Làng Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) từ lâu được người dân mệnh danh là ốc đảo hoang sơ. Làng vắng vẻ, đìu hiu, thanh niên bỏ làng đi để lập nghiệp và sinh sống tại những vùng đất khác, đến nỗi mười năm nay ngôi làng không có lấy một đám cưới.
10 năm thèm một lần nghe tiếng nhạc đám cưới
Ông Nguyễn Hồng Phong, cán bộ địa chính xã Xuân Giang cho biết, khoảng hơn 20 năm trở lại đây, làng Hồng Lam trở nên tụt hậu so với đất liền. “Dân số trong làng thì giảm sút nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 1988 đến 1991, dân số từ 2000 người giảm xuống chỉ còn khoảng 1.500 người và hiện nay chỉ còn 200 hộ với hơn 500 nhân khẩu.
Con thuyền này là phương tiện duy nhất để 500 người giao lưu với bên ngoài |
Hiện ở thôn Hồng Lam chỉ toàn người già và trẻ em, bởi tất cả những thanh niên và người trung tuổi có sức khỏe đều rời làng đi làm ăn xa”, ông Phong cho biết.
Lí giải về điều này, ông Phong chia sẻ: “Sở dĩ dân số thôn Hồng Lam ngày càng sụt giảm là do các điều kiện giao thông, kinh tế nơi đầy không phát triển, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Phương tiện duy nhất để người dân giao lưu với đất liền là một chiếc thuyền cũ kĩ. Muốn đến các làng xung quanh họ phải đi đò với khoảng cách gần 1 km. Vì vậy mà nhiều hộ gia đình đã rời khỏi làng để đến nơi khác sinh sống”.
Mỗi lần muốn sang sông người dân thường phải chờ rất lâu, có khi phải chờ cả tiếng đồng hồ mới có thuyền. Do giao thông bất tiện như vậy nên việc giao lưu buôn bán của người dân trong làng với thế giới xung quanh bị hạn chế rất nhiều.
Cụ Lê Văn Lý (80 tuổi), một cao niên trong làng kể: “Ngày xưa mỗi lần cưới hỏi không khí trong làng rất vui vẻ, một gia đình tổ chức đám cưới cho con là cả làng đến chung vui. Tuy nhiên lâu lắm rồi ở đây chẳng có lấy một đám cưới nào. Bọn trẻ không đứa nào muốn về làng để sinh sống nữa”.
Theo cụ Lý, hầu hết thanh niên rời làng đi học và lao động đều ở lại lập nghiệp tại các thành phố lớn và các vùng có điều kiện thuận lợi chứ không về làng. Do vậy họ cũng tổ chức đám cưới tại nơi mình làm việc, sau đó mới về quê báo hỉ. Theo người dân nơi đây cho biết đám cưới gần nhất ở thôn là năm 2000.
Những thanh niên và trung niên trong làng đều rời làng đi làm ăn xa, hầu hết họ đều tìm cách lập nghiệp tại nơi mình làm việc chứ không muốn quay về làng. Chỉ vào những ngày lễ tết, họ mới về thăm quê hương. Những người dân thôn Hồng Lam khi đi làm ăn ở xứ người đều tìm cách liên hệ với nhau thành lập làng để sinh sống. Nghe nói, tại TP.HCM có tới hai ngôi làng mới được thành lập chỉ toàn là người dân thôn Hồng Lam.
Đất rộng mênh mông vẫn phải đi mua gạo từ nơi khác về ăn
Cụ Lý cho biết thôn Hồng Lam có từ rất lâu đời, tính đến nay ngôi làng khoảng 300 năm tuổi. Có thời nơi đây là một địa điểm buôn bán sầm uất bậc nhất vùng Nghệ Tĩnh.
Ngày đó những sản phẩm mà người dân làm ra rất được ưa chuộng, đặc biệt là lạc, cói và gia súc gia cầm. Thuyền bè khắp nơi thường kéo đến đây và mang theo các nhu yếu phẩm đến để bán và trao đổi hàng hóa, rất nhộn nhịp. Đời sống của người dân trong làng vô cùng sung túc đông vui.
Tuy nhiên, ngôi làng trù phú giàu có ngày nào giờ trở nên tiêu điều xơ xác, vắng người qua lại. Khắp đường làng cỏ dại mọc um tùm, các cơ sở dịch vụ hầu như không có. Chỉ nằm cách quốc lộ chưa đầy 3km nhưng nơi đây giống như một thế giới khác…
Cuộc sống trên “ốc đảo” vô cùng khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là các nhu yếu phẩm và nước ngọt. Vì đất đai ở đây nhiễm mặn nên người dân không thể đào giếng, mà phải hứng nước mưa để ăn uống. Nhiều khi hạn hán lâu ngày, cả thôn không có nước để sinh hoạt, hằng ngày họ phải đi thuyền sang đất liền mua nước ngọt về sử dụng.
Trưởng làng chia sẻ về cuộc sống khó khăn ở ốc đảo |
Đến mùa bão gió, làng Hồng Lam bị nhấn chìm trong biển nước.Có những năm lụt to, toàn bộ nhân dân trong làng phải đi di tản ở đất liền, còn nhà cửa tài sản đành phải để lại. Mỗi lần lũ đi qua hầu như gia đình nào cũng bị mất trắng.
Ước mơ một cây cầu
Nguyên nhân khiến vùng đất trù phú ngày nào nay trở thành ốc đảo hoang vắng, theo đa phần những người sống lâu năm ở làng, là vì điều kiện giao thông khó khăn.
Trong khi các làng khác ở trong đất liền ngày một phát triển, có đường xá khang trang, lưu thông hàng hóa thuận lợi… thì “ốc đảo” Hồng Lam ngày càng bị tụt hậu.
Bán thì rẻ nhưng khi đi mua thì dân làng lại phải mua đắt, bởi bất cứ một loại hàng hóa nào khi được đưa về làng đều có giá cao hơn rất nhiều so với giá gốc. Tuy vậy, người dân vẫn phải cắn răng trả tiền, bởi nếu không họ phải đi thuyền sang sông mua hàng rất bất tiện và tốn kém hơn nhiều lần.
Mọi việc liên lạc với thế giới bên ngoài của làng chỉ trông vào một chiếc thuyền ọp ẹp. Chẳng ai mặn mà đầu tư thêm chiếc thuyền thứ hai vì giá “vé” đi thuyền vô cùng rẻ mạt: 2000 đồng với người đi xe đạp, 5000 đồng với người có xe máy.
Người dân ở đây cho biết, khổ nhất là các em học sinh cấp hai và cấp ba vì phải đi thuyền sang đất liền để học. Nhiều khi mưa gió, sợ nguy hiểm nên người lái thuyền không dám chở khách sang sông, học sinh đành phải nghỉ học.
Hiện nay ở thôn Hồng Lam, trường mầm non phải đóng cửa vì không có học sinh. Còn trường cấp 1, thì toàn bộ năm khối chỉ vẻn vẹn có 28 học sinh, có lớp học chỉ có 3 em.
Các cô giáo hàng ngày phải đi đò ngang sang sông để dạy học. Vì cách trở đò giang nên làng có một trạm xá để phục vụ người dân những lúc ốm đau, tuy nhiên không có một y bác sĩ nào chịu về làng để quản lí trạm xá. Chính quyền đành kí hợp đồng nhờ một y sĩ về hưu quản lí trạm xã, chăm sóc sức khỏe cho nhận dân. Trang thiết bị thiếu thốn, trình độ của y sĩ hạn chế vì vậy có nhiều trường hợp nguy kịch đã không được cấp cứu kịp thời khiến bệnh tình trở nên trầm trọng.
Ông trưởng thôn Nguyễn Văn Phong tâm sự: “Những hộ gia đình ở trong làng đều sống ở đây 4 – 5 thế hệ. Mồ mả ông bà tổ tiên đều ở thôn do vậy việc phải bỏ làng đi sinh sống ở nơi khác là một việc bất đắc dĩ mà thôi.
Do đời sống nơi đây quá khó khăn, giao thông lại bất tiện vì vậy người dân đều lần lượt rời làng lưu lạc xứ người”. Ước mơ về một cây cầu nối ngôi làng với đất liền là khát vọng cháy bỏng của bao thế hệ người dân thôn Hồng Lam, chẳng biết bao giờ thành hiện thực.
Theo Xa lộ pháp luật