Ly dị ở tuổi trung niên (grey divorce) là một hiện tượng tại nhiều quốc gia. Hơn 40% người trung niên Hàn Quốc cho biết họ muốn ly hôn, theo kết quả của một cuộc thăm dò do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện năm 2019.
Cuộc sống của hầu hết các cặp vợ chồng ở tuổi trung niên rơi vào một cảnh chung: Sự tương tác giữa hai người được "tiêu chuẩn hóa" - quanh quẩn những câu hỏi như ăn gì, làm gì... , cuộc đối thoại giữa hai phía diễn ra nhàm chán và tẻ nhạt. Thêm vào đó, khoảng cách tinh thần càng bị nới rộng do mâu thuẫn về sở thích, thói quen. Nếu thời trẻ vợ chồng cố gắng chịu đựng, nhẫn nhịn nhau, thì khi bước vào tuổi trung niên, họ có xu hướng "bùng nổ", dẫn đến kết cục chọn lựa ly hôn. Chưa hết, "chất keo dính" của hôn nhân là con cái lúc này cũng không còn khi các con đã lớn và chuyển ra ngoài sống, cha mẹ mất đi mối quan tâm chung, dễ dẫn đến sự xa cách.
Tạ Văn Nghi - phó giáo sư thuộc khoa Nghiên cứu Gia đình tại Đại học Shih Chien, Đài Loan cho rằng sự yên ổn trong hôn nhân là "con dao hai lưỡi". "Khi vợ chồng gắn bó với nhau một thời gian dài, sự quen thuộc của đối tác sẽ mang lại cảm giác an toàn và ổn định cho mối quan hệ. Nhưng theo thời gian, nếu những tương tác giữa hai phía trở thành một thói quen nhàm chán, cả hai mất hứng thú với nhau, thậm chí không còn tranh luận thì hãy cẩn thận, mối quan hệ của hai bạn có thể rơi vào "vùng chết", phó giáo sư nói.
Theo chuyên gia này, để tránh việc hôn nhân tan vỡ ở tuổi trung niên, các cặp vợ chồng có thể tìm kiếm 5 giải pháp cụ thể.
Áp dụng quy tắc 5 ký ức đẹp bù đắp cho một ký ức xấu
Theo các chuyên gia, không nên chỉ chăm chăm vào những điều không đẹp, những giá trị tiêu cực của bạn đời, mà thay vào đó, cũng cần nhìn nhận những mặt tích cực của nửa kia, trong quá trình vun đắp hôn nhân. Đương nhiên khi đã sống với nhau hơn nửa đời, các cặp đôi thường sẽ nhìn thấy rõ những khuyết điểm của nửa kia và có xu hướng tập trung vào nó hơn là các ưu điểm. Tuy vậy, các chuyên gia khuyên rằng nên lấy các hồi ức đẹp, những trải nghiệm đẹp của cả hai để bù đắp cho những trải nghiệm, những hồi ức xấu.
Jackson và Katy - một cặp vợ chồng dẫn chương trình trên kênh Radio News98 cho hay họ đã chung sống gần 30 năm. Cả hai nói một trong những bí quyết để hôn nhân hạnh phúc là thường cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ngày xưa đẹp đẽ, bao gồm những ca khúc mà cả hai cùng yêu thích, nhờ thế họ xích lại gần nhau hơn.
Tôn trọng không gian cá nhân
Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Ayako Sono, trong một cuốn sách của mình cho rằng ở tuổi 50, việc cố gắng tìm cách thay đổi nhau là điều không thể. Do đó, cách tốt nhất là thỏa hiệp, tôn trọng. Cô cho rằng một người nên dành 50% thời gian cho mình, 50% thời gian cho nửa kia, thay vì bắt ép nửa kia phải thuận theo mình, hoặc ngược lại, dành 100% thời gian để chạy theo bạn đời.
Trân trọng và thực hiện lời hứa
Cuộc sống hôn nhân, theo thời gian khiến người vợ - người chồng có thể trở nên xuề xòa, dễ dãi với nửa kia và với chính mình. Đôi khi, họ quên những lời từng hứa hẹn với bạn đời trong những năm tuổi trẻ, vô tình biến mình trở nên thay đổi, giảm giá trị trong mắt bạn đời.
Tờ Aboluowang đưa ra ví dụ về ông Ngô Đại Cương, phó tổng giám đốc của AU Optronics - một tập đoàn sản xuất bảng điều khiển lớn nhất Đài Loan - là một người luôn giữ lời hứa với vợ. Suốt 30 năm lấy nhau, dù công việc bận rộn, ông luôn dành thời gian cho gia đình và cùng vợ phát triển tiệm mì của bà. Ông thực hiện lời hứa với bà xã nên không bao giờ đi chơi golf vào những ngày lễ. Chính vì ý thức giữ gìn lời hứa của ông, các con ông rất tôn trọng bố mẹ, vợ ông cũng rất tôn trọng và nể phục chồng.
Khiến bản thân trở nên thú vị hơn
Khi tuổi càng cao, mỗi người cảm xúc cũng già đi, cuộc sống đương nhiên tẻ nhạt. "Nếu bạn cảm thấy nhàm chán khi ở bên người kia, trước tiên hãy tự hỏi bản thân, liệu mình có vui khi ở một mình không?" - phó giáo sư Tạ Văn Nghi đặt câu hỏi. Ông cho rằng nếu không có cách tạo niềm vui cho bản thân thì không có lý do gì để vui vẻ với người khác. Ông nhấn mạnh, trước tiên hãy yêu cầu bản thân thay đổi, thay đổi từ cách ăn mặc, lối sống... Khi bạn cảm thấy bản thân thú vị hơn thì bạn đời ắt cũng nhìn bạn bằng con mắt mới mẻ hơn.
Đừng áp đặt cảm xúc lên bạn đời
Nhiều người vợ/người chồng thay vì học cách lắng nghe thường có thói quen áp đặt, ví dụ cho rằng vợ "Tốt nhất đừng nên nói gì, nói toàn lời khó nghe... ". Tất cả những điều này vô tình tạo ra sự ức chế cho nửa kia, vì họ không được lắng nghe và tôn trọng. Tuyệt đối không nên bày tỏ cảm xúc của mình một cách mạnh mẽ, dẫn đến việc áp đặt sự không hài lòng và nhu cầu của bản thân lên đối phương.
Được thấu hiểu là một bước đột phá tuyệt vời trong sự gần gũi giữa vợ chồng, và cũng chỉ với sự thấu hiểu mới có thể giúp mối quan hệ thay đổi được theo chiều hướng tích cực.