Lao động bỏ trốn, người thân "gánh" hậu quả

Người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp đã và đang là một vấn nạn làm đau đầu của các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Thiệt hại về kinh tế, xã hội và chính sách hợp tác giữa các nước đã được nhìn thấy và cảnh báo, nhưng nhiều trường hợp vẫn vô tư vi phạm, một phần do không biết các quy định pháp luật về trách nhiệm của lao động tại nước ngoài.

Người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp đã và đang là một vấn nạn làm đau đầu của các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Thiệt hại về kinh tế, xã hội và chính sách hợp tác giữa các nước đã được nhìn thấy và cảnh báo, nhưng nhiều trường hợp vẫn vô tư vi phạm, một phần do không biết các quy định pháp luật về trách nhiệm của lao động tại nước ngoài.

Đôi bên đều thiệt

Chia sẻ những thiệt hại mà doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải gánh chịu khi lao động bỏ trốn, ông Ngô Quang Hải - cán bộ phụ trách đối ngoại của Cty CP May và xuất khẩu lao động Phú Thọ - cho biết: “DN chúng tôi có chức năng xuất khẩu lao động theo giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH. Thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu là Đài Loan với các công việc làm tại các công xưởng, nhà máy.

Lao động có mức thu nhập khá cao, nhiều trường hợp, hết hợp đồng lại được chủ sử dụng gia hạn thêm hoặc ký tiếp hợp đồng nên càng có điều kiện tăng lương do có nhiều kinh nghiệm. Có đơn vị sử dụng lao động còn động viên lao động Việt Nam bằng hình thức cho đi du lịch ở Nhật Bản, Hàn Quốc …Thế nhưng, vẫn có không ít lao động tự phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài bất hợp pháp, gây thiệt hại không nhỏ cho chúng tôi và chính lao động”.

Cũng theo ông Hải, sau mỗi sự cố lao động bỏ trốn, do hoạt động sản xuất bị gián đoạn, chủ lao động bị khách hàng phạt chậm tiến độ giao hàng, xuất xưởng và phải bỏ thêm thời gian,chi phí để tuyển lao động mới thay thế nên lập tức quay sang phạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng hình thức phạt tiền và cắt chỉ tiêu tiếp nhận lao động.

Bản thân người lao động sau khi bỏ trốn ra ngoài theo lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới bất hợp pháp một thời gian, đều chịu cảnh sống và làm việc chui lủi, không có giấy phép lao động, không có hộ chiếu, không có thẻ cư trú, bị bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục, bị cảnh sát địa phương bắt và giam giữ , phạt tù …rồi cuối cùng là bị dẫn độ, trục xuất về nước.

Là một luật sư tư vấn nhiều vụ việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, luật sư Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng luật sư Đa Phúc chỉ ra nguyên nhân tình trạng lao động bỏ trốn một phần do người quản lý lao động (như nhà máy, công xưởng, văn phòng đại diện doanh nghiệp xuất khẩu lao động...) chưa phát hiện kịp thời tranh chấp của người lao động đối với người sử dụng lao động để có biện pháp giúp đỡ, can thiệp dẫn đến việc người lao động bức xúc, tự giải quyết bằng hình thức bỏ việc. Một phần khác do lao động “đứng núi này trông núi nọ” và bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục đã nhanh chóng phá hợp đồng bỏ trốn bất hợp pháp để rồi phải gánh chịu hậu quả do chính mình gây ra.

Cứ tưởng bỏ trốn là không ai “sờ gáy”

Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do người lao động chưa nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi bỏ trốn; cứ tưởng bỏ trốn là không ai có thể “sờ gáy” để phạt mình nữa. “Đây là một sai lầm lớn, phổ biến của người lao động do họ không nhận thức đầy đủ. Thực tế, luật đã siết chặt trách nhiệm của họ.

Theo Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người lao động có các nghĩa vụ tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động; làm việc đúng nơi quy định; thực hiện nội quy nơi làm việc và về nước sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động; chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động.

Khi bỏ trốn, người lao động sẽ bị  phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng. Bên cạnh đó, người lao động còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là buộc về nước, phải bồi thường thiệt hại và chịu mọi chi phí phát sinh đối với hành vi vi phạm; Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm”- luật sư Ngọc Hà dẫn các quy định.

Không chỉ người lao động bị phạt mà người bảo lãnh cho người đi lao động cũng liên đới chịu trách nhiệm (có thể là chính quyền địa phương, bố mẹ đẻ, anh chị hoặc người thân...). Dẫn chứng điều này, luật sư Ngọc Hà cho biết, gần đây liên tục có các vụ tòa án phải phân xử việc người bảo lãnh “ngây ngô” trước trách nhiệm bảo lãnh của mình.

Đơn cử như vụ TAND tỉnh Hải Dương xử ngày 1/8/2013 vừa qua đã buộc chị gái của lao động Đỗ Văn Hải (ở Hoàng Tân, Chí Linh) phải bồi thường cho công ty cổ phần Simco sông Đà 90 triệu đồng do lao động bỏ trốn. Trước khi lao động đi làm việc, chị gái của lao động đã ký cam kết bảo lãnh, bồi thường trong trường hợp người lao động bỏ trốn tại Đài Loan. Hay như vụ ông Phạm Văn Pha (xã Thanh Hải, Thanh Hà, Hải Dương) mới đây cũng phải bồi thường hơn 80 triệu đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động do lao động mình bảo lãnh bỏ trốn.

Thực tế trên đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải phổ biến cho người lao động và người nhà của họ hiểu các quy định thiết thân nêu trên để tránh những hậu quả đáng tiếc tự mình gây ra và yên tâm lo làm ăn chân chính khi ra nước ngoài lao động.

Thanh Quý

Đọc thêm