Anh Quách Văn Cầu - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Nghĩa - vui vẻ cho biết: Làng trồng rau Thuận Nghĩa đã có từ lâu đời. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng cho những cánh đồng phù sa màu mỡ, trải dài hàng kilômét phía Bắc của sông Kôn.
Khí hậu thuận lợi và quanh năm mạch nước ngầm dồi dào là những nhân tố hội tụ cho nghề trồng rau ở Thuận Nghĩa ngày càng phát triển. Đến nay, tổng diện tích trồng rau của Hợp tác xã là hơn 36ha, với 320 hộ chuyên canh quanh năm. Bình quân mỗi năm Hợp tác xã cung ứng khoảng 180 tấn rau, quả xanh cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ nay đến Tết, Hợp tác xã sẽ cung ứng cho thị trường khoảng hơn 50 tấn rau, quả sạch các loại.
Để khuyến khích khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, đặc biệt là thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, từ năm 2010 đến nay, làng rau truyền thống Thuận Nghĩa đã được Chương trình phát triển sinh kế nông thôn tỉnh chọn là một trong hai địa phương thực hiện dự án phát triển rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Dự án đã triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn công nghệ canh tác, hỗ trợ kinh phí tập huấn, xây dựng mô hình mẫu và đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc, bảo quản rau theo qui trình sạch, tránh các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm và có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Chương trình đã hỗ trợ kinh phí gần 500 triệu đồng, giúp bà con xây cọc bê tông và lưới che theo phương thức trồng rau gần như trong nhà bạt… góp phần phòng chống sâu bệnh, nắng nóng hoặc mưa lớn gây hại cho rau.
Từ hỗ trợ của dự án, đến nay Thuận Nghĩa đã thành lập được 3 nhóm canh tác rau sạch với tổng diện tích trên 6ha; tăng 1,5ha so với năm 2013. Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Nghĩa đã xây dựng một nhà sơ chế, đóng gói, có nhãn mác ghi rõ xuất xứ hàng hóa và bảo quản sản phẩm trước khi vận chuyển đưa đến các siêu thị và trung tâm thương mại lớn.