Những hình ảnh thiếu ý thức
Những quán cơm 0 đồng, siêu thị 0 đồng, ATM gạo có mặt khắp mọi nơi là dấu hiệu đáng mừng của tinh thần nhân ái tỏa lan khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh hình ảnh những người nghèo khấp khởi đến nhận tiền, vật phẩm hỗ trợ thì vẫn có những hình ảnh không mấy đẹp mắt. Những người có điều kiện, đủ sống, thậm chí dư dả nhưng vẫn đến nhận những phần quà thiện nguyện, mà không chỉ nhận một lần.
Nhiều siêu thị 0 đồng, ATM gạo đã chứng kiến cảnh nhiều người ăn mặc sang trọng, vàng đeo đầy người nhưng vẫn đem xe máy đến chở hàng hỗ trợ về nhà; không ít người liên tục tới nhận quà. Anh Lê Văn Tấn, Trưởng nhóm từ thiện Thiên Tâm, cho biết, sau quá trình phát gạo, nhu yếu phẩm tại nhiều địa điểm, nhóm anh phát hiện có những trường hợp người đi theo nhóm, ăn mặc khác đi để đến nhận rất nhiều phần quà. Đáng buồn là những phần quà từ thiện lẽ ra cần đến tay những người nghèo, hoàn cảnh khốn khó thì lại được… gom lại đem đi bán bởi những người trục lợi như thế.
“Khi phát hiện những trường hợp như thế, chúng tôi cũng có nhắc nhở, nhưng đa phần gặp phải phản ứng nên chúng tôi cũng đành chấp nhận, không thể vì những trường hợp cá biệt như thế mà ngừng hoạt động cấp phát, tặng thực phẩm cho những người cần”, anh Tấn chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tâm Ánh, giáo viên cấp 2, ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM cho biết, ngay tại khu vực chị sinh sống, chị cũng đã chứng kiến cảnh không ít gia đình dư dả, có của ăn, của để, kinh tế không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng vẫn đến xếp hàng để nhận quà, nhận gạo từ ATM gạo: “Theo tôi, những hành động này là thiếu ý thức. Mỗi phần quà như thế đối với người bình thường, đủ ăn, đủ mặc thì không nhiều nhặn gì, nhưng đối với người nghèo, họ được “cứu” trong một khoảng thời gian. Nếu như người ta chỉ vì tâm lý “miễn phí dại gì không nhận”, vô hình trung sẽ tạo gánh nặng hơn cho những người làm thiện nguyện, gián tiếp gây thiệt thòi cho người nghèo thật sự”, chị Ánh nói.
Tranh cãi quan điểm làm từ thiện
Phải thừa nhận rằng, có không ít hành vi vô ý thức hay trục lợi từ những phần quà dành cho người nghèo. Tuy nhiên, một việc cần bàn đến ở đây là hành xử như thế nào cho đảm bảo công bằng, nhưng không gây tổn thương cho những đối tượng khó khăn trong xã hội.
Thời gian vừa qua, đã có nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh cách thức làm từ thiện của một số đơn vị. Tại một số ATM gạo, siêu thị 0 đồng hay điểm cấp phát thực phẩm miễn phí cho người nghèo, đã xuất hiện trường hợp có người bị từ chối khi đến nhận gạo. Có trường hợp là người mẹ, đi xe tay ga đem con cái và nhiều thành viên trong nhà đến nhận gạo nhưng chỉ 2/3 số thành viên trong gia đình được nhận.
Có trường hợp, thiếu nữ ăn mặc sang trọng, cũng đi xa tay ga đến, thành viên đơn vị làm từ thiện từ chối trao thực phẩm. Và mới đây nhất là câu chuyện cô bé phụ hồ, do ngoại hình khá sáng sủa và tươm tất mà bị người điều phối của một ATM gạo mời ra khỏi hàng, không được nhận gạo.
Những sự việc này làm dấy lên hai luồng tranh cãi mạnh mẽ từ dư luận. Người cho rằng, hành vi tranh quà hỗ trợ của người nghèo cần có sự cảnh báo, từ chối từ đơn vị trao tặng. Ngược lại, không ít người cho rằng, thực tế, sự thẩm định giàu hay nghèo hiện nay cũng chỉ dựa trên cảm nhận cảm tính, đa phần từ “ăn mặc tươm tất”, “chạy xe tay ga”… mà đánh giá.
Trong khi đó, nhiều hoàn cảnh trong xã hội, lúc bình thường vẫn sung túc, nhưng đại dịch kéo đến, họ lâm vào khốn khó, phải chạy gạo từng bữa, vẫn cần được giúp đỡ. Điển hình là câu chuyện cô bé phụ hồ tại ATM gạo. Vì dựa trên đánh giá bề ngoại, vô tình người điều phối gạo đã làm tổn thương đến một đối tượng cần giúp đỡ thật sự, vì em nghèo, thất nghiệp và đang rất cần đến miếng ăn.
Hơn thế nữa, không ít người cho rằng, đã làm từ thiện thì không nên có tâm phân biệt, rằng dù là trao tặng nhầm đối tượng. Của cho rất cần trong giai đoạn này, nhưng cách cho cũng quan trọng không kém. Cho làm sao để người làm từ thiện nhận mà vui, mà ấm áp, mà không bị tổn thương, đấy mới là cách cho đúng đắn.
Những cuộc tranh cãi cứ tiếp diễn và những người làm thiện nguyện vẫn tiếp tục dấn thân. Sai ở đâu thì sửa ở đấy, làm từ thiện trong thời buổi nhiều thị phi quả không dễ dàng gì.
Tạo điều kiện để làm từ thiện
Những tấm gương, cá nhân làm việc thiện trong mùa dịch Covid-19 thực sự là một điểm sáng, là những que diêm đốt cháy lòng thương người của tất cả mọi người. Lòng tốt có sự lan truyền, một người làm việc tốt có thể kéo theo được nhiều người làm tốt. Còn tôi, cách đây 2 tháng cũng làm từ thiện bằng cách tham vấn tâm lý miễn phí. Đến giờ thì cũng có vài đồng nghiệp của tôi làm rồi. Cứ một người làm thì sẽ có nhiều người làm, đấy là một tín hiệu tuyệt vời.
Những người khó khăn được giúp đỡ xã hội sẽ bớt đi người nghèo, giảm bớt được những người bệnh, người cùng đường, thậm chí bớt đi tội phạm cho xã hội. Ví dụ một người đang khó khăn chỉ cần giúp một miếng ăn, bữa cơm vô cùng quý, hạn chế nhiều tiêu cực trong xã hội. Ngoài ra, những người nghèo cũng cảm thấy ấm lòng bởi họ được quan tâm, cưu mang. Điều đó sẽ tạo cho người nghèo tin vào lòng tốt, tin vào cuộc đời này.
Khi hết dịch Covid-19 rồi cũng sẽ còn những người khó khăn, thất nghiệp, có những người có những nỗi khổ khác. Tôi nghĩ sau dịch mọi người cần duy trì tình cảm “lá lành đùm lá rách” này. Nhà nước nên tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc làm từ thiện này.
(Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện tại TP HCM)