Làng cá khô Gành Hào vào vụ Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Làng nghề cá khô ở vùng biển Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) đang tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Nghề làm cá khô tại thị trấn Gành Hào phải bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, đồng thời còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Nghề làm cá khô tại thị trấn Gành Hào phải bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, đồng thời còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày qua, tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) không khí hoạt động chế biến các sản phẩm khô phục vụ thị trường Tết đang rất sôi động, tấp nập. Gành Hào được xem là vựa khô lớn của tỉnh Bạc Liêu. Ngoài các loại khô cá, người dân nơi đây còn làm các loại tôm khô, mực khô,… phục vụ thị trường nội tỉnh và khắp các tỉnh, thành như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…

Nức tiếng gần xa

Từ nhiều năm nay, nghề làm khô là kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói chung, huyện Đông Hải nói riêng. Những năm qua, nghề khô giúp người dân địa phương thu nhập khá ổn định với mức thu nhập gần chục triệu đồng/tháng đối với người làm công, hàng chục triệu đồng đối với các chủ cơ sở.

Cho đến nay, các công đoạn làm khô vẫn hoàn toàn thủ công. Cá khô được làm ra tại đây đều là những mặt hàng khô tươi ngon, chất lượng, được người tiêu dùng tin dùng. Có lẽ chính bởi cái nắng, cái gió của miền cửa biển và bàn tay sơ chế của người thợ lành nghề đã giúp cho thương hiệu khô biển Gành Hào nói riêng nổi tiếng gần xa.

Theo người dân ở thị trấn Gành Hào, nghề làm khô ở đây thường khởi động trước Tết khoảng 2 tháng để kịp cung ứng khô cho thị trường cuối năm. Thị trường khô vào dịp Tết cũng rất phong phú, đa dạng. Bên cạnh các mặt hàng khô muối mặn như: Tôm khô, khô cá khoai, khô mực, khô cá lù đù, nhiều vựa còn chế biến thêm nhiều mặt hàng khô ướp gia vị khác như: Cá chỉ đường, cá da bò, cá đuối,...

Người làm khô Gành Hào cho biết, thời tiết năm nay diễn biến khá phức tạp nhưng theo kinh nghiệm nhiều năm, những ngày bắt đầu vào vụ khô Tết thường có nắng tốt nên công việc làm khô của ngư dân ở làng khô khá thuận lợi.

Ông Đặng Kiểm (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Làm ra các thành phẩm cá khô phải là cá tươi được rửa sạch, muối nước đá, sau đó để ráo, ướp gia vị rồi mới đem đi phơi 2 nắng để bảo đảm chất lượng, giữ gìn thương hiệu sản phẩm. Nhiều loại khô như khô cá lưỡi trâu phải được phơi bằng nắng và gió biển mang hương vị rất thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng quan tâm, ưa chuộng.

Cũng theo ông Kiểm, giá cá khô năm nay dao động khoảng từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng/kg tùy loại. Thời điểm cận Tết có thể nhích lên chút đỉnh, nhưng các vựa khô vẫn bảo đảm giá hợp lý cho khách mua.

Hiện, giá cá khô tại thị trấn Gành Hào như: Khô cá lưỡi trâu từ 10 đến 12 con giá 200 nghìn; khô nhám thỏi giá 300 nghìn; khô khoai lớn 450 nghìn; khô cá đù khoảng từ 10 đến 12 con giá 180 nghìn; khô cá kèo từ 110 đến 115 con giá 480 nghìn; khô cá chỉ vàng 160 nghìn; khô sặc bổi từ 7 đến 8 con giá 270 nghìn; khô cá đuối ó giá 380 nghìn; khô mực từ 12 đến 15 con giá 1.050.000 đồng, 18 đến 20 con giá 1 triệu, 25 con giá 900 nghìn, 35 đến 40 con giá 820 nghìn,...

Giá tăng do sản lượng đánh bắt giảm

Theo ông Đặng Mẫn Tiệp - Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Bạc Liêu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu): “Trong năm 2023, tổng sản lượng hàng thủy sản qua cảng cá Gành Hào giảm so với cùng kỳ năm 2022. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến bà con ngư dân, trong đó bao gồm cả những người kinh doanh cá khô. Do sản lượng sụt giảm, dẫn đến nguồn nguyên liệu để làm khô cũng thiếu hụt, nhiều vựa khô không có cá khô để bán ra thị trường. Đặc biệt là dịp Tết sắp tới, cá khô không có nhiều để bán cho người dân và sỉ cho các tỉnh vùng trên… dẫn đến giá bán ra thị trường cũng tăng theo”.

Ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải cho biết: “Từ đầu năm đến nay, do giá nhiên liệu không ổn định, có lúc tăng cao kéo theo chi phí cho chuyến biển tăng, ngư dân khai thác kém hiệu quả nên lượng tàu thuyền ra khơi giảm đã ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản. Mặc dù vậy, các chủ vựa khô đã chủ động chuẩn bị dự trữ, chế biến sản lượng khô để bảo đảm cung cấp tốt nhất cho thị trường trong và ngoài tỉnh trong dịp Tết này”.

Nghề làm cá khô tại thị trấn Gành Hào (Đông Hải) không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương ven biển trên địa bàn huyện. Đặc biệt, sản phẩm làm ra được tiêu thụ nhanh chóng, ít bị tồn đọng, còn làm gia tăng giá trị kinh tế cho con cá biển tại địa phương, nhất là khô phục vụ Tết. Theo quy trình sản xuất và bảo quản, sản phẩm ngày càng đạt chất lượng về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Trần Kim Hoa (ngụ phường 6, tỉnh Long An) chia sẻ: “Nhân chuyến đi du lịch ở Bạc Liêu, tôi xuống nhà bạn ở Gành Hào chơi và được cho ăn khô cá lù đù chiên giấm đường có mùi hương thơm hấp dẫn của tỏi phi. Đặc biệt, ăn cơm quyện với thịt cá mằn mặn và hòa cùng với lớp được sốt giấm đường chua ngọt phủ lên trên cá rất là ngon”.

Thế mạnh và mặt hàng chủ lực

Ông Nguyễn Trọng Hán - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: “Cá khô là thế mạnh và là mặt hàng chủ lực của huyện Đông Hải trong thời gian qua. Người dân tại đây làm cá khô gắn với đánh bắt thủy, hải sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 30 cơ sở sản xuất, chế biến khô (chủ yếu tập trung ở thị trấn Gành Hào), mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 700 tấn khô các loại, trong đó có đến 10 sản phẩm khô của các chủ thể trong huyện được đánh giá, phân hạng OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao như: tôm khô, chả tôm, chả cá, chà bông, khô mực, khô mực một nắng, khô cá thu một nắng,… Đồng thời, UBND huyện luôn khuyến cáo người dân trong quá trình làm khô phải bảo đảm chất lượng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, ý thức bảo vệ sản phẩm của mình. Từ đó, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm của địa phương”.

Năm nay, do giá nhiên liệu không ổn định, có lúc tăng cao kéo theo chi phí cho chuyến biển tăng, ngư dân khai thác kém hiệu quả nên lượng tàu thuyền ra khơi giảm đã ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản.

Năm nay, do giá nhiên liệu không ổn định, có lúc tăng cao kéo theo chi phí cho chuyến biển tăng, ngư dân khai thác kém hiệu quả nên lượng tàu thuyền ra khơi giảm đã ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản.

Mới đây, năm 2023, Hội đồng OCOP huyện Đông Hải cũng đã tổ chức họp phân hạng, đánh giá 15 sản phẩm gồm: bánh cá vị Thái, chả cá chiên, chả cá sợi, chả cá thì là chiên, chả cá thì là viên, chả cá viên, chả cá viên vị hành, chả cá viên vị hành ớt, chả tôm viên, tàu hũ cá, đậu hũ surimi phô mai, viên surimi nhân phô mai, viên surimi nhân rau củ, viên surimi nhân trứng cá, viên surimi nhân trứng muối.

Sau khi phân hạng, đánh giá, các thành viên Hội đồng OCOP huyện Đông Hải đều thống nhất công nhận 15 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Đây là lần đầu tiên Hội đồng OCOP huyện họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định mới.

“Hiện, huyện Đông Hải có 11 chủ thể/38 sản phẩm được Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt 3 sao cấp tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết thêm.

Theo nhiều người dân, nghề khô gắn liền với sự hình thành của các cảng cá từ rất xưa và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay. Thuở ban đầu, người xưa làm khô vì lượng cá tươi đánh bắt quá nhiều, ăn không hết nên chế biến, dự trữ để ăn dần trong những lúc trời mưa to, bão lớn.

Rồi theo thời gian, cùng với xu hướng kinh tế thị trường, món cá khô ở các làng biển đã có mặt ở những sạp khô, mắm trong và ngoài tỉnh, trở thành món quà thơm ngon, đậm đà tình đất, tình người, làm nên thương hiệu của địa phương.

Cùng các loại hình sơ chế, chế biến hải sản khác như lột ghẹ, lột tôm, ruốc khô… thì nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hơn hàng trăm lao động tại địa phương.