Lan tỏa Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' tại Nam Định

(PLVN) - Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) tại Nam Định ngày càng được lan tỏa khi người tiêu dùng tỉnh này ngày càng ưu tiên lựa chọn hàng Việt trong đời sống.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khảo sát tại Siêu thị GO! Nam Định. (Ảnh: mattran.org.vn).

Lan tỏa hiệu quả Cuộc vận động đến mọi tầng lớp nhân dân

Những năm qua, Sở Công Thương tỉnh Nam Định luôn xác định việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về cuộc vận động.

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền như: treo băng rôn, cờ phướn tại các chợ, siêu thị, các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Nam Định, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương… nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò của thương hiệu hàng Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ gần 70 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại 25 hội chợ, triển lãm; hỗ trợ gần 20 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tham gia 6 hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai 18 chương trình ứng dụng máy móc thiết bị mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và 2 chương trình xây dựng mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm mới. Tổng kinh phí hỗ trợ các chương trình khoảng trên 5 tỷ đồng. Đặc biệt, Sở đã xây dựng thành công 2 mô hình “điểm bán hàng Việt” để cung ứng hàng hóa trực tiếp từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Cuộc vận động đã giúp người tiêu dùng tỉnh Nam Định thay đổi nhận thức và hành vi mua sắm, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt Nam, dần xoá bỏ định kiến đối với sản phẩm trong nước và so sánh giữa hàng nội và hàng ngoại; dần hình thành nét đẹp văn hoá tiêu dùng của người dân Nam Định với hàng hoá do Việt Nam sản xuất; Giúp các doanh nghiệp Nam Định nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực, quốc tế. Các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ, có chính sách khuyến mại, hậu mãi hợp lý, đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Để tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động

Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động tỉnh Nam Định, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động còn nhiều khó khăn, hạn chế nên kết quả chưa thật toàn diện.

Việc tuyên truyền nội dung, mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động thiếu thường xuyên, liên tục; việc kiểm tra, giám sát thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế; việc xây dựng, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế; tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là trong hoạt động bán hàng online.

Để việc thực hiện Cuộc vận động ngày càng đạt hiệu quả, Ban chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động yêu cầu các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, các sở, ban, ngành cần phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân trong tỉnh đối với việc tiêu dùng hàng Việt.

Bên cạnh đó, nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt, gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương để trực tiếp cung ứng đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, các sở, ban, ngành chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm để các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh có nhiều cơ hội mở rộng thị trường trong nước, nhất là đối với các sản phẩm, hàng hóa đạt chuẩn OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đồng thời, đẩy mạnh việc nêu gương các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước khi mua sắm các vật phẩm ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ trong tỉnh, trong nước.

Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện thường xuyên cập nhật danh sách, cung cấp đầy đủ thông tin các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại lớn trong toàn quốc. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nghiên cứu, tìm tòi những cách làm mới, thiết thực để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng Việt do thương hiệu Việt Nam sản xuất.

Đọc thêm