Làm thế nào để tiền giảm nghèo phát huy hiệu quả?

Mục tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%), riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013)…

 

Mục tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%), riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013)…

Đổi thay ở huyện nghèo

Huyện Si Ma Cai nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp với tỷ trọng chiếm 90%, tỷ lệ hộ đói nghèo năm 2005 là 73,9%, trên 70% hộ dân còn ở nhà tranh, vách đất.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ với tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình từ 2008-2012 với số tiền là gần 197 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm trung bình từ 5-9%/năm,  242 nhà tạm được xóa, sản lượng lương thực bình quân đầu người tăng lên 565 kg/năm. Về cơ sở hạ tầng, đã đầu tư hơn 84 danh mục công trình gồm: 31 công trình cho giáo dục, 97 gian nhà cho học sinh bán trú và nhà công vụ cho giáo viên, 6 công trình cấp nước sinh hoạt cho 487 hộ sử dụng và một trạm y tế xã....

Bà con có nhà mới nhờ Chương trình 30a
Bà con có nhà mới nhờ Chương trình 30a

Chương trình 30a cũng tác động không nhỏ tới huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa). Ông Nguyễn Đăng Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2009, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng, để xóa nhà tạm, tranh tre dột nát cho 1.441 hộ nghèo (7 triệu đồng/hộ), cùng với nguồn hỗ trợ của Chính phủ, vốn vay ưu đãi của Ngân hành Chính sách Xã hội và sự chung tay của họ hàng, người thân, làng xóm... giúp họ có ngôi nhà mới khang trang hơn.

Trong số, 1.441 hộ nghèo này, hiện có 1064 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ nghèo của toàn huyện từ 57,2% (năm 2009) xuống còn 45,54% (năm 2013). Đồng thời, Tổng Công ty còn hỗ trợ huyện xây dựng Khu nội trú cho trường PTTH trong huyện giá trị hơn 10 tỷ đồng, giúp tỷ lệ học sinh “bỏ học giữa chừng” giảm từ 5,4% (năm 2009) xuống 1,7% (năm 2013).

Trong Hội nghị sơ kết thực hiện an sinh xã hội và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”, 5 năm qua, từ năm 2008-2012, Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tham gia hỗ trợ, tài trợ công tác an sinh xã hội với tổng giá trị là hơn 8.569 tỷ đồng để thực hiện các chương trình như :

Uống nước nhớ nguồn, tôn tạo, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, thực hiện Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, Cuộc vận động “Vì Trường Sa thân yêu”, ủng hộ xây dựng các công trình biển đảo phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, xóa nhà tạm, dột nát cho người nghèo, xóa cầu khỉ vùng đồng bằng Sông Cửu Long...

Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp giảm nghèo

Ông Nguyễn Trọng Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho hay, thực hiện Nghị quyết 30a, Agribank đã luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2013, dư nợ cho bà con nông dân vay đạt 1.861 tỷ đồng, với mục đích vay để trồng rừng sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản...

Đặc biệt, Agribank còn hỗ trợ 160 tỷ đồng cho hai huyện Tủa Chùa và Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) để xây dựng 2.340 căn nhà cho người nghèo ở Mường Ảng, mức đầu tư 15 triệu đồng/căn nhà, xây dựng 339 phòng cho học sinh nội trú dân nuôi; hai trạm y tế tại xã Mường Báng và xã Trung Thu (thuộc huyện Tủa Chùa)...

Đồng thời, Agribank còn tích cực thực hiện công tác từ thiện và chính sách an sinh xã hội, từ năm 2008-2012, Agribank đã ủng hộ 789 tỷ đồng, đã xây dựng được 1145 căn nhà tình nghĩa; xây dựng được 5.880 căn nhà đại đoàn kết, xây dựng được 49 trường học và phụng dưỡng 432 bà mẹ Việt Nam anh hùng

Tựu trung, các Tập đoàn, Tổng Công ty, Doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ có chính sách đặc biệt hỗ trợ khuyến khích các DN, trong đó, có chính sách miễn, giảm thuế để các DN, TCT, Tập đoàn hỗ trợ nhiều hơn nữa vào việc xây dựng điện, đường, trường trạm, y tế và các công trình phúc lợi cho 62 huyện nghèo, cũng như việc xây dựng nhà máy, mở chi nhánh mới tại huyện nghèo nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

“Nhưng hơn cả, làm sao chúng ta giảm nghèo nhanh và bền vững. Bởi hiện nay chúng ta có tới 30 chương trình giảm nghèo, hơn 70 hợp phần nhằm giảm nghèo... Vậy tổng số tiền thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo là bao nhiêu, ngân sách nhà nước dành bao nhiêu tiền cho công tác này là vừa đủ, làm sao để tiền ngân sách cũng như tiền bạc, công sức các TCT, Tập đoàn, DN phát huy hiệu quả hơn, để người nghèo thực sự vươn lên thoát nghèo, không còn ai ỷ lại...”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội trăn trở.

Mai Hoa

Đọc thêm