Làm thẻ căn cước công dân gắn chip: Tránh “đổ xô” gây quá tải, lãng phí

(PLVN) - Công an nhiều địa phương đang tích cực làm việc xuyên suốt các ngày trong tuần để đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành mục tiêu cấp khoảng 50 triệu căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử. Tuy nhiên, người dân cần hiểu rõ hơn một số quy định liên quan để tránh “đổ xô” đi làm căn cước gắn chip gây nên tình trạng quá tải, lãng phí thời gian.
Công an Hà Nội xuyên đêm làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân.

Xuyên đêm phục vụ người dân

Bộ Công an đặt mục tiêu trước ngày 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ CCCD theo mẫu mới (có gắn chip điện tử) cho người dân trên toàn quốc. Riêng tại 10 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh), Bộ Công an yêu cầu trước ngày 30/4/2021 phải cấp CCCD gắn chip cho một nửa số dân cư trú ở các địa phương này.

Thực hiện mục tiêu trên, nhiều ngày qua, lực lượng Công an một số tỉnh, thành liên tục tăng giờ làm, thậm chí trực ca đêm để làm thủ tục cấp CCCD. Đơn cử, tại Hà Nội, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các quận, huyện, thành phố của Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD gắn chip.

Chẳng hạn như Công an quận Cầu Giấy đã huy động các cán bộ, chiến sĩ từ các Công an phường và các đội nghiệp vụ làm việc xuyên suốt từ 7 giờ 30 đến 23h giờ hàng ngày. Sau khi kết thúc việc tiếp nhận hồ sơ từ người dân, Đội Cảnh sát quản lý hành chính quận Cầu Giấy thực hiện các công việc xử lý hồ sơ như phân loại hồ sơ, xác nhận thông tin trên thẻ, truyền dữ liệu… Những khâu này thường kết thúc vào khoảng 4 giờ sáng. 

Thiếu tá Đỗ Ngọc Hiếu, Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính Công an quận Cầu Giấy chia sẻ, những ngày gần đây, lượng công dân đến làm CCCD tăng nhanh nên Công an quận đang huy động tối đa lực lượng để  làm việc 3 ca từ 7h30 đến hơn 1-2h sáng hôm sau.

Hiện đơn vị đã tổ chức thêm các điểm đăng ký lưu động triển khai lần lượt tại các phường trong quận. Tuy nhiên, Công an quận đề cao việc phải tuân thủ yêu cầu giãn cách, đảm bảo phòng chống dịch vì đây là việc rất cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Ông Hoàng Quốc Bảo (58 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) chia sẻ: Ông cảm thấy rất vui khi được các cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình trong quá trình thực hiện đăng ký hồ sơ làm CCCD gắn chip. Đặc biệt, người dân còn có thể nhận CCCD tại nhà thông qua đường bưu điện chứ không cần mất thời gian quay trở lại Công an quận.

Tương tự, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng triển khai đồng bộ, chỉ đạo Công an các xã, phường thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân trong việc cấp CCCD có gắn chip. Không chỉ tổ chức các điểm đăng ký lưu động tại các xã, phường, Công an huyện Hoài Đức còn sẵn sàng như làm việc ngoài giờ hành chính, triển khai trong cả các ngày cuối tuần. 

Trung tá Nguyễn Thị Hiền, Phó Đội trưởng Đội Quản lý hành chính huyện Hoài Đức cho biết: “Đến nay huyện cấp được khoảng 14.000 vân trên tổng số 187.000 nhân khẩu do lượng vân được cấp còn hạn chế”. Tuy nhiên, trong thời gian tới cơ sở vật chất được đảm bảo thì cơ quan sẽ huy động toàn lực lượng để đáp ứng nhu cầu mọi người dân và phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Công an thành phố đề ra.

Về công tác triển khai cấp thẻ CCCD gắn chip tại quận Ba Đình, Đại úy Tô Văn Khoa, Phó Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Ba Đình cho biết, địa bàn quận Ba Đình đã bắt đầu triển khai ngay từ đầu năm và bảo đảm đến ngày 1/7/2021 sẽ cấp cho tất cả công dân đủ điều kiện cấp CCCD đang cư trú trên địa bàn quận.

Quận Ba Đình thành lập 5 tổ, trong đó 3 tổ cấp cố định tại trụ sở của Đội Quản lý hành chính thuộc Công an quận, 2 tổ lưu động tại các trụ sở Công an phường. Để tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân, các tổ đều tăng cường làm việc liên tục từ thứ Hai đến Chủ nhật, thậm chí luân phiên nhau không nghỉ trưa và làm việc tới tận 12 giờ đêm. 

Trường hợp nào được cấp CCCD gắn chip trước 1/7?

Do số lượng và thời hạn Bộ Công an đưa ra, nhiều ý kiến đang hiểu chưa đúng rằng trước ngày 1/7 tất cả người dân sẽ phải được cấp CCCD gắn chip. Điều này dẫn tới một số nơi xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi làm thủ tục.

Tuy nhiên, cần hiểu rõ đây là mốc thời gian lực lượng Công an phấn đấu hoàn thành khối lượng công việc mà lãnh đạo Bộ Công an triển khai, chứ không phải quy định toàn bộ người dân phải được cấp thẻ CCCD gắn chip để tránh việc ồ ạt đi làm ngay, gây quá tải cho máy móc, lực lượng Công an làm thủ tục cấp CCCD và mất thời gian cho chính người dân chưa cần thiết phải cấp CCCD gắn chip.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý CCCD đang là hai dự án lớn được Bộ Công an song song thực hiện. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam như họ tên, giới tính, quê quán, nơi ở, số định danh cá nhân... Các thông tin này được số hóa, lưu trữ và quản lý bằng công nghệ thông tin.

Dự kiến tháng 7/2021 tới đây, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ chính thức hoàn thiện, kết nối với dự án liên quan đến CCCD. Đây chính là một lý do mà Bộ Công an đặt mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD trước ngày 1/7. Dù số lượng CCCD gắn chip cần cấp trước ngày 1/7 là rất lớn nhưng không có nghĩa bất cứ ai cũng phải đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip ngay lập tức.

Theo đó, Bộ Công an sẽ ưu tiên cấp CCCD gắn chip cho các trường hợp là công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND/CCCD; người đã được cấp CMND 9 số; người đã được cấp CCCD 12 số, CCCD có mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết hạn sử dụng hoặc có thay đổi thông tin... Những người thuộc diện này cần thực hiện ngay việc cấp mới, cấp đổi sang CCCD gắn chip.

Đối với các trường hợp là công dân đã được cấp CMND 12 số, CCCD gắn mã vạch mà còn nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng, Bộ Công an khẳng định các loại giấy tờ này vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi hết hạn.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD gắn chip. 

Giảm 50% lệ phí

Nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BTC quy định mức thu lệ phí cấp CCCD chỉ bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính và mức thu này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021. 

Có một số trường hợp được miễn và không phải nộp lệ phí. Cụ thể với trường hợp được miễn lệ phí bao gồm: Đổi CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; đổi, cấp lại CCCD cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, bệnh binh, công dân thường trú tại các xã biên giới, huyện đảo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo…; đổi, cấp lại CCCD cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

Đọc thêm