[links()]
“Tháng củ mật” là thời vụ chính của làng bánh chưng Thanh Khúc, ngày nào những chiếc xe tải chất đầy lá rong từ Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…cũng đổ hàng từ chân đê tới lối đi chính vào làng và xe còn chở lá vào tận những ngã ba trong làng, tận nhà… phục vụ việc làm bánh.
|
Cụ bà 78 tuổi này sinh ra trong gia đình có 4 đời làm nghề gói bánh chưng. Cụ cho biết khâu rửa lá rất quan trọng, lá sạch thì bánh mới ngon... |
“Làng Thanh Khúc có 252 hộ dân và hiện có 75-80% số hộ sống bằng nghề gói bánh chưng. Nhiều năm trước, gói bánh chưng chỉ là nghề phụ, nhưng khoảng chục năm nay đa phần các hộ dân đã coi đây là nghề chính. Thời điểm sau rằm tháng Chạp, có khoảng 30% số hộ làm bánh mỗi ngày bán hàng vạn cái bánh ra thị trường, thu nhập hàng trăm triệu”, bà Lý Thị Thiệp nguyên chủ tịch Hội phụ nữ xã Duyên Hà, Trưởng thôn Thanh Khúc nói.
Bà Thiệp cho biết thêm: “Tuy nghề làm bánh có từ nhiều đời nay, nhưng tháng 2.2011 làng bánh chưng Thanh Khúc mới chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Những người dân trong làng đều tự hào và mong muốn gìn giữ danh tiếng của sản phẩm truyền thống gắn liền với ngày Tết cổ truyền. Vì thế, mỗi dịp Tết đến xuân về có hàng chục vạn chiếc bánh mang thương hiệu Thanh Khúc được bày trên mâm cỗ của người Hà Nội, Sài Gòn và theo bà con Việt kiều ra nước ngoài đón Tết”.
|
Gạo, đỗ xanh, gấc...nguyên liệu chuẩn bị cho đợt bánh chưng tết Quý Tỵ này. |
- Năm nào Tết cũng là thời điểm giá cả tăng vọt từ lá rong, gạo, đỗ, thịt…đó chính là nguyên nhân làm bánh chưng ngày Tết đắt hơn ngày thường. Bánh chưng phải làm từ gạo nếp Cái hoa vàng loại 1 ở Nam Định. Những gia đình làm bánh chưng ở Thanh Khúc nhập các nguyên liệu làm bánh ngay từ đầu vụ.
- Nhà nào làm bánh chưng cũng “đầu tư” 4-5 cái nồi luộc bánh lớn có sức chứa 300-500 cái bánh. 365 ngày dân trong làng đều gói bánh chưng. Ngày thường thì làm bánh giao - bán ở các chợ, làm bánh theo đơn đặt hàng cho việc hiếu – hỷ. Bánh Tết ngoài bánh chưng xanh, còn có bánh chưng đỏ (làm từ gấc), bánh chưng cốm, bánh chưng nếp cẩm…
|
Ở tuổi 78, bà Thanh cho biết: “Gia đình tôi đã 4 đời sống với nghề làm bánh chưng, bản thân tôi từ khi chưa 10 tuổi đã biết làm đủ thứ bánh: bánh chưng, bánh giầy, bánh giò, bánh gai và còn đi chợ bán bánh nữa. Từ chợ làng, chợ đến chợ thị xã, thành phố, rồi đến các hàng quán…ở Hà Nội, đâu có người mua là ở đó có bánh của làng Thanh Khúc. Nhờ nghề làm bánh mà biết bao thế hệ con cháu làng Thanh Khúc khôn lớn trưởng thành và nhiêu gia đình trẻ bây giờ xây nhà, mua xe ô tô, có cuộc sống sung túc cũng là nhờ nghề truyền thống”.
Các cụ cao tuổi ở làng Thanh Khúc cho biết: Bánh chưng muốn ngon thì lá phải rửa thật sạch, chọn lá non làm lá ruột thì bánh mới xanh, gạo, đỗ, thịt phải ngon, gia vị vừa vặn. Bánh luộc phải đều lửa (giờ ngoài luộc bánh bằng củi, than, nhiều gia đình ở Thanh Khúc dùng điện và nồi hơi, nên bánh chín đều, rền và ăn ngon hơn)
Thành Chung cơ sở nhận được nhiều đơn hàng từ các siêu thị
Mùa tết này đơn hàng bánh chưng của các siêu thị dành cho cơ sở của anh Chung 7.000 -10.000 chiếc. “Năm nay, lượng khách đặt bánh chưng giảm chừng 30% nhưng bù vào số lượng đặt hàng mới lại gia tăng, vì thế lượng bánh chưng Tết vẫn như mọi năm”, anh Thành Chung 35 tuổi, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Thành Chung ở Thanh Khúc cho biết.
|
Nhà nào làm bánh cũng "đầu tư" 4-5 cái nồi luộc mỗi mẻ 300-500 cái bánh. |
Sinh ra trong một gia đình nhiều đời gắn bó với nghề truyền thống của làng Thanh Trúc, với bản tính nhạy bén của người trẻ tuổi, anh Chung nhìn nhận siêu thị là một thị trường hiện đại, bánh chưng muốn xâm nhập thị trường này phải có sự khác biệt chứ không thể mang hình dáng mộc mạc đơn thuần vốn dĩ của nó.
Xuất phát từ ý nghĩ đó, anh Chung đã mày mò và thiết kế mẫu mã, logo mang nhãn hiệu Thành Chung, nghiền ngẫm cách đóng gói sản phẩm phù hợp với môi trường kinh doanh hiện đại bằng dán tem, thời hạn cho bánh, dùng phương pháp ép chân không từng sản phẩm một. “Tính ra, mỗi chiếc bánh mang tên Thành Chung giá thành sẽ cao hơn các bánh bình thường khoảng 4.000-5.000 đồng bởi chi phí tem, túi, ép chân không. Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn cuối cùng trước khi hệ thống siêu thị nhập bánh cũng tạo dấu ấn riêng và đã tạo được niềm tin đối với khách hàng”, anh Chung vui mừng chia sẻ.
Anh Chung kể: “Nhiều tình huống dở khóc dở cười vì bánh chưng ỏ siêu thị bị ế. Đó là lần chưa kịp đóng gói, ép bánh thì mất điện, mà giờ giao hàng cận kề. Không thể chờ có điện, nên tôi đành chọn giải pháp đóng gói vào túi nilo buộc dây chun bên ngoài bánh (vẫn có nhãn mác đầy đủ). Ngay lập tức người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm, không bán được dù chỉ một cái và chúng tôi phải mang toàn bộ hàng về. Chúng tôi hiểu rằng, tiêu chí lựa chọn của người tiêu dùng ngày càng tinh tế, yêu cầu của họ là sản phẩm phải hoàn thiện 100%”.
Ngày thường bánh chưng Thành Chung được bán trong tất cả các hệ thống của xúc xích Đức Việt, siêu thị Big C, Happo… đặc biệt dịp lễ đến thương hiệu này rất đắt hàng. “Dịp lễ, Tết chúng em chủ yếu làm hàng đặt, hàng phục vụ khách lẻ thì có hạn. Thành Chung cũng là cơ sở duy nhất ở Thanh Khúc làm bánh chưng đỏ (từ gấc) theo đơn đặt hàng của khách, vì màu đỏ tượng trưng cho một năm mới may mắn, nên bán rất đắt hàng dịp đầu năm mới. Do thời gian làm bánh đỏ lâu hơn và cầu kỳ hơn nên giá thành của một chiếc bánh chưng gấc sẽ trong khoảng 50.000-70.000 đồng - đắt hơn bánh chưng xanh”, chị vợ anh Chung cho biết.
Theo phán đoán của anh Chung: “Từ giờ đến Tết Nguyên đán, nếu mát trời thì giá bánh chưng sẽ ổn định, còn nồm trời (nắng nóng) thì giá bánh sẽ đắt. Nguyên nhân là thời gian luộc mỗi mẻ bánh 8-9 tiếng, trời nồm bánh nhanh hỏng, nên không thể làm nhiều được, vì thế lượng bánh sẽ ít đi. Chính vì khan hàng nên các cơ sở kinh doanh sẽ tăng giá và khách hàng có nguy cơ phải mua bánh chưng với giá 100.000 đồng/chiếc”.
- Luộc bánh chưng phải mất 7-8 tiếng (kể từ khi bánh bắt đầu sôi), nếu luộc không kỹ bánh sẽ không ngon, bị sượng (lại gạo), dùng điện luộc bánh chưng sẽ mất 21 số điện cho một giờ đun bánh.
|
Trường Hân