo hiểm quy định và phải gửi đến công ty bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày (tính từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp bất khả kháng)
Mà theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông là loại hình mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp phải mua theo Luật định và được xem là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra, mặt khác giúp bảo vệ tài chính cho chủ xe cơ giới trước những rủi ro bất ngờ.
Trao đổi với PLVN, một nhân viên tư vấn bảo hiểm cũng nhìn nhận, quy định pháp luật hiện giờ dồn khá lớn trách nhiệm cho chủ xe. Do đó, nếu quy định pháp luật thuận tiện hơn và chính sách giải quyết đền bù phù hợp hơn thì người dân sẽ tự giác chấp hành quy định về bảo hiểm dân sự bắt buộc đối với chủ phương tiện hơn, không cần phải chờ đến các chiến dịch kiểm tra và người dân chỉ mua để đối phó.