Biệt thự Pháp xây cho sĩ quan nghỉ dưỡng
Dù là khu du lịch nhưng Mẫu Sơn còn khá hoang sơ, ít công trình xây dựng và điểm vui chơi giải trí. Du khách lên đây để thưởng ngoạn phong cảnh nhưng ít ai để ý đến hệ thống nhà cổ. Theo quan sát, những biệt thự này được xây bằng đá, trải qua thời gian, khí hậu ẩm ướt nhưng vẫn toát lên vẻ vững chãi, kiến trúc độc đáo.
Ông Đặng Tăng Phúc (SN 1942, dân tộc Dao, ngụ thôn Nà Mìu, xã Mẫu Sơn), nhà cách khu biệt thự cổ hơn 2km, một già làng có uy tín nhất nhì địa phương, từng công tác trong Ban Định canh – Định cư tỉnh Lạng Sơn cho biết, ở Mẫu Sơn còn khoảng 10 biệt thự cổ. “Nhìn nó ngày một xuống cấp, người dân chúng tôi đau lòng lắm”, ông tâm sự.
Ông Phúc cho biết, thời trẻ được cha ông kể lại nhiều chuyện về việc người Pháp đến đô hộ. Khi đặt chân đến xứ Lạng, ngoài việc xây dựng đường sá (đặc biệt tuyến đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội) phục vụ việc vơ vét tài nguyên, Pháp chú ý đến việc khai phá địa lý, tìm địa điểm phục vụ an dưỡng, nghỉ mát.
Khoảng đầu những năm 1900, người Pháp tìm ra đỉnh núi Mẫu Sơn, nơi được coi là điểm cao nhất vùng Đông Bắc bộ, khí hậu quanh năm trong lành. Năm 1916 người Pháp bắt đầu mở đường lên núi Mẫu Sơn. Từ dưới chân núi lên đến đỉnh khoảng 16km.
Mở xong đường, người Pháp xây tổng cộng trên 40 biệt thự rải rác trên đỉnh núi, năm 1923 thì đồng bộ hoàn thành. Những biệt thự này chủ yếu được dùng cho sĩ quan hoặc quan chức trong quân đội Pháp đóng tại địa bàn quanh vùng nghỉ mát, an dưỡng.
Theo già làng Phúc, khi đó người Pháp chia Mẫu Sơn thành ba khu nghỉ dưỡng: Khu A ở vị trí cao nhất trên đỉnh núi; khu B thấp hơn (khu Chân Mây bây giờ); khu C ngay dưới khu B, được xây dựng một nhà thờ và bể bơi. Toàn bộ khu vực nghỉ dưỡng có tên là Khu đồn 14. Theo lý giải của người dân, từ chân núi lên đến khu biệt thự là 14km nên người Pháp đặt tên như vậy.
Ông Phúc nhớ lại, hồi ông còn là đứa trẻ, thấy người Pháp nuôi khá nhiều ngựa ở Mẫu Sơn. Nhiều lần ông gặp sĩ quan Pháp cưỡi ngựa thong dong giữa bãi cỏ rộng. Theo trí nhớ của ông Phúc, khi đó những biệt thự ở đây không cao sừng sững nhưng tráng lệ, vững chãi so với những ngôi nhà đất thấp lè tè của người dân tộc Dao ở địa phương. Đến thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, một số ngôi biệt thự bị phá bỏ, còn trơ lại nền móng đến ngày nay.
Biệt thự hoang hóa
Trong khoảng 10 ngôi biệt thự còn giữ được kiến trúc khá hoàn chỉnh, có đến quá nửa đang trong quá trình hoang hóa. Biệt thự 9 gian được đánh giá còn nguyên vẹn nhất hiện được dùng làm nơi làm việc của Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn. Đây là biệt thự được thiết kế một tầng, liền một khối, mang đậm kiến trúc Pháp.
Ngoài biệt thự 9 gian, một số ngôi khác như khu nhà liên hợp, biệt thự Mây cũng khá nguyên vẹn. Những ngôi nhà còn lại đều xuống cấp, thậm chí tan hoang, chỉ còn trơ lại khung tường. Ông Phúc cho biết, trước đây nhiều biệt thự được tư nhân thuê làm dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, do kinh doanh thua lỗ, những người này bỏ hoang, sau đó không được cơ quan chức năng có biện pháp trùng tu, bảo tồn.
Nhiều cao niên ở Mẫu Sơn như ông Phúc đều tỏ ra nuối tiếc khi những biệt thự cổ ngày một xuống cấp trong sự thờ ơ của cơ quan có chức năng. Một số du khách trẻ đến đây nghỉ dưỡng, tham quan còn mang đồ ăn, nước uống vào trong biệt thự tổ chức liên hoan. Thậm chí có người dồn củi đốt lửa nướng gà, vịt làm mồi liên hoan ngay trong biệt thự. Một số ngôi biệt thự khác thì la liệt bát, kính vỡ bên trong.
“Kiến trúc nhà cổ của người Pháp ở Mẫu Sơn rất đẹp, nếu biết khai thác, sử dụng sẽ trở thành điểm nhấn khu du lịch, thu hút du khách. Thật đáng buồn khi tình trạng xuống cấp, rêu phong ở những ngôi biệt thự này đang diễn ra một cách tự nhiên”, một du khách nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn cho biết, trong thời gian tới, trong quy hoạch phát triển khu du lịch, những ngôi biệt thự cổ này sẽ được ưu tiên trùng tu, cải tạo theo nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng gốc. Hy vọng là như vậy.