Lạnh người bước trong những ngôi nhà gỗ ven sông Hồng

Để lên được tầng hai của khu nhà gỗ tập thể Bưu Điện, tôi cố gắng căng hết mắt, nhẹ đến hết mức có thể đặt chân lên những bậc cầu thang vừa mối mọt, vừa nghiêng ngả và tối om cho dù mới chỉ 3 giờ chiều. Cảm giác lạnh lạnh chạy dọc sống lưng bởi đã cố gắng nhẹ nhàng nhất thì sàn nhà vẫn rùng rình theo nhịp bước chân.

Những căn nhà gỗ tạm bợ chỉ có “tuổi thọ” tối đa khoảng 10 năm, thế nhưng 70 năm đã qua chúng vẫn tồn tại và ngày càng xuống cấp trầm trọng. Những người dân ở đây nơm nớp lo tai họa đến từ nhà.

Dây điện rối như tơ vò chạy qua ngôi nhà gỗ tiềm ẩn một nguy cơ cháy.
Cảnh sinh hoạt có một không hai
Để lên được tầng hai của khu nhà gỗ tập thể Bưu Điện, tôi cố gắng căng hết mắt, nhẹ đến hết mức có thể đặt chân lên những bậc cầu thang vừa mối mọt, vừa nghiêng ngả và tối om cho dù mới chỉ 3 giờ chiều. Cảm giác lạnh lạnh chạy dọc sống lưng bởi đã cố gắng nhẹ nhàng nhất thì sàn nhà vẫn rùng rình theo nhịp bước chân.
Chị Vân, một người sống tại khu nhà cho biết ở đây có quy tắc là “những người ở tầng trên thì phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên bởi bất kỳ một hành động “quá khích” nào cũng có thể làm cho những người tầng dưới phải đau đầu và nếu không muốn bị chửi thì tốt nhất là tuân thủ quy định”.
Có lẽ cũng chắc chỉ  ở khu nhà gỗ này mới có những quy định rất oái oăm là nhà nào có trẻ con thì phải bế, không được đặt xuống đất  vì với bản tính thích chạy nhảy của chúng thì chắc những nhà ở tầng một sẽ chỉ nghe được những tiếng uỳnh uỳnh trên đầu…
Sở dĩ có những chuyện như vậy là bởi những căn nhà gỗ tập thể này được xây dựng từ những năm 1945 – 1946, thường thì chỉ tồn tại được 12-13 năm nhưng đã gần 70 năm qua chúng vẫn được sử dụng liên tục mà không được tu sửa thường xuyên hay xây mới nên nó cứ xập xệ và mối mọt dần. Những người ở đây cứ đời này qua đời khác sống và chấp nhận những điều dở khóc dở cười ấy. 
Những mảng trần nhà mục nát

Khu nhà này được chia ra thành nhiều phòng khác nhau để phân cho những người là cán bộ, nhân viên các cơ quan nhà nước (như nhà tập thể Bưu điện, Lương thực, Giáo dục…) từ hàng chục năm trước. Những người dân sống ở đây cho biết những năm trước, tường còn được trát bằng vôi trộn với rơm nhưng mấy năm nay các nhà tự bỏ tiền ra, nên những bức tường bằng gạch tử tế đã được xây lên.

Nhưng đấy chỉ là tầng  chứ tầng hai thì chịu chết, một phòng chỉ  được ngăn bằng những tấm cót ép thành hai ba phòng nhỏ hơn và kèm theo đó là hai ba hộ gia đình ở chung nhau. Chị Miên (khu tập thể Bưu Điện) dẫn chúng tôi nhẹ nhàng bước vào nhà chị. Căn nhà được ngăn hai phòng, không ai có thể nghĩ đó là nơi ở của hai hộ gia đình. Tất cả chỉ được phân định bởi một tấm cót ngăn hai chiếc giường.  
Vậy là mỗi nhà chỉ rộng chưa đầy 6m2 và phòng của nhà ngoài là lối đi vào của nhà trong. Khi tôi thắc mắc nếu không có vách ngăn, người nhà trong cứ đi qua nhà mình thế thì thật bất tiện, chị Miên cười nói: “Nhà được mấy mét nên đồ đạc chả có gì và quá chật chội nên không thể làm vách ngăn nhà với lối đi được, đành chấp nhận bất tiện thôi. Ở đây nhà nào cũng thế, có nhà còn bé hơn nhà chị ấy”. 
Chuyện tắm giặt mới thực sự là "có một không hai". Ở đây không có đường ống nước nên hầu như mọi người phải dùng máy bơm để bơm nước lên. Nhà nào có điều kiện thì làm một cái nhà tắm nhỏ, bọc sắt xung quanh và cả dưới sàn để nước không lọt xuống sàn gỗ và tất cả được thoát xuống bằng một cái ống nhựa chỉ bé bằng ngón chân cái.
Nhà nào không có điều kiện thì… trải nilon và mỗi lượt nước lại đổ vào xô mang đi nơi khác, nếu nước có “lỡ” đổ ra ngoài thì các nhà tầng hai lại chịu khó xuống xin lỗi các nhà tầng một vì nước đã theo khe gỗ chảy xuống nhà họ còn nhà nào ở tầng một thì phải chịu khó đi phơi chăn chiếu vì bị nước thấm...
 Chỉ sợ cháy với lụt
Bà Bảo (85 tuổi) một trong những người được coi là có thâm niên nhất ở đây vừa chỉ cho tôi những đoạn mối mọt của khu nhà, vừa nói: “Sợ nhất là cháy cô ạ, mấy cái nhà giống thế này cháy hết rồi, có người suýt chết vì không chạy kịp”. Đó không chỉ là nỗi lo của một mình bà Bảo mà còn là nỗi lo chung của những người sống ở đây. 
Một ngôi nhà nhỏ và bí bích.
Cách ngôi nhà vài gang tay là đường dây điện rối như nhện răng tơ, những tấm gỗ mối mọt, những tấm cót cơi nới mục nát, nếu có chập điện thì đó sẽ là mồi lửa thiêu dụi căn nhà trong giây lát. Và nỗi lo này chẳng mơ hồ bởi chỉ trong vài năm mà số nhà gỗ tập thể ở đây bị cháy đã lên tới con số hàng chục. 
Cùng nỗi lo với bà Bảo, chị Vân cho biết thêm: “Cháy ban ngày còn chạy được chứ cháy ban đêm thì... chỉ có chết. Nhưng cháy ban ngày cũng chỉ chạy được người mà đa số những người sống ở đây đều không có điều kiện, cháy rồi thì chẳng còn cái gì để sinh hoạt”.  
Nhưng có lẽ với bà Bích (tập thể Lương thực) những lo lắng về cháy không lớn bằng nỗi lo về lụt. Bà kể: “Nhà tôi ở thấp hơn so với mặt đường nên mỗi khi mưa to nước lại  dềnh lên tận thành giường, mà đâu có phải là nước mưa, toàn là nước thải, nước cống nên bẩn vô cùng”.
Con gái bà cho biết, những hộ gia đình ở đây muốn đi đại tiện phải ra nhà vệ sinh công cộng gần đó nhưng vì bất tiện, lại thêm việc chỗ đó bị lấn chiếm nên đa phần những gia đình ở đây xả thẳng xuống cái cống cạnh nhà. Vì thế, khi mưa là nước dềnh lên tràn hết vào những nhà trũng, những lúc như vậy chỉ biết lánh tạm lên nhà trên, chờ nước rút rồi dọn dẹp. 
Những ngôi nhà đã cũ kỹ vẫn oằn mình chống chọi qua thời gian. Còn hàng chục hộ dân mùa hè thì chịu cái nóng hầm hập, mùa mưa thì chịu cảnh lụt lội và lúc nào cũng nơm nớp với hai chữ “đổ, cháy” đến từ ngôi nhà. 
Đặng Linh

Đọc thêm