Làng nghề du lịch chật vật hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội nới lỏng một số dịch vụ cũng là thời điểm các làng nghề du lịch rục rịch mở cửa đón khách trở lại sau nhiều tháng “ngủ đông”. Tuy nhiên, để phục hồi hoạt động sản xuất, du lịch trong ngày một, ngày hai với các làng nghề hiện nay là không dễ.
Làng nghề du lịch đối mặt với nhiều khó khăn khi bắt nhịp lại thị trường.
Làng nghề du lịch đối mặt với nhiều khó khăn khi bắt nhịp lại thị trường.

Bắt nhịp sản xuất

Hiện nay, đa phần các làng nghề trở lại sản xuất trong tình trạng “tổn thương nặng nề”. Dịch COVID-19 tác động khiến thị trường tiêu thụ các sản phẩm làng nghề bị giảm sút nghiêm trọng. Tình hình sản xuất cũng rơi vào tình trạng đóng băng, người lao động chỉ còn cảnh “án binh bất động” chờ hết dịch.

Tại hội thảo “Đại dịch COVID-19 và làng nghề gỗ: Tác động và sự cần thiết về một chính sách bao trùm” diễn ra mới đây, TS Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trend cho biết: “Tác động của dịch COVID-19 tới các hộ sản xuất là rất lớn, năng lực sản xuất của các hộ đã giảm 62%; 38% còn lại là phần mới được phục hồi sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách trong một vài tuần trở lại đây”.

Không chỉ các hộ kinh doanh du lịch làng nghề lao đao, các hợp tác xã (HTX) du lịch cũng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Hiện các thị trường khách lớn như Hà Nội vẫn còn bị hạn chế để phục vụ công tác phòng chống dịch, trong khi thị trường khách từ các tỉnh khác chưa sẵn sàng đi du lịch thời điểm này. Do đó, hoạt động du lịch làng nghề gần như không có doanh thu. Một số HTX đã rơi vào tình trạng giải thể do không đủ nguồn lực để duy trì.

Chẳng hạn, tại Mai Châu (Hoà Bình), trong số 7 làng nghề dệt thổ cẩm của người Thái, Mông, đã có HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ bản Lác Mai Châu giải thể, các HTX còn lại hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, làng nghề Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm nổi tiếng bởi nghề dát vàng, sản xuất đồ da qua 2 tháng giãn cách cũng chững lại. Một số mặt hàng phục du lịch như túi, balo, vali cũng không tiêu thụ được do người dân không đi du lịch.

Tại các làng nghề du lịch, thách thức lớn khác đặt ra là người dân xuống tay nghề vì thời gian nghỉ dịch quá dài. Nhiều lao động vốn chỉ quen với hoạt động làm du lịch trực tiếp, khó có thể thích ứng với cách làm du lịch online nên hầu như những kỹ năng dần bị mai một, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc khi quay trở lại. Chính đội ngũ này cũng sẽ rất ái ngại để quay trở lại nếu không sớm đưa ra những cơ chế hỗ trợ hay các chương trình thúc đẩy du lịch làng nghề trong thời gian tới. Ngành du lịch cũng sẽ mất đi một bộ phận lao động bản địa.

Vì vậy, trong bão dịch, việc nghề thất truyền vốn đã đáng ngại nay lại càng lo ngại hơn. Sản xuất cầm chừng, làm cốt để “giữ thợ”, chịu áp lực chi phí lớn nhưng với nhiều nghệ nhân, việc nởi lỏng một số hoạt động cũng khiến họ phấn khởi hơn.

Ráo riết xử lý tình trạng ô nhiễm

Đau đầu với câu chuyện khởi động trở lại hoạt động du lịch, các làng nghề còn phải đối mặt với một vấn đề lớn khác là ô nhiễm môi trường. Khi các cơ sở trở lại làm việc, đồng nghĩa với việc tình trạng ô nhiễm cũng trở lại. Tuy nhiên, tại nhiều làng nghề du lịch hiện chưa có phương án, giải pháp cụ thể nào để khắc phục vấn đề ô nhiễm. Môi trường cảnh quan hay chất lượng không khí ảnh hưởng lớn đến việc quảng bá, hút khách du lịch trở lại.

Các làng nghề phát triển bền vững, vừa sản xuất vừa làm du lịch một phần đã hạn chế tác động lên môi trường. Tuy nhiên, sau dịch, khách du lịch không có nên việc sản xuất sẽ tăng cường hơn trước để bù đắp các khoản chi phí, nguy cơ ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, việc cân đối giữa hoạt động sản xuất, phát triển du lịch với vấn đề môi trường cần được đảm bảo.

Trước những vấn đề trên, một loạt giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho làng nghề được đưa ra: xem xét nới lỏng các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, chủ động thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh... để thích nghi với điều kiện thực tại, tìm kiếm cơ hội mới. Đối với hoạt động du lịch, thời gian này, các chuyên gia đề xuất mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cho đội ngũ nhân lực du lịch để không bị quên nghề, đồng thời để giữ chân được lực lượng này làm du lịch khi tình hình diễn tiến tốt.

Tại một số địa phương kiểm soát được tình hình dịch bệnh đã bắt đầu triển khai chương trình kích cầu du lịch, tour du lịch làng nghề. Đơn cử như tại Cà Mau, tuyến tham quan khu làng nghề khai thác, chế biến thuỷ sản và hậu cần nghề cá như: nghề lưới hàng cạn, hàng khơi; trải nghiệm nghề nuôi, khai thác nghêu trên bãi cát Khai Long và đặc biệt là trải nghiệm cồn cát tại ấp Mũi dài hơn 1 km được đưa ra như một biện pháp để kích thích hoạt động du lịch làng nghề hậu dịch COVID-19.

Đọc thêm