Từ TP Vinh chạy xe 70km, chúng tôi đến làng nghề Vĩnh Đức vào những ngày cuối năm, khi người dân đang hối hả làm những mẻ bánh phục vụ Tết cổ truyền. Nhà nào cũng tất bật: người tráng bánh, người đem bánh lên giá, người đem phơi… Mùi khói thơm từ việc nướng bánh lan tỏa khắp vùng rộng lớn, nhà nào cũng đỏ lửa tráng bánh, hối hả vào Tết, bởi đây là thời điểm lượng bánh được xem là tráng nhiều nhất của năm.
Để làm nên sản phẩm, người dân xay gạo trắng thành bột gạo nước, trộn với vừng đen sau đó hấp chín rồi đem ra phơi nắng. Để tăng thêm vị thơm ngon, người ta cho thêm gừng, hạt tiêu, tỏi giã nhỏ, trộn vào bột gạo để tráng. Để có sản phẩm bánh đa ngon, người làng Vĩnh Đức thường sử dụng gạo có độ dẻo ít, gạo thường được dùng là Khang Dân 18, gạo tẻ để tráng bánh. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, người dân tập trung tạo một làng nghề. Bánh làm xong được phơi trong khuôn viên có bờ rào sạch sẽ; bánh thành phẩm được người dân đóng vào từng thùng trước khi ra thị trường. Hiện sản phẩm bánh đa Vĩnh Đức không chỉ phân phối trong nước mà còn hướng ngoại như các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…
Làng nghề Vĩnh Đức hiện có 70 hộ làm nghề với hàng trăm lao động tráng bánh quanh năm. Trước đây, người dân làm bánh đa chỉ để thay đổi khẩu vị bữa ăn hoặc dự trữ khi lũ lụt mất mùa, hiện nay phát triển mạnh mang tính thương mại. Nguồn gốc xuất phát làng nghề bánh đa hiện nay.
Không ai nhớ nổi, tuy nhiên theo truyền rằng thì thuở xa xưa có một nhóm người từ ngoài Bắc sinh sống thành một xóm, từ đó dần già họ phát triển nghề bánh đa, kẹo lạc và rồi truyền lửa cho đến những ngày hôm nay.
Trước đây, làng Vĩnh Đức nằm ở xã Liên Sơn đến năm 1989, xã Liên Sơn sáp nhập thị trấn Đô Lương, từ đó đến nay, người dân quen gọi là làng Vĩnh Đức, thực chất nó là khối 10, thị trấn Đô Lương. Năm 2005, UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Làng nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức.
Anh Phạm Công Trường tâm sự: “Bản thân được cha mẹ truyền nghề khi mới 20 tuổi và từ đó đến nay cả gia đình anh làm bánh đa theo phương pháp áp dụng máy để xay bột có thêm nhiều sản phẩm hơn. Mỗi ngày gia đình tôi làm khoảng 3 vạn chiếc”.
Ở làng Vĩnh Đức, nhờ nghề bánh đa là nghề truyền thống đặc trưng. Chính nghề này là nguồn thu nhập chính để lo cuộc sống cho các gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Nghĩa (SN 1973) chia sẻ: Gia đình tôi làm nghề này từ rất lâu rồi. Mỗi ngày gia đình làm khoảng 1.200 chiếc, trừ chi phí ra mỗi ngày cho thu nhập khoảng được 600 ngàn đồng. Trung bình mỗi gia đình làm nghề một ngày xay 10 kg gạo, 1 kg gạo tráng được trên dưới 30 chiếc bánh đa (Cách làm truyền thống), mỗi chiếc bánh có bán kính từ 15 -20 cm, hình tròn với giá vỏn vẹn 2.000 đồng/ chiếc. Sau khi trừ chi phí, gạo, củi, gia vị… mỗi kg gạo người làm nghề còn lãi ròng 10.000 đồng. Có những gia đình mỗi ngày làm 100 kg gạo, thu lãi gần 1 triệu đồng/ngày.
Bánh đa Đô Lương nổi tiếng nhờ chất lượng và giá thành. Nghề làm bánh đa truyền thống của người dân Đô Lương không mai một như các nghề khác mà ngày càng phát triển, luôn giữ được “lửa” của cha ông hơn 3 thế kỷ qua.