“Làng đại học” ở xứ Đông

Ngôi làng đó được mệnh là làng nhân tài độc nhất vô nhị ở Việt Nam, làng văn hiến, làng khoa bảng. Khi nhắc đến làng, người ta nhớ đến những tên tuổi như Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, cụ Vũ Đình Hòe từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhà giáo Vũ Đình Liên… và nhiều tiến sĩ khác hiện đang công tác ở nước ngoài và nhiều vùng miền vùng khác của đất nước. 
Ngôi làng đó được mệnh là làng nhân tài độc nhất vô nhị ở Việt Nam, làng văn hiến, làng khoa bảng. Khi nhắc đến làng, người ta nhớ đến những tên tuổi như Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, cụ Vũ Đình Hòe từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhà giáo Vũ Đình Liên… và nhiều tiến sĩ khác hiện công tác ở nước ngoài và nhiều vùng miền vùng khác của đất nước.
Để có được thành quả đó là do truyền thống đam mê, hiếu học của mỗi người dân từ đời này qua đời khác. Truyền thống đó như đã ăn vào máu thịt.
Đó là làng Mộ Trạch, ngôi làng bình dị thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương.
Nêu cao tinh thần học tập
Trẻ em của "làng đại học" sau giờ tan lớp
Ông Vũ Huy Ái, chi hội phó Hội Khuyến học Mộ Trạch, kiêm Ban quản lý khu di tích của làng và tiếp các phái đoàn đến thăm quan. Trong gian nhà khách, tôi được ông tâm sự về chuyện khuyến học khuyến tài của làng.
Phong trào này hiện rộ nở, nổi tiếng cả xã và huyện.
Ông Ái nói: “Chi hội khuyến học làng Mộ Trạch được thành lập từ năm 2005. Chi hội Khuyến học, phân chi hội các dòng họ trong làng đã tích cực vận động tuyên truyền khuyến học và xây dựng quỹ khuyến học đi vào hoạt động có nề nếp, có nội dung và hình thức phong phú. Thi đua học tập những điển hình tiên tiến nhằm động viên biểu dương khen thưởng kịp thời các em học sinh khi năm học kết thúc.
Tuỳ theo tình hình thực tế quỹ vốn của chi hội của từng phân chi hội các dòng họ tổ chức trao thưởng cho học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, các học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng…Tổng số tiền vận động xây dựng quỹ khuyến học làng Mộ Trạch tính đến nay được trên 30 triệu đồng. Làng Mộ Trạch có nhiều dòng họ như họ Vũ, họ Lê, họ Nhữ, họ Tạ, họ Lương, họ Cao, họ Trương, họ Nguyễn…
Tính từ năm 1960 đến nay đã có trên ba trăm người đỗ Đại học, Cao đẳng”. Ông Ái cho biết thêm, Mộ Trạch có 2850 nhân khẩu. Tìm hiểu ra, thì bình quân khoảng mười người có một người đỗ Đại học, Cao đẳng. Riêng gia đình ông Vũ Huy San, từ ông bà, đến các con cháu đều tốt nghiệp nhiều trường Đại học.
Gia đình ông Vũ Thiên Trung, Nhữ Đình Điện, Vũ Nhật Vận, Vũ Xuân Thuận, Vũ Đăng Là, Vũ Phương Mạo, Vũ Hoàng Giáp, Vũ Đăng Báu, Vũ Đăng Bảng, Nguyễn Cao Đài có nhiều người con đỗ đại học. Ông Vũ Hồng Quang thương binh hạng 1/4 có 4 con đỗ Đại học, 1 con đỗ Cao đẳng trong đó chị Vũ Thị Đào vừa bảo vệ Luận án Tiến sĩ loại ưu tại Pari (Pháp).
Hầu hết các chi họ trong làng đều có quỹ khuyến học riêng, trao giải thưởng cho các con em đỗ đạt từ cấp tiểu học đến tiến sĩ. Tiêu biếu nhất là dòng họ Vũ (Võ). Dòng họ lớn này đã kêu gọi sự hợp tác của tất cả mọi người trong dòng đang sinh sống ở nhiều vùng miền tại Việt Nam, thành lập Ban khuyến học - khuyến tài.
Mỗi năm chia thành ba quý, mỗi quý ra một Tập san nội dung đăng tải thông tin của dòng họ, hoạt động của hội đồng các tỉnh thành trên toàn quốc và kiều bào ở nước ngoài nhằm biểu dương khen thưởng kịp thời các các nhân tập thể các địa phương tiêu biểu có thành tích, làm rạng danh vẻ vang dòng họ.
Tổ chức phát phần thưởng trao bằng Vũ tộc tinh hoa cho những em có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc. Dòng họ cũng làm trang báo mạng điện tử để quảng bá cho nhiều người biết đến, truy cập, đọc và tham khảo.
Nghề học cho muôn đời
Mộ Trạch là một ngôi làng thuần nông nghèo, không có nghề phụ. Quanh năm người dân chỉ biết đi cấy cày, làm thuê. Vì thế,  người đi trước động viên người đi sau hãy cố gắng học tập để thoát ra khỏi đói nghèo, làm rạng rỡ dòng họ và tổ tiên. Và họ đã làm được điều đó. Tôi đặc biệt chú ý đến gia đình ông Vũ Đăng Giáp - một gia đình nghèo đến nỗi phải đến xin ở nhờ nhà thờ họ.
Vợ mất ông Giáp mất sớm, mình ông gà trống nuôi bốn con trai theo học. Mấy bố con tần tảo nuôi nhau, cuộc sống cơ cực trăm đường. Thế nhưng tất cả mọi khó khăn đã qua đi, các con ông đều tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Vợ chồng ông Vũ Xuân Phổ cũng là một tấm gương hy sinh cho con ăn học. Qua hết khó khăn này đến khó khăn khác. Kết quả ông có được là một người con là tiến sĩ, ba người khác đều đã tốt nghiệp đại học. 
Quan sát ở làng, cánh đồng tôi nhận ra những người mẹ, người bà lam lũ. Họ vẫn kéo xe phân ra đồng bón lúa, chăn nuôi để tích cóp, sống và lo cho con cái. Những khuôn mặt gầy gò nhưng đầy tự hào, những ống quần xắn cao, những gót chân lấm lem…
Hình ảnh đó có thể tìm thấy ở bất cứ làng quê nào. Hỏi về chuyện xây dựng nhà cửa, một cụ bà nói: “Người ta không chú ý xây nhà cao cửa rộng đâu. Chỉ cốt cho con cái học hành, thì còn đâu tiền mà xây nhà nữa”. Chưa ai làm phép thống kê hiện Mộ Trạch có bao nhiêu người làm nghề dạy học. Nhưng ai cũng khẳng định, không ngôi làng nào vượt qua được Mộ Trạch vì họ có truyền thống làm nghề.
Vào ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm là ngày lễ hội Tôn vinh khoa Bảng của làng. Các phần thưởng cho những học sinh, sinh viên xuất sắc được trao trong ngày lễ trọng đại này. Ông Vũ Huy Căn, Phó Ban tổ chức Lễ hội Mộ Trạch cho biết: “Thế hệ trẻ hôm nay của làng Mộ Trạch vẫn giữ được lời tổ tiên dạy, là đức tính hiếu học.
Ngày Hội làng này, gia đình nào có con em đạt thành tích học tập xuất sắc được chọn rước văn bia các vị tiến sĩ từ Cổ Miếu về Đình của làng. Chúng tôi tổ chức rất quy mô. Cứ đều đặn vào ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội tôn vinh khoa bảng của làng lại được tổ chức, từ hơn một thế kỷ qua”.
Ông Căn còn cho biết thêm nhiều năm qua làng không xảy ra tệ nạn như trộm cướp, ma tuý, đánh nhau… Việc học tập dường như đã đẩy lùi các tệ nạn này. Trẻ em, thanh niên không ai nghiện net, không còn thời gian để làm chuyện xấu. Nên tệ nạn không xảy ra.
Nhiều tệ nạn xã hội có ở những ngôi làng khác, nhưng không có ở làng ông. Người Mộ Trạch xác định học còn như một thứ “nghề” truyền thống, phong trào sẽ ngày càng phát triển để đời con đời cháu không nghèo, vì được học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định. 
Hải Miên

Đọc thêm