Lan man nghệ thuật tạo hình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế hiện nay, khái niệm về tạo hình có vẻ khá mơ hồ. Điêu khắc tạo hình, hội họa tạo hình, đồ họa tạo hình, trang trí và mĩ thuật ứng dụng cũng tạo hình. Còn sản phẩm các ngành đó có “ mĩ thuật” không thì chưa cần bàn đến.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Tôi nhớ không chính xác, hình như đại hội Hội mĩ thuật lần ba giữa những năm 80 thế kỉ trước. Khi ấy trong Ban chấp hành có họa sĩ Đặng Đức Sinh, Đặng Thị Khuê, Nguyễn Quân đã đưa ra đề nghị đổi tên hội Mĩ thuật chung chung thành Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.

Tôi lúc ấy đã tuổi 40 mà u u minh minh, chẳng biết đúng sai thế nào. Khi biểu quyết thấy cả rừng cánh tay đưa lên, rồi mình cũng giơ theo. Nhưng rồi tên mới đó chỉ tồn tại có một khóa. Khí thế đổi mới lúc ấy khá sôi nổi nhưng phái bảo thủ ấm ức ngầm vận động xóa sổ nó. Khóa sau y như rằng tên mới bị lật đổ. Hội lại trở về tên cũ là Hội mĩ thuật, Ban chấp hành cũ cũng đi theo cái tên luôn.

Phải chục năm sau mình mới thấy “Pê trôi ca” cái tên từ Hội mĩ thuật thành tạo hình là chính xác. Hội gồm nhiều chuyên ngành hội họa, điêu khắc, đồ họa, trang trí, mĩ thuật ứng dụng, rồi còn thêm cả ngành lý luận. Hội tổng hợp mà. Mọi chuyên ngành đều rõ là tạo hình cả.

Lý luận thì rõ rồi, nó là chuyên chữ nghĩa. Còn các chuyên ngành trên gộp chung lại gọi là tạo hình là chính xác cho tất cả. Điêu khắc tạo hình, hội họa tạo hình, đồ họa tạo hình, trang trí và mĩ thuật ứng dụng cũng tạo hình. Còn sản phẩm các ngành đó có “ mĩ thuật” không thì chưa cần bàn đến. Thế là bình đẳng trọng thị, chẳng có gì phải ganh tị giữa các ngành nữa. Chứ gọi Mĩ thuật thôi thì quá chung chung, nhưng tạo hình thì không cãi vào đâu được. Còn trang trí và ứng dựng rất thiết thực trong đời sống, ghép vào Hội mĩ thuật nghe lép quá, chẳng mấy ai biết đến, dù vẫn là tạo hình cả!

Cái tên “Hội nghệ sĩ tạo hình” sống có một khóa là chuyện đã qua, nhắc lại để mọi người cùng nhớ những biến đổi của tư duy. Cách mạng không dễ, không phải cái mới nào cũng dễ được chấp nhận ngay. Tư tưởng con người có lúc khá giống con ngựa quen đi đường cũ. Đường cũ thì an toàn hơn. Khi chưa hiểu cái mới nó tròn méo thế nào thì cứ kiểu cũ cho chắc chắn. Đó là cái trì trệ của tinh thần nông dân lúa một vụ còn đeo bám ăn vào gen trong lớp người có học gọi là có trí thức.

Khái niệm về tranh tượng nay cũng dần mở rộng ra. Trước đây, hiện thực thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa được hiểu là vẽ đúng người đúng thiên nhiên, chủ yếu là sao chép, phản ánh mô tả lại hiện thực cuộc sống, thế là chuẩn. Vẽ dài ra ngắn vào là không ổn. Lại còn có thêm khái niệm “Phục vụ quần chúng Công Nông Binh”.

Lúc ấy thấy có vẻ đúng. Nhưng rồi giờ hiểu ra thế là họa sĩ thành anh đầu bếp, kẻ bồi bàn phục vụ cho “quần chúng” nghĩa là cả xã hội cùng được chén món hàng định hướng vừa khẩu vị! Bên văn học ông Hoàng Ngọc Hiến gọị là “văn học Phải đao”. Giờ nghe buồn cười vậy mà khi ấy ai cũng tin. Mới đây thôi, trên mạng xã hội vẫn có một bạn hỏi móc: Vậy nghệ thuật chỉ dành cho giới tinh hoa thôi ạ? Nó không còn vai trò phục vụ nữa sao?

Tôi trả lời ngắn gọn: Trước hết khái niệm vai trò phục vụ làm bếp bưng bê giờ cũ lắm rồi, không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hôm nay. Chỉ có áp phích tuyên truyền và cổ động, biểu trưng ngành nghề, biểu trưng của tổ chức xã hội và các mẫu mã hàng hóa quảng cáo tuyên truyền do cơ sở và các tổ chức đặt hàng các họa sĩ ứng dụng. Họa sĩ sáng tạo đúng yêu cầu thì được trả công.

Còn sáng tạo nghệ thuật như tranh tượng và các sản phẩm mĩ thuật khác, họa, điêu khắc thì họ chỉ làm ra cái đẹp thôi, nói cho dễ hiểu là giống như nông phu trông đủ loại lúc nếp tẻ vừng kê mạch khoai bắp, thiên nhiên thì cho đủ loại củ rừng, lá rừng, quả rừng ăn được. Đó là chưa kể đến các loại gia vị như tiêu ớt mác-khén thảo quả hạt dổi… hàng trăm loại hạt thuộc giống khác nhau, ai vừa mồm loại nào thì ăn loại ấy.

Cho nên bây giờ từ tranh bờ hồ, chép ảnh, tranh nhái Tây, Tàu, tranh sản xuất hàng loạt giá bình dân đến tác phẩm nghệ thuật đắt tiền là đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của tất cả mọi người mọi nhà, cứ vừa ý thích, vừa túi tiền là có thể được đáp ứng. Chẳng có giới tinh hoa nào độc quyền thưởng thức.

Tôi đã gặp những công chức nghèo, hiểu và yêu nghệ thuật thì không có đủ tiền mua tranh có giá trị, nhưng lại thấy có đại gia thừa tiền chỉ thích tranh bờ hồ và tranh đá quý kia kìa. Không phải đại gia tiếc tiền mà món đó vừa khẩu vị. Tôi trả lời vậy, thì bạn ấy im, bèn kết thúc bằng cách nhắc lại lời của Mác, rằng: muốn thưởng thức được nghệ thuật cũng phải học. Còn tôi thì nghĩ rằng phông văn hóa nào thì sẽ thưởng thức nghệ thuật thế ấy. Nó biết tìm nhau!

Làm nghề vẽ, những ai chưa qua trường sở thì xưa nay vẫn bị coi là nghiệp dư, dù vẫn làm chuyên nghiệp. Nghiệp dư mà hay như Huy Toàn, Nguyễn Bích, Nguyệt Nga hỏi chuyên nghiệp học trường mấy người đã bén gót. Các bác ấy đều không thụ giáo trường nào cả, nên chẳng có học vị. Nhưng nhìn tranh thì chẳng ai dám bảo nghiệp dư. Học cũng có năm bảy đường. Bằng chỉ là tờ giấy xác nhận, bằng không làm nên tài năng!

Bây giờ thì người ta xem tranh chứ chẳng ai cần xem bằng. Có bằng đại học chắc đâu đã làm được gì. Không thiếu những họa sĩ không vẽ được lại đổ thừa cho là sáng tác định hướng nên khó vẽ, đổ thừa cho cơ chế kìm hãm. Cái này là tội, là vu vạ. Cái thời dòm dỏ vẽ nude báo cáo cấp trên cho là đồi trụy qua lâu rồi, mà nào đã có sáng tác gì cho ra hồn đâu!. Chẳng nghề nào sướng hơn mĩ thuật, chẳng ai tự do hơn họa sĩ mà không có tác phẩm thì còn còn kêu ai. Thực ra chỉ là chưa có cái đầu làm nổi sáng tác dù có nghề vẽ. Nói thế cho vuông!

Còn tranh ngoài hiện thực thì từ lâu các họa sĩ thế giới đã trừu tượng, biểu hiện tượng trưng, lập thể, đa đa… loạn xà ngầu. Họ bày bức toan trắng tinh, hoặc quét sơn đỏ sơn đen, hoặc vạch vài ba nhát màu lên, có cái như đang vẽ dở, có cái viết chữ lăng nhăng lên, có cái như không vẽ, nhưng chú thích thật hầm hố, nghiêng cả vũ trụ, khối người khen, kể cả nhà phê bình cao đơn hoàn tán nó, đẩy giá lên cả vài triệu đô. Nhưng xem ra tranh đó còn dưới tầm biểu trưng, viguett, có khi kém cả tranh đề co trang trí. Tạo hình cả đấy, còn có “mĩ thuật” hay không lại là chuyện khác, đúng không ạ?

Họa sĩ ta giờ cũng không kém cạnh, té nước theo mưa, đánh vữa cho lên màu ngon lành rồi cũng tên họ sang trọng đố ai dám chê. Gía lại càng bay bổng hơn. Càng khó xem, giá càng cao vì nó huyền bí và giàu chất xám(!) Vẽ theo ảnh, kĩ hơn ảnh gọi là cực thực cũng đang là trào lưu ai dám phủ nhận là không tạo hình…

Nghệ thuật tạo hình muôn hình vạn trạng, không có công thức nào để khoanh vùng nó, nên bây giờ đang phát triển vào các lớp vẽ cho những người hưu, nhàn cư nhưng yêu màu sắc và cũng thành họa sĩ rất nhanh. Nói về nghệ thuật tạo hình, ấy là câu chuyện rỉ rả cả năm vẫn chưa hết!

Đọc thêm