Vắc xin Covid-19 giả làm từ nước cất và kháng sinh
Ngày 17/12, TAND TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ngụ xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, bị cáo Tiêu Thị Tuyết Sương học hết lớp 9 thì nghỉ. Năm 2014, Sương đem nhiều mẫu máu của người thân đến một phòng xét nghiệm, tiêm chủng ngừa để xét nghiệm nên biết được cách thức tiêm ngừa vắc xin.
Đến đầu tháng 7/2019, do nợ nần và thấy nhiều người dân có nhu cầu tiêm ngừa nhưng các trung tâm y tế không đủ thuốc, vắc xin để tiêm nên Sương đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác.
Sương tự xưng là nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, giới thiệu bản thân có khả năng tiêm ngừa vắc xin dịch vụ tại nhà và tư vấn những kiến thức về tiêm chủng để nhiều người tin tưởng.
Sau khi có người sập bẫy, Sương đến hiệu thuốc tây mua nước cất, thuốc kháng sinh và các dụng cụ y tế khác, rồi về nhà bơm sẵn các dung dịch này vào các ống tiêm cất trong ca nhựa có đá lạnh. Sau đó, Sương đến nhà tiêm cho từng người theo lịch đã hẹn trước.
Sương nói dối rằng, trong các ống tiêm chứa vắc xin ngừa các bệnh như: viêm gan A, viêm gan B, viêm màng não, HPV gây ung thư, ngừa đột quỵ, cúm, viêm não Nhật Bản, phế cầu, tiêu chảy rotavirus…
Để tạo niềm tin cho các bị hại, Sương lấy mẫu phiếu chỉ định chủng ngừa của Nhà xuất bản Y học trên internet, rồi in màu ra thành nhiều bản, điền thông tin vào phiếu, sau đó đưa lại cho những người đã được Sương tiêm để theo dõi.
Đồng thời, Sương còn lấy mẫu máu của các bị hại để mang đi xét nghiệm trước khi thực hiện việc tiêm ngừa. Tuy nhiên, thực chất là làm giả mẫu giấy xét nghiệm, rồi đưa cho các bị hại để họ tin tưởng. Sau đó, Sương thực hiện hành vi lừa tiêm vắc xin để chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Đơn cử như đầu năm 2020, một đôi vợ chồng (giấu tên) gặp Sương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định khi họ đến đây khám bệnh. Qua vài câu thăm hỏi, Sương nhanh chóng giới thiệu mình là nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định và nói mình có tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh đột quỵ, chỉ với giá 700.000 đồng/mũi.
Nghe Sương nói vậy, đôi vợ chồng này mừng rỡ hẹn Sương lên lịch để tiêm. Biết “con mồi” đã cắn câu, Sương liền hẹn đôi vợ chồng này ra một điểm đón xe buýt ở phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) để tiến hành tiêm vắc xin. Sau đó, với 2 mũi tiêm, họ đã trả cho Sương 1,4 triệu đồng.
Không những vậy, Sương còn nói với nhiều người rằng, mình có những vắc xin tiêm chỉ 3 mũi nhưng phòng ngừa được 6 loại bệnh. Nếu người tiêm hoặc gia đình thanh toán hết một lần trước khi tiêm thì sẽ giảm giá rất nhiều.
Tang vật cơ quan công an thu giữ tại nơi ở của Sương |
Đặc biệt, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, Sương loan tin mình có tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh này nên rất đắt hàng. Như chị Y. (ngụ huyện Tuy Phước), sau khi nghe những lời tư vấn “ngọt lịm” từ Sương, ngoài trả tiền tiêm phòng ngừa mũi vắc xin 5 trong 1 cho con, mũi vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho mình, chị còn trả tiền để Sương tiêm cho chồng mình mũi vắc xin phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.
Trong một lần Sương đang giở trò lừa tư vấn và tiêm vắc xin tại khu vực chung cư Long Thịnh (TP Quy Nhơn) thì có người nghi ngờ là lừa đảo nên đã báo Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Quy Nhơn đến kiểm tra, phát hiện và tạm giữ được 4 bơm tiêm chứa sẵn dung dịch không màu.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ, trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2019 - 10/3/2020, Sương đã liên tục thực hiện hành vi tiêm, nhỏ gentamicin, nước cất cho 34 người, trong đó có 22 trẻ em dưới 16 tuổi. Sương đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 63 triệu đồng của 18 bị hại.
Tại phiên tòa, bị cáo Sương thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sương khai do cuộc sống nợ nần, túng thiếu, trong khi nhiều người nhẹ dạ cả tin nên đã làm giả vắc xin tiêm cho nhiều người để kiếm tiền trả nợ và trang trải cuộc sống. Bị cáo xin HĐXX xem xét cho bị cáo được nhận sự khoan hồng của pháp luật để làm lại cuộc đời.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo Sương là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, đặc biệt trong đó có nhiều trẻ em, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, trị an ở địa phương nên cần phải được xử lý nghiêm. HĐXX TAND TP Quy Nhơn tuyên phạt bị cáo Sương 4 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bỏ lỡ giai đoạn vàng tiêm phòng ngừa cho trẻ
Hành vi của bị cáo Tiêu Thị Tuyết Sương không chỉ lừa đảo lấy tiền của người dân mà khiến nhiều trẻ em bỏ lỡ giai đoạn vàng tiêm phòng ngừa vì cha mẹ cứ ngỡ đã tiêm phòng ngừa vắc xin thật của bị cáo này. Việc người dân mất cảnh giác, ham rẻ đã vô tình tạo điều kiện cho đối tượng lừa đảo hoạt động.
Theo các chuyên gia, tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ và cho cả cộng đồng là việc hết sức cần thiết, nhất là đối với quốc gia có khí hậu nhiệt đới, môi trường dễ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Do đó, mỗi phụ huynh cần ý thức tiêm chủng không chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Tất cả các loại vắc xin đều có những phản ứng sau tiêm nhất định. Tuy nhiên, đã là vắc xin được lưu hành thì phải được đảm bảo chất lượng và nằm trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới.
Đối với trẻ em, để bảo vệ sức khỏe, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo, quyền lựa chọn tiêm loại vắc xin nào cho trẻ thuộc về các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, phụ huynh cần bảo đảm hiểu rõ về nguồn gốc và chất lượng của lô vắc xin, cũng như kỹ thuật tiêm của người chịu trách nhiệm tiêm cho trẻ. Phụ huynh cần nắm rõ lịch tiêm của trẻ, bảo đảm tuân theo lịch tiêm chủng đã được Bộ Y tế quy định.
Nếu liều vắc xin 5 trong 1 nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần phải tiêm sớm ngay, không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Đương nhiên về độ miễn dịch cũng sẽ không cao như tiêm đủ mũi, đủ thời gian. Và nếu trẻ nào đã tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 nhưng sau đó không có để tiêm thì cũng có thể chuyển sang tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quinvaxem mà không lo ngại khả năng miễn dịch giảm.
Phiếu chỉ định chủng ngừa thu giữ tại nơi ở của Sương |
Phụ huynh có nhu cầu tiêm cho con tốt nhất nên đến các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng Bộ Y tế quy định để được tư vấn đầy đủ. Tuyệt đối không được bỏ tiêm chủng, khiến trẻ nguy hiểm tính mạng và có thể gây dịch trong cộng đồng.
Mọi thông tin chia sẻ trên mạng hoặc truyền miệng không rõ nguồn rất khó để xác định tính xác thực, có thể được tung tin thất thiệt vì mục đích trục lợi. Vì thế, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên theo dõi thông tin chính thức trên website Cục Y tế dự phòng và website Bộ Y tế.
Có thể nói, hành vi của bị cáo Tiêu Thị Tuyết Sương là hết sức nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho những bị hại mà còn gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Do đó, việc các cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng giải quyết vụ án, xử lý nghiêm minh đối với bị cáo Sương là nhằm răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm tương tự, bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, cũng như đảm bảo tình hình an ninh, trật tự xã hội.