Ngày 3/4, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) có báo cáo chính thức hướng đề xuất đối với Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (quận Liên Chiểu) do Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Ở thông tin này, Đà Nẵng đã chọn dung hòa giữ doanh nghiệp và đáp ứng một số kiến nghị cho lợi ích kinh tế người dân. Điều này cũng đồng nghĩa, ngôi làng duy nhất còn lại của Đà Nẵng cũng sẽ không còn nằm cạnh chân sóng…
Dân phản ứng, Bí thư yêu cầu xem xét lại dự án!
Liên tiếp 2 ngày 20, 21/3, hàng chục người dân làng Nam Ô, (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tụ tập tại dự án Lancaster Nam Ô do Công ty Trung Thủy làm chủ đầu tư để phản ứng việc bịt lối xuống biển của dân.
Ngày 20/3, Tập đoàn Trung Thủy tiến hành xây rào chắn kiên cố quanh dự án Lancaster Nam Ô Resort&Spa, bít hẳn lối đi xuống ghềnh biển Nam Ô để chuẩn bị thi công. Điều này khiến người dân địa phương bức xúc. Liên tiếp trong nhiều ngày, người dân đã kéo đến phản ứng, đề nghị không được bít lối đi này.
Trước phản ánh của người dân, UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo “xin” chủ đầu tư mở con đường trong dự án. Ngoài ra, quận cũng yêu cầu chủ dự án sớm xây dựng phương án khai thác, trình UBND TP phê duyệt để trao đổi lại với người dân.
Đứng trước dư luận, đặc biệt việc TP lại phải đi “xin” lại lối xuống biển từ doanh nghiệp, ngày 22/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đi kiểm tra, yêu cầu dỡ rào chắn vì “lối đi của cộng đồng, không thể giao hết cho doanh nghiệp được.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng giao Sở Xây dựng rà soát lại dự án Tập đoàn Trung Thủy; giao Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường xác định lại ranh giới giao đất cho Tập đoàn Trung Thủy theo đúng chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy và quy định của Luật Biển.
Theo Bí thư, bờ biển bây giờ phải thuộc không gian công cộng chứ không phải của một dự án nào hết. Đặc biệt, dự án Lancaster Nam Ô quy hoạch đã cho thấy sự không ổn, không còn lối xuống biển và làm đường ven biển của Đà Nẵng.
Lộ diện việc chuyển nhượng dự án Nam Ô?
Dự án du lịch sinh thái Nam Ô được phê duyệt quy hoạch năm 2008 trên diện tích hơn 43,2ha. Ngày 11/3/2010, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc đó, ông Trần Văn Minh đã ký văn bản đồng ý chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Cty CP Thương mại du lịch đầu tư Cù Lao Chàm (Cty Cù Lao Chàm, trụ sở phường Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam) sang Cty Trung Thủy (do bà Dương Thanh Thủy làm Chủ tịch HĐQT).
Ngày 17/9/2010, ông Minh ký Quyết định 7101/QĐ-UBND, quy định giá đất để thu tiền đất dự án đối với Cty Trung Thủy. Ngày 29/9/2010, Cty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng (bên A) và Cty Trung Thủy (bên B) ký hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất trị giá 70 tỷ đồng: Bên A giao quyền sử dụng đất 100.000m2 (10ha) đối với giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (700 nghìn đồng/m2) cho bên B. UBND TP Đà Nẵng chịu chi phí đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư.
Ngày 21/10/2010, Sở KH&ĐT Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) với vốn điều lệ 6 tỷ đồng.
Ngày 15/11/2010, ông Trần Văn Minh ký văn bản đồng ý chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Cty Trung Thủy sang Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng. Ngày 24/11/2010, Cty Trung Thủy Đà Nẵng nộp 63 tỷ đồng do được miễn giảm 10% tiền sử dụng đất.
Từ tờ trình của Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng và đề nghị của Sở Xây dựng, ngày 22/3/2014, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn tiếp theo) ký Quyết định số 1756/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh chi tiết dự án, điều chỉnh quy mô, chức năng hạng mục các công trình cho phù hợp với khu du lịch sinh thái. Trong khi đó, các hạng mục cộng đồng, di tích, tâm linh bị giảm nhiều hoặc bị xóa bỏ. Nếu theo quy hoạch, sẽ tiến hành cày xới, thu gom các điểm di tích lịch sử, văn hóa rất liêng thiêng rồi cho vào khu đất hơn 500m2 ở gần khu dân cư…
Đáng nói, dự án có gần 8 năm “án binh bất động”, chưa cấp phép xây dựng nhưng trên mạng vẫn được chủ đầu tư rao bán đất nền, biệt thự, căn hộ kiểu mẫu, chính quyền và các cơ quan chức năng không hề có động thái nào để xử lý như nhắc nhở, điều chỉnh dự án, thu hồi đất…
|
Dự án du lịch Nam Ô |
Đà Nẵng sẽ “xóa sổ” làng chài còn lại duy nhất?
Ngày 30/3, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký văn bản kết luận chính thức, yêu cầu Sở Xây dựng thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải và UBND quận Liên Chiểu tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (được phê duyệt theo Quyết định số 1756 ngày 22/3/2014) theo hướng, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 20 ngày 27/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển. Trong đó, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử tại khu vực; đề xuất các phương án bảo tồn làng nghề, các yếu tố văn hóa và lịch sử của khu vực này cũng như xác định vị trí khu vực bãi tắm công cộng.
Ngày 3/4, UBND quận Liên Chiểu đã hoàn tất các báo cáo, trình đề xuất lên thành phố xem xét. Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cho biết, qua cuộc làm việc trước đó giữa các sở, ban ngành liên quan của TP với chủ đầu tư dự án, một số hạng mục sẽ được thu hồi theo ý kiến chỉ đạo nêu trên.
Cụ thể, về ranh giới dự án tiếp giáp với mặt nước biển, đề nghị UBND TP quy hoạch điều chỉnh theo Luật TN&MT, biển đảo và chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy. Về dải đất dọc đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) khoảng 6.300m2, quận đề nghị UBND thu hồi và cho chủ trương sử dụng vào mục đích quy hoạch mở rộng nút giao thông, xây dựng cơ sở trưng bày làng nghề nước mắm Nam Ô và các sản phẩm của ngư dân. Tuyến đường bê tông giữa dự án và khu dân cư chỉnh trang mở rộng thành đường 5,5m có vỉa hè và hệ thống thoát nước để tạo không gian cách ly; xây hàng rào mềm, tránh cảm giác chia cắt không gian cảnh quan chung trong khu vực và sẽ có 2 lối xuống biển dành cho dân.
Riêng phần diện tích trên mỏm Hạc - ghềnh đá Nam Ô, quận Liên Chiểu đề nghị UBND TP phê duyệt với mục đích tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái vì khu rừng được người dân Nam Ô tự giác bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay. Đặc biệt, đối với các di tích, quận Liên Chiểu đề xuất giữ lại không di dời để tiến hành trùng tu, tôn tạo, đảm bảo nguyên vẹn, phục vụ tín ngưỡng, nhu cầu văn hóa của người dân địa phương, phát triển hệ thống du lịch tâm linh kết hợp du lịch cộng đồng, sinh thái.
Ông Hưng cho rằng, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô sau điều chỉnh, Cty Trung Thủy Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện triển khai trên phần đất đã được đề xuất quy hoạch lại. Đồng nghĩa, ngôi làng sát biển, cạnh chân sóng với 606 hộ dân thuộc 55 tổ dân phố vĩnh viễn không còn.
Ông Hưng cho rằng, cần phải có hướng nhìn để làm sao sự hài hòa các bên. Sau 8 năm triển khai, đến nay Cty Trung Thủy Đà Nẵng cơ bản đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và trong giai đoạn thiết kế thi công, tiếp tục hoàn tất các thủ tục liên quan.
Ông Hưng thừa nhận với Báo PLVN, những ký kết, chuyển nhượng trước đây giữa chính quyền và chủ đầu tư gây bức xúc dư luận là “thuộc về vấn đề lịch sử”. Nay, khi có phản ứng của dư luận, đồng thời một số phần của dự án không phù hợp với Luật Tài nguyên, môi trường và biển đảo, Đà Nẵng yêu cầu thay đổi lại. Theo ông Hưng, về phía Cty Trung Thủy Đà Nẵng, đơn vị này cũng lên tiếng cho rằng, quá trình tham gia dự án hoàn toàn theo lời mời đầu tư của chính quyền TP Đà Nẵng. Việc chậm triển khai dự án là do đến tháng 5/2017 mới được bàn giao mặt bằng.