Thay vào đó, đến làng Cót có thể dễ dàng bắt gặp các biển hiệu trưng ra một cái nghề nghe rất... Tây, đó là nghề giặt là.
Ngoài chuyện giặt thuê kiểu truyền thống, không ít chủ hiệu đã nhanh nhạy lên “phây – búc” mở website để quảng cáo, cửa hiệu cũng có thêm cái dịch vụ “cho thuê máy giặt giá rẻ”.
Làng Cót chuyển mình
Nằm ven bờ sông Tô Lịch, khi xưa người làng Cót chỉ đơn thuần làm cái nghề họ gọi là “tay trái” – chuyên sản xuất vàng mã. Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để danh tiếng làng vang khắp gần xa. Nghe kể, thuở nghề này thịnh nhất là trước năm 1945, đa phần cư dân nơi đây nương theo nghiệp này mà sinh tồn.
Ấy là thuở phát đạt, nay cái nghề sản xuất đồ cho “người âm” đã tỏ rõ không hợp thời cuộc. Người làng cũng chẳng vì sự tiếc nuối hoài niệm một thuở mà cố níu giữ.
Một người dân thật thà kể: “Nhiều gia đình khác trong làng đang tìm cách bỏ dần vàng mã, nhà nào đất còn rộng rãi thì chuyển sang xây nhà cho sinh viên thuê, mỗi tháng cũng kiếm được 5-7 triệu đồng.
So với nghề cũ lấy công làm lãi lại thường xuyên mất giá, ế ẩm trên thị trường thì thấy đây là tất yếu thôi. Dĩ nhiên mình biết ơn cái nghề cha ông nhưng không nên vì thế mà quá cứng nhắc, không tiếp thu, mạnh dạn chuyển sang các nghề mới...”.
Một góc tiệm cho thuê máy giặt giá rẻ |
Quả thực, nhịp sống sôi động của Hà thành như một luồng gió mới giúp “thay da, đổi thịt” từng ngày cái mảnh đất phía tây phố thị này. Rất nhanh, người làng Cót đã biết nắm giữ cơ hội để vực nền kinh tế. Họ xoay xở đủ mọi thứ nghề từ chuyện xây nhà cho thuê trọ, mở quán bia, kinh doanh lẻ các nhu yếu phẩm...
Đặc biệt hơn, một dịch vụ khác nghe qua rất “Tây”, hiện rất được ưa chuộng tại các nước Mỹ, Úc, Canada, đó là giặt quần áo thuê, cho thuê máy giặt và để khách tự giặt đồ... đã và đang được không ít chủ hiệu ở làng Cót phát triển.
Hốt bạc nhờ giặt giũ
Theo một chủ hiệu giặt, nếu đếm số lượng ở làng Cót thì có không dưới 10 cửa tiệm. Trong khi đó ở riêng khu vực Cầu Giấy, số lượng cửa hàng kinh doanh dịch vụ này khoảng 20. Thế mới biết, đây vẫn còn là nghề nghiệp khá mới mẻ, nhưng ở làng Cót nó đã chiếm tới 50% số lượng người làm nghề.
Theo đó, đồ (quần, áo, chăn màn – PV) của khách sau khi mang đến sẽ được đặt lên bàn cân để tính giá tiền theo trọng lượng. Mức giá trung bình khoảng 5.000-6.000 đồng/kg giặt ướt và 10.000-12.000 đồng/kg sấy khô. Do giá cả bình dân lại tiện lợi nên dịch vụ này hiện khá “hút” khách.
Số lãi thu về của các cửa tiệm mỗi tháng cũng thuộc dạng “khủng”, trung bình khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, theo anh Thanh, chủ một cửa tiệm giặt trên phố Hoa Bằng, gần đây khách hàng chuộng phương thức cho thuê máy giặt để họ tự giặt đồ hơn là thuê giặt như thông thường. Điều này không hẳn thiếu căn cứ bởi theo tìm hiểu của người viết, ở TP.Hồ Chí Minh đã có không ít trường hợp “ăn nên làm ra” nhờ nương theo phương thức này.
Ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Giám đốc Chiến lược Metro Việt Nam cũng từng từ bỏ vị trí công việc để bỏ ra kinh doanh, chuyển nghề cho thuê máy giặt.
Theo đó, đặc trưng riêng của phương thức này so với việc thuê giặt ủi thông thường đó là mỗi khách hàng sẽ được giặt ở máy tùy chọn chứ không chung đụng với đồ của người khác. Trong khoảng thời gian ngồi chờ giặt, khách có thể ngồi xem tivi, lướt website với wifi miễn phí.
Dĩ nhiên, giá cả đi kèm dịch vụ cũng luôn ở ngưỡng khá “mềm”, quần áo dưới 7kg có giá 25.000 đồng/lần giặt, cộng thêm 6.000 đồng bột giặt và nước xả vải, tiền sấy tính riêng.
Tuy vậy, theo những chủ tiệm giặt ở làng Cót, phương thức này chỉ thích hợp với người độc thân, sinh viên hay những người khó tính… Ở các khu vực có địa điểm, không gian rộng rãi thì chuyện áp dụng thuê máy giặt kết hợp với kinh doanh cà phê, đồ uống trong lúc khách chờ đợi mới khả thi.
Riêng nơi mệnh danh “đất chật, người đông” như Hà Nội, nó rất khó nhân rộng.
Bằng chứng là phần lớn các cửa tiệm giặt trong khu vực đều không áp dụng duy nhất phương thức giặt này. Hay nói cách khác, phương thức thuê giặt giũ được áp dụng linh hoạt và “chiều” được tất cả khách.
Chị Nguyễn Thị Hiền (28 tuổi), nhân viên tiệm giặt trên phố Yên Hòa nói: “Nhu cầu giặt quần áo rất đa dạng, thế nên nếu các phương thức áp dụng cứng nhắc sẽ dẫn đến mất khách. Hiện đa phần các cửa hàng kinh doanh loại hình dịch vụ ở khu vực này đều đẩy mạnh quảng cáo. Nghĩa là, chỉ cần nhấc máy lên gọi cho chúng tôi trên các trang website, facebook... sẽ có nhân viên đến tận nhà nhận quần áo và trao trả một cách nhiệt tình.
Đối với những khách có nhu cầu thuê máy giặt, chúng tôi lấy thêm phí 30.000 đồng/máy, 9 kg/lần giặt. Nhưng nói thật, hiện đa phần khách đều ký gửi quần áo và hẹn thời gian lấy”.
Trong dòng chảy hội nhập, làng Cót đang chuyển mình. Những người dân nơi đây biết không sống nương vào tiếng tăm một thứ nghề không hợp thời nữa. Thay vào đó, họ biết nắm bắt xu hướng thị trường, xây dựng nên thương hiệu một làng Cót hiện đại và năng động./.