Làng miến Côn Minh nhộn nhịp vào mùa để 'hút' khách dịp Tết Nguyên đán

(PLVN) - Từ tháng 8 này, như thường niên, làng miến dong xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, lại nhộn nhịp sản xuất lượng lớn sản phẩm, chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
HTX Tài Hoan đã được chứng nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia và xuất bán sang thị trường châu Âu từ năm 2020 (Ảnh: Lê Hanh)
HTX Tài Hoan đã được chứng nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia và xuất bán sang thị trường châu Âu từ năm 2020 (Ảnh: Lê Hanh)

“Thủ phủ” của dong riềng

Dong riềng là cây lương thực được người dân ở xã Côn Minh, Na Rì, trồng rất nhiều quanh thôn làng. Củ dong có thành phần dinh dưỡng cao, mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Trước đây, dong chỉ trồng trên núi, nay bà con trồng ở ruộng, năng suất lên tới gần 80 tấn/ha. Cây dong được trồng từ khoảng tháng 3 đến tháng tháng 11.

Được mệnh danh là “thủ phủ” của dong riềng, những năm qua, xã Côn Minh đã đẩy mạnh mô hình chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, áp dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất.

Bột dong riềng sau khi trải qua những công đoạn sơ chế, ngâm ủ sẽ được tráng thành bánh. Có hai cách tráng miến, tráng thủ công bằng tay và tráng máy. Nếu tráng tay, người sản xuất sẽ trộn lẫn 90% bột dong sống với 10% bột đun chín, thêm nước tạo thành hỗn hợp sánh, tráng trên mặt chảo đường kính 1m theo kiểu tráng bánh cuốn, độ mỏng từ 1-1,2mm. Khi bánh chín, dùng ống nứa cuốn bánh, trải căng trên phên nứa dài rồi đem phơi nắng sơ qua. Sau đó, tiến hành thái miến và phơi nắng đến khi đủ độ khô, giòn. Tráng bằng máy cũng tương tự, nhưng công đoạn tráng được cơ giới hóa nên năng suất rất cao.

Điểm đặc biệt của miến dong Côn Minh là được sản xuất 100% từ củ dong riềng, không sử dụng các chất phụ gia, phụ phẩm, do đó thành phẩm cuối cùng là sản phẩm miến có màu vàng hoặc màu đục rất nguyên chất. Khi nấu lên có mùi thơm ngọt đặc trưng của củ dong riềng, sợi miến dai, để lâu không bị nát, vữa như nhiều loại miến khác.

Những tháng cuối năm, công việc sản xuất miến bắt đầu trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người dân khắp xã thường phơi miến ở hiên nhà, ngoài sân, trải sào phơi miến dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Trong nhà, những lò tráng miến khói hơi nghi ngút trắng, rộn rã tiếng nói cười.

HTX Tài Hoan vinh dự được Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp - ông Lê Minh Hoan cùng các lãnh Đạo, các ban ngành tới thăm xưởng (Ảnh Lê Hanh)

HTX Tài Hoan vinh dự được Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp - ông Lê Minh Hoan cùng các lãnh Đạo, các ban ngành tới thăm xưởng (Ảnh Lê Hanh)

Xúc tiến xây dựng làng nghề miến dong Côn Minh

Hiện xã Côn Minh có gần 20 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong, tạo việc làm cho hàng trăm nhân công ở địa phương. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã đã thành lập ra HTX miến dong Côn Minh để cùng nhau tìm tòi học hỏi, đầu tư công nghệ làm miến hiện đại thay cho phương pháp thủ công. Đặc biệt, trong xã có sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã được chứng nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia và xuất bán sang thị trường châu Âu từ năm 2020.

Năm 2013, Miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được công nhận là một trong 100 “Sản phẩm - dịch vụ uy tín chất lượng năm 2013”, do người tiêu dùng bình chọn. Xã Côn Minh là một trong những đơn vị được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của mình. Sản phẩm miến dong Côn Minh hiện được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu và một số nước châu Á như: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc...

Với việc đưa dây chuyền sản xuất miến khép kín vào vận hành, năng suất miến hàng năm của xã đã được tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi vụ, toàn xã sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các hộ sản xuất, kinh doanh ở Côn Minh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vững niềm tin về chất lượng thương hiệu miến dong Côn Minh trong lòng người tiêu dùng.

Với những kết quả đạt được, miến dong Côn Minh đã và đang xúc tiến xây dựng để trở thành làng nghề. Đây là niềm tự hào và là động lực để người dân Côn Minh phát triển bền vững cây dong riềng, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Ông Quách Đăng Quý, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Khi được công nhận, làng nghề sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất, kinh doanh cũng như người dân địa phương. Không chỉ là vấn đề thương hiệu được nâng tầm, giúp việc đăng ký quản lý truy gốc nguồn gốc xuất xứ tốt hơn mà còn tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, phát triển nghề một cách bền vững".

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan hướng dẫn cách nhận biết và sử dụng miến dong sạch Côn Minh:

- Cách nhận biết dong Côn Minh:

Màu sắc: Có màu đục

Hình dáng: Những sợi miến nguyên chất 100% sẽ có độ trong, quánh, thơm và sạch. Các sợi miến nhỏ, độ dài đều nhau, suôn thẳng.

Độ dai: Sợi miến rất dai, nấu lên để lâu cũng không bị nát. Nấu lại cũng không nát

Mùi vị: Miến sạch giữ được hương vị đặc trưng từ dong riềng và không bị sạn.

- Cách dùng: Có thể nấu, xào, nộm tùy ý.

Đọc thêm