Lần đầu tiên người dân Hà Nội có "thẻ đi chợ", "thẻ lao động"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để giảm thiểu tối đa lượng người đi ra chợ, tránh tập trung đông người, chiều ngày 26/7, người dân trên địa bàn phường Nhật Tân (TP Hà Nội) đã được phát thẻ đi chợ theo khung giờ và theo ngày chẵn, lẻ. 

Mỗi hộ dân được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi tuần, mỗi hộ có thể đi chợ 4 lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ và Thứ bảy/Chủ nhật. Buổi sáng từ 5h30 đến 6h30 và buổi chiều từ 15h30 đến 16h30.

Một số người dân chia sẻ khá bất ngờ khi nhận phiếu đi chợ do tổ dân phố phát tận nhà vào chiều 26/7. Thực tế, việc phát thẻ đi chợ theo giờ đã được một số tỉnh tại miền Nam, miền Trung đã triển khai trước đó nhưng ở Hà Nội thì đây là lần đầu tiên. Tuy nhiên, tất cả đều vì mục tiêu cuối cùng là sớm đẩy lùi được dịch bệnh nên ai cũng đồng thuận.

Ngoài ra, phường còn phát thẻ lao động cho các hộ gia đình, mỗi hộ một người, được phép ra vào bãi đào phường Nhật Tân lao động trong thời gian giãn cách xã hội.

Việc triển khai đi chợ bằng thẻ sẽ được triển khai tại tất cả phường thuộc quận Tây Hồ.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết phường Nhật Tân đã áp dụng thí điểm thẻ đi chợ từ ngày 25/7.

"Qua việc phát phiếu đi chợ, chúng tôi hạn chế đáng kể lượng người ra vào chợ mỗi ngày. Người dân được yêu cầu đi đúng khung giờ ghi trên phiếu, tránh tình trạng nhiều người đổ dồn vào một nơi cùng thời điểm", ông Khuyến nói.

Bên cạnh đó, trên mỗi phiếu sẽ ghi tên, địa chỉ của người đi chợ, được ban quản lý chợ tổng hợp lại, phục vụ công tác rà soát, truy vết nếu cần thiết. Chủ tịch quận cho biết trước mắt sẽ áp dụng tại một số phường rồi hướng đến ứng dụng thẻ đi chợ trên toàn địa bàn.

Người dân được yêu cầu xuất trình thẻ nếu muốn vào chợ, còn ai chưa có thẻ sẽ phải khai báo y tế tại các chốt cổng chợ và được phát thẻ ngay tại đó.

"Chúng tôi đang phát thẻ với 5 chợ dân sinh, hôm nay quận sẽ họp để tổng hợp, rút kinh nghiệm tính đến áp dụng trên toàn địa bàn. Quận đang cân nhắc phát cả thẻ đi siêu thị để hạn chế tập trung đông người tại khu vực này", ông Khuyến nói.

Một nhân viên bảo vệ chợ Nhật Tân cho biết: "Hôm nay là ngày đầu thực hiện việc phát thẻ vào chợ cho người dân, cho nên chúng tôi khá vất vả trong quá trình kiểm tra và phân luồng cho người dân vào chợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng dẫn người dân di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian, diện tích của chợ, đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ 1,5 mét khi thực hiện mua sắm. Hiện nay, vẫn còn một số hộ gia đình chưa có thẻ vào chợ, chúng tôi sẽ có những biện pháp làm việc linh động chứ không cứng nhắc".

Sau khi áp dụng tại Nhật Tân, mô hình này sẽ được quận Tây Hồ áp dụng trên tất cả các địa bàn khác.

Lần đầu tiên người dân Hà Nội có "thẻ đi chợ", "thẻ lao động" ảnh 5

Việc phát thẻ đi chợ nhằm hạn chế lượng người tụ tập tại các chợ dân sinh. Ảnh: TG

Lần đầu tiên người dân Hà Nội có "thẻ đi chợ", "thẻ lao động" ảnh 6

Một hộ dân được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội.

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 17 thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày /trên phạm vi toàn thành phố.

Ngoài hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống tại Hà Nội đều siết chặt quy định phòng dịch, như duy trì chốt ngoài cổng kiểm soát, đo thân nhiệt với khách vào chợ; tạm ngưng hoạt động với các mặt hàng, ngành hàng bán hàng không thiết yếu, nhằm giảm bớt số lượng người dân vào chợ.

Chính quyền một số phường còn yêu cầu các tiểu thương ghi nhật ký bán hàng tại chợ với đầy đủ các thông tin (họ tên, số điện thoại liên lạc của khách hàng, thời điểm giao dịch trong ngày...), phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết. Đây là một trong những biện pháp để bảo vệ chợ truyền thống, chợ dân sinh an toàn trước dịch COVID-19.

Đọc thêm