Làm sao để người dân và báo chí dễ dàng tiếp cận với kết quả kiểm toán?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần đa dạng các hình thức công khai theo quy định của Luật KTNN, nhất là công khai kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của KTNN”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Kiểm toán Nhà nước.
Làm sao để người dân và báo chí dễ dàng tiếp cận với kết quả kiểm toán?

Công khai theo một hoặc một số hình thức

Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 quy định ba loại báo cáo được công khai là: báo cáo kiểm toán; báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm; báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (Điều 50, 51).

Theo đó, báo cáo kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai chỉ trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Đối với báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được công bố công khai theo quy định của pháp luật sau khi báo cáo Quốc hội.

Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức công khai báo cáo kiểm toán theo một hoặc một số hình thức sau đây:

a) Họp báo;

b) Công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng;

c) Đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán nhà nước;

d) Niêm yết tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán”. 

Hình thức công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo các điểm a, b và c nói trên.

Cụ thể hóa quy định của Luật Kiểm toán, ngày 8/9/2016, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 1562/QĐ-KTNN ban hành Quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Việc công khai kết quả kiểm toán được thực hiện trên nguyên tắc: Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật các thông tin về kết quả kiểm toán; Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với kết quả kiểm toán đã công bố công khai; Không được lợi dụng việc công khai kết quả kiểm toán để làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối tượng công khai kết quả kiểm toán gồm: Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm; Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán. 

Phạm vi công khai kết quả kiểm toán bao gồm: Tài liệu và số liệu về kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và các phụ biểu kèm theo trừ các nội dung là tài liệu và số liệu thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; Bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán không thuộc phạm vi công khai. 

Về nội dung công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán, Quy định nêu: Tuỳ thuộc loại hình kiểm toán của từng cuộc kiểm toán, nội dung công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán bao gồm công khai đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán, trừ những nội dung là tài liệu và số liệu thuộc bí mật như đã nói. 

Về thời hạn công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải được công khai kể từ ngày Quốc hội thông qua Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; thời hạn công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai theo quy định của pháp luật.

Quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán nhà nước cũng quy định rõ về trách nhiệm của Người phát ngôn của KTNN, các đơn vị trực thuộc KTNN.

Việc tiếp cận báo cáo kiểm toán chưa thuận lợi

Sáng ngày 25/3, tại Kỳ họp thứ 11, quốc hội khoá XIV, báo cáo trước Quốc hội về công tác nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao. 

Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, hai vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền. KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, giai đoạn 2016-2021, KTNN luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Ngay từ năm 2016, để triển khai thi hành Luật KTNN năm 2015, thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã ban hành Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý liên quan đến hoạt động của KTNN. Kết quả, đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật và 57 văn bản quản lý nội bộ, trong đó đã xây dựng và ban hành mới hệ thống 39 Chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế ISSAI phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc công khai Báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, nhưng hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế. Do đó, các đối tượng theo quy định vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận, khai thác thông tin, kết quả kiểm toán.

Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị KTNN cần đa dạng các hình thức công khai theo quy định của Luật KTNN, nhất là công khai kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của KTNN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán đã có bước tiến đáng kể nhưng cần tiếp tục triển khai quyết liệt để rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán. KTNN cần quản lý chặt chẽ kết quả kiểm toán, kiểm toán viên, đồng thời tăng số cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN.

Từ thực tiễn tác nghiệp, chúng tôi cũng thấy rằng, việc tiếp cận với báo cáo kết quả kiểm toán thời gian qua chưa thực sự thuận lợi. Do Luật chỉ quy định việc công khai được thực hiện theo một hoặc một số hình thức nên nhiều đơn vị lấy lý do: đã hết thời hạn công khai kết quả kiểm toán hoặc kết quả xếp loại “mật” để từ chối cung cấp.  

Mục đích của việc công khai kết quả kiểm toán là nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tuy nhiên, việc chưa thuận lợi trong việc tiếp cận báo cáo kết quả kiểm toán thời gian qua chắc chắn gây khó khăn cho việc giám sát của người dân và báo chí. Khẩu hiệu “Tất cả vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững” cần phải đi vào thực tiễn hơn nữa.

Đọc thêm