Lắng nghe thanh âm cuộc sống

(PLVN) - Có bao giờ bạn tự nhủ rằng, nếu như chẳng may một ngày nào đó ánh sáng ngừng đến với đôi mắt của bạn, nhường chỗ cho đêm đen thì bạn sẽ sống như thế nào?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có một lẽ thường rằng khi người ta còn nhìn cuộc đời qua đôi mắt, đôi khi sức nặng của hình ảnh làm con người lãng quên những sự cảm nhận khác, dù rằng thiên nhiên đã ban cho mỗi cá nhân rất nhiều sự cảm nhận bằng mắt, bằng tai, bằng mũi, bằng tay và bằng lưỡi. Tôi nhìn thấy, tôi nghe thấy, tôi ngửi thấy, tôi sờ thấy và tôi nếm thấy. 

Thế đấy, đôi mắt rất quan trọng, “giàu đôi con mắt khó đôi bàn tay” mà. Nhưng bằng những sự cảm nhận khác thì không có nghĩa là trời đã tước tất cả của bạn khi chẳng may một ngày nào đó ánh sáng rời xa bạn...

Tôi vẫn còn may mắn lắm vì đôi mắt mẹ cha cho vẫn sáng trong như ngày chào đời. Vậy thì dài dòng nói những điều trên để làm gì? Đơn giản thôi, vì tôi muốn cảm nhận cuộc đời từ một góc khác, để hiểu hơn nghĩ suy của những con người vì kém may mà khiếm thị.

Sáng nay, trên con đường đến chỗ làm quen thuộc, này là chị hàng xôi sáng nơi góc phố, dáng hình chị và chiếc xe đạp cà tàng có thể không rõ, nhưng mùi thơm của nếp, của lạc, của đỗ, của vừng... cứ quyện lên vấn vương một góc phố.

Tôi còn thấy trong đó có cả mùi mồ hôi tảo tần của một người vợ, người mẹ có người chồng vì tai nạn mà mất sức lao động, có những đứa con với ước mơ học hành khao khát. Đã từ lâu lắm rồi chị không mua cho mình tấm áo mới để thay manh áo đã bạc màu vì mồ hôi, vì khói từ chõ hong xôi mỗi ngày...

Tiếng ồn ào của con đường vào giờ đông tầm bỗng như nhường chỗ cho hương hoa hồng thơm ngát và kèm theo đó là giọng trẻ con trong trẻo: “Bó hoa này cha tặng mẹ hả cha, cha yêu mẹ đúng không cha, mẹ con con cũng yêu cha lắm!” .

Tiếng ầm ừ trong họng của người đàn ông. Anh không nói nên lời vì anh biết quãng thời gian qua anh đã đánh mất quá nhiều khi lỡ để con tim mình bên lề ngưỡng cửa gia đình. Để rồi khi công danh thất bại, tay trắng quay về, anh mới nhận ra tài sản của đời mình không phải là những thứ phù du mà anh hằng theo đuổi, si mê...

Không gian bỗng như đặc quánh lại vì một thứ mùi khó ngửi và tiếng chửi lầm bầm của vài giọng đàn ông, xen vào đó tiếng nói như xé vải của người đàn bà trung tuổi: “Cái lũ móc cống này, sao cứ nhè cửa hàng nhà bà mà làm thế”?

Thấy như mùi khó ngửi bốc lên từ lỗ cống đen ngòm sâu hút trên đường bỗng như có thêm sự nhọc nhằn, nhẫn nhịn của người công nhân đang mặc bộ quần áo vải bạt dày bì, lui cui nạo vét. Ở đời chẳng ai muốn khổ, ai cũng thích việc nhẹ nhàng, vậy phần khó sẽ cho ai?

Thành phố đang phát triển với bụi rác công trường vô tình và hữu ý trôi ra cống, người dân chỉ biết sạch nhà, còn lại “cha chung không ai khóc”. Trách nhiệm nặng nề theo cả nghĩa đen và  nghĩa bóng, thế mà vẫn bị rẻ khinh...

Bánh xe tiếp tục trôi trong tiếng ồn ào của những giọng nói trẻ: “Có chỗ làm nhớ thông báo cho bạn mừng nhé”; “Hẹn 5 năm nữa chúng mình gặp nhau cũng chỗ này để xem mỗi đứa thế nào”... Xen trong đó có cả giọng trầm của những người đàn ông đã quá nửa cuộc đời quăng quật: “Cười lên anh em, dù gì mình cũng gắn bó với nhau vài năm rồi, sau này rã đám cũng có tấm ảnh kỷ niệm cùng nhau...”.  

Những âm thanh phát ra từ một bậc thềm nơi một nhóm tân cử nhân vừa ra trường và một nhóm người lao động của một doanh nghiệp sắp tan rã chia nhau khung ảnh đẹp cuối cùng trước khi cuộc đời mở ra trước mắt họ vô vàn ngả rẽ...

Âm thanh cuộc đời còn nhiều, nhiều lắm và cũng như hình ảnh không ngừng thay đổi, vận động. Và chúng ta, nếu chỉ nhìn bằng mắt mà dừng nghe, dừng thấu hiểu thì điều đó có được hiểu là chúng ta đã ngừng tồn tại hay không?

Đọc thêm