[links()] Những câu chuyện dân gian lưu truyền về “thủy quái” luẩn quẩn nơi gầm cầu với “bằng chứng” là ngôi đền án ngữ đầu cầu thờ “thần Bach Long”, chủ đề câu chuyện “cây cầu tang tóc” suốt nhiều năm nay đã “dậy sóng” dư luận khu vực cây cầu Kỳ Lừa, bắc qua sông Kỳ Cùng thuộc hai phường Chi Lăng và Tam Thanh, Thành phố Lạng Sơn..
Cây đa bên đầu cầu |
Dư luận “dậy sóng”
Những ngày gần đây, người dân xứ Lạng thêm xôn xao những câu chuyện về cây cầu “tang thương” này, khi được nghe những tình tiết khó hiểu trong vụ tìm xác một thiếu niên 14 tuổi chết đuối thương tâm vào cuối tháng 2/2012 ở đoạn sông này. Trong đợt diễn tập cho Hội khỏe phù đổng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 8, một học sinh nam trung học cơ sở học lớp 8 ở thành phố trong đội cầm cờ của nhà trường do nóng nực đã rủ đám bạn xuống sông Kỳ Cùng tắm. Đang trong lúc vùng vẫy với dòng nước mát thì em bị chết đuối, dù thường ngày em biết bơi không đến nỗi tồi.
Theo lời người dân kể lại, trước khi đi tắm, nhóm học sinh này đã ngồi uống nước tại một quán gần ngôi đền Tả Phủ nằm ở đầu cầu phía bắc. “Ở đây bà bán nước bị vong nhập vào và báo cho nhóm học sinh kia biết nếu đi tắm có thể sẽ gặp nạn nhưng nhóm trẻ này không tin nên mới chuốc họa vào thân”, một người dân thuật lại.
Mẹ của nạn nhân là bà Phạm Thị Giang, nhà ở Mỹ Sơn, hàng ngày bán mũ bảo hiểm ở trước cổng chợ Đêm sau khi biết tin con trai gặp nạn đã ngất lên ngất xuống. Nhà có ba người con, hai đứa đầu là con gái, cố gắng mãi bà mới sinh được thằng con trai thì nay bỗng dưng gặp nạn.
Sau khi bị chết đuối nạn nhân mãi vẫn chưa được tìm thấy dù có đến gần chục thanh niên hì hục lặn ngụm tìm kiếm. Quẫn bách không còn cách nào khác, gia đình nạn nhân phải tìm đến các “thầy” mo về gọi hồn. Khi đến bờ sông hương khói cầu cúng, người này phán rằng “xác đứa trẻ bị 5 vong hồn giữ chân, vì thiếu quần nên không thể nổi lên được”.
Hàng chục người bưới từng gốc cây ngọn cỏ ven bờ sông, may mắn tìm được chiếc quần đứa bé vứt lại gần đó. Lạ lùng là sau khi vứt chiếc quần xuống nước thì không lâu sau đó xác nạn nhân nổi lên trong sự ngỡ ngàng của những người xung quanh.
Trong câu chuyện kể của những người mê tín, đoạn sông dưới chân cầu Kỳ Lừa phía bên địa phận phường Tam Thanh có một cái hang lớn ăn sâu vào phía đất liền. Theo họ, cái hang này chính là nơi trú ngự của một con “thủy quái”, mà dân gian vẫn gọi là con thuồng luồng. Dù chưa ai được chui vào dưới hang này, cũng chẳng ai đủ “to gan” để một lần thử khám phá nhưng vẫn có người khăng khăng kể lại câu chuyện có nội dung như… truyện cổ tích: “Ngày xưa buổi tối bà ngoại tôi ra sông giặt quần áo, một hôm bị thuồng luồng kéo chân, thấy nói lưng nó như lưng rồng, có vẩy cá, màu đen sì, có đuôi”.
Nhớ lại những câu chuyện nhiều năm trước khi mới xây cầu, ông Lăng Văn Hải, một cao niên ở đường Trần Đăng Ninh (thành phố Lạng Sơn) mới giật mình khi xây dựng cây cầu này người ta đã gặp rất nhiều khó khăn. “Xây cột trụ lên mấy lần mà không hiểu sao đều bị đổ. Về sau đơn vị thi công phải mời “thầy” về cúng giải hạn thì việc xây dựng cây cầu từ đó mới trở nên suôn sẻ, dễ dàng. Bây giờ hàng ngày tôi vẫn đi lại qua đó, nhìn thế sông, hầm đá, thế nước mà vẫn cảm giác có cái gì đó lành lạnh, bí hiểm”, ông Hải nhận xét.
Giải mã lời đồn
Cầu Kỳ Lừa nằm ở một vị trí khá đặc biệt: Hai bên đầu cầu đều có những ngôi đền, chùa cổ mà người dân cho rằng “rất linh thiêng”. Đầu cầu phía bắc, thuộc địa phận phường Tam Thanh là đền Tả Phủ có từ lâu đời, thờ thần nước Bạch Long. Cứ ngày mùng một và rằm hàng tháng là dân khắp vùng đến cúng bái, hương khói nghi ngút lan tỏa cả đầu cầu.
Đầu cầu phía nam, địa phận phường Chi Lăng là chùa Thành, ngôi chùa cổ bậc nhất Lạng Sơn. Xưa kia khu vực sân chùa từng chứng kiến hàng chục đoàn sứ Việt Nam và Trung Quốc qua lại. Một biển báo ở sân chùa khắc danh sách này và nhận thấy trong vòng 866 năm (từ năm 972 đến năm 1848) tổng cộng có 310 đoàn sứ bộ qua lại nơi này. Nhiều người đặt câu hỏi: “Rất nhiều người đã chọn khúc sông này để đến với “cõi vĩnh hằng”, liệu có mối liên hệ nào với các yếu tố tâm linh, lịch sử không?”.
Đặc biệt, ở ngay đầu cầu, gần ngôi chùa này có một cây đa cổ thụ đã hàng trăm năm. Những lời đồn về sự linh thiêng mang yếu tố ma quỷ quanh gốc cây này cũng khiến dân tình xôn xao chẳng kém. Họ đồn rằng những “vong hồn” chết dưới đoạn sông này không được siêu thoát, thường vất vưởng đây đó và tụ tập về gốc đa cổ thụ này.
Bởi vậy dân trong vùng chẳng ai dám nhổ nước bọt, chỉ tay hay tiểu “bậy” vào gốc cây. Nhìn gốc cây đa cổ thụ gầy guộc và gân guốc, hai bên đầu cầu là đền chùa lúc nào cũng khói hương nghi ngút, không ngớt những lời tụng kinh gõ mõ khiến những ai đi qua đây cũng cảm thấy như lạc vào một thế giới huyền bí, gợi lên cảm giác lành lạnh đến nổi da gà.
Phóng viên Pháp luật & Thời đại đã tìm gặp Thượng tá Đoàn Văn Tôn, Phó Trưởng công an thành phố Lạng Sơn để tìm hiểu thực hư sự việc. Ông Tôn xác nhận, trong nhiều năm gần đây, đoạn sông dưới cầu Kỳ Lừa chứng kiến nhiều cái chết. Mỗi khi phát hiện những trường hợp như vậy, phòng hình sự công an thành phố có nhiệm vụ xác minh nguyên nhân gây ra những cái chết này.
Vậy nhưng sự thật là đa phần những cái chết đều có nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình, yêu đương nam nữ. Những người tìm đến cái chết đa số là những người còn trẻ, suy nghĩ chưa đủ chín chắn nên có những hành động bồng bột. Trường hợp thanh niên cởi quần áo chạy lông nhông rồi trẫm mình xuống sông là do anh ta bị nghiện ma túy, đang cai nghiện ở nhà, lúc lên cơn nghiện không làm chủ được bản thân nên chạy linh tinh rồi rơi xuống sông dẫn đến tử vong.
Ngoài ra nhiều cái chết khác là do tai nạn sông nước mà ra. Câu chuyện về loài thủy quái chỉ là câu chuyện trong truyền thuyết mà không có cơ sở thực tiễn. Những câu chuyện khác cũng chỉ là do những người mê tín tự hư cấu lên rồi lan truyền trong dư luận.
Ông Tôn khẳng định: “Chẳng có chuyện thần linh, ma quỷ gì ở đây, tất cả chỉ là những lời đồn nhảm nhí”. Ông cũng khuyên rằng: “Các bạn trẻ khi gặp những khó khăn, mâu thuẫn trong gia đình, tình yêu thì nên bình tĩnh để giải quyết vấn đề chứ không nên tự tìm đến cái chết. Như thế là có tội với cha mẹ đã sinh ra mình, có tội với cuộc sống và làm đảo lộn dư luận xã hội”.
(tiếp theo và hết)
Hữu Linh