Lao động nam được hưởng chế độ gì khi vợ sinh con?

(PLVN) - Theo quy định, nếu lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì khi vợ sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và chế độ khi con ốm đau.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Bạn đọc có địa chỉ email quocbaotran1...@gmail.com hỏi: Tôi đang tham gia BHXH bắt buộc tại Công ty. Vợ tôi đang mang thai tháng thứ 8, vậy khi vợ tôi sinh tôi có được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh hay không. Nếu có tôi phải làm thủ tục gì?

- Giải đáp về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 5 ngày làm việc; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Trong trường hợp sinh con nhưng chỉ có người bố tham gia BHXH thì người bố được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. (với điều kiện phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con).

Ngoài ra, sau khi vợ sinh con, nếu con không may bị ốm đau thì lao động nam còn được hưởng chế độ khi con ốm đau. Cụ thể, BHXH TP Hà Nội cho biết, theo quy định thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Mức hưởng chế độ ốm đau tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

Thủ tục hồ sơ bao gồm: Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây: Đối với chế độ thai sản bao gồm bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.

Đối với chế độ con ốm: Trường hợp điều trị nội trú: bản sao giấy ra viện của người lao động hoặc con của người lao động dưới 7 tuổi. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.

Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

Đối với trường hợp điều trị ngoại trú thì hồ sơ bao gồm giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính). Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ nêu tại tiết 2.1.1 và 2.1.2 điểm này được thay bằng bản sao của bản dịch tiếng Việt giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp. 

Đọc thêm