Sáng 4/5, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo khu vực chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hiệu quả pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
3/4 việc làm của nền kinh tế không đảm bảo yêu cầu về ATVSLĐ
Theo ông Francisco Santos O’Conner – Chuyên gia cao cấp về an toàn và sức khỏe (AT&SK) nghề nghiệp của ILO, ATVSLĐ là quyền của người lao động (NLĐ) nhưng thực tế khó đạt được. Ở các nước đang phát triển, 3/4 việc làm của nền kinh tế không đảm bảo yêu cầu về ATVSLĐ.
Trong khu vực phi chính thức, đa số NLĐ làm việc nhiều giờ mà không được đảm bảo ATVSLĐ, nhất là những NLĐ thuộc nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, người di cư…
ILO chỉ ra, LĐ trẻ tham gia các công việc phi chính thức (ngoài nông nghiệp) chiếm tới 68% lực lượng lao động. Nhưng nhiều LĐ trẻ được giao các công việc độc hại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự an toàn và sức khỏe (AT&SK).
Mặc dù biết rõ sự nguy hiểm nhưng họ không dễ từ chối và phải chấp nhận vì áp lực “giữ việc” trong điều kiện cạnh tranh cao khi thanh niên trong độ tuổi 15-24 chiếm hơn 50% tổng số lao động thất nghiệp trên cả nước.
Điều đáng nói là hàng năm có gần 1 triệu lao động trẻ tham gia thị trường với những hiểu biết hạn chế về quyền và nghĩa vụ AT&SK tại nơi làm việc.
Thống kế của Bộ LĐTB&XH cho thấy, trong năm 2016, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lo động (TNLĐ) chết người là xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, dịch vụ…
Đây cũng là những lĩnh vực sử dụng nhiều LĐ không có quan hệ lao động (lao động thời vụ, lao động tự do) tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, công trình xây dựng tư nhân,…
Nguyên nhân xảy ra TNLĐ, theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục ATLĐ (Bộ LĐTB&XH) là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo ATLĐ; không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nguyên nhân từ phía NLĐ “không biết, nhiều trường hợp còn coi thường, ngại vướng víu” nên không sử dụng các biện pháp, thiết bị bảo đảm ATVSLĐ.
Nhiều LĐ trẻ không được đào tạo bài bản về AT&SK tại nơi làm việc. Theo đại diện của Công ty Nestle Việt Nam tại Hội thảo xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc mới đây, môn học về ATVSLĐ chỉ là môn tự chọn nên chỉ tỷ lệ nhỏ sinh viên – những NLĐ tương lai theo học.
Tới khi tham gia thị trường lao động, đa số LĐ trẻ lại không được khuyến khích tham gia hoặc đóng góp vào các hoạt động phòng ngừa TNLĐ tại nơi làm việc.
Mang theo tâm lý “không muốn ảnh hưởng đến công việc hoặc thậm chí chưa lường hết được những rủi ro tiềm tàng tại nơi làm viêc”, cùng với việc thiếu kinh nghiệm, lực lượng LĐ trẻ dễ bị tổn thương khi làm việc.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ chấn thương khi làm việc ở nhóm NLĐ mới đi làm (dưới 1 tháng) cao gấp 4 lần so với những người đã làm việc được 1 năm trở lên.
Cần vá ngay “lỗ hổng lớn” về đảm bảo ATVSLĐ
Chuyên gia của ILO cũng chỉ ra, nhận thức về các mối nguy hiểm, nguy cơ, phương tiện bảo hộ và quyền của NLĐ để đảm bảo AT&SK nghề nghiệp cho NLĐ là “một lỗ hổng lớn” hiện nay, nhất là trong khu vực phi chính thức.
Vì vậy, cần phải có những quy định và giải pháp để đảm bảo thực hiện quyền ATVSLĐ cho NLĐ nói chung và NLĐ trong khu vực phi chính thức nói riêng, trong đó có LĐ trẻ.
Năm 2015, Luật ATVSLĐ được thông qua nhưng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đưa luật thực sự đi vào cuộc sống. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, để đảm bảo quyền của NLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động, các quy định của Luật cũng đã quy định về quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) theo hình thức tự nguyện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ bị rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động, giảm gánh nạng cho người sử dụng LĐ cũng như Nhà nước và xã hội.
Hiện Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn, quy định về quỹ bồi thường TNLĐ, BNN (Nghị định về mức đóng vào quỹ BH TNLĐ, BNN, Nghị định về BH TNLĐ theo hình thức tự nguyện), dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2017 và 2018.
Cùng với đó, ILO khuyến nghị “trao quyền cho NLĐ, trong đó có LĐ trẻ, mới vào nghề, là công cụ hữu hiệu để giúp tăng cường văn hóa và môi trường làm việc an toàn”.
Để làm được như vậy, cần giúp NLĐ có niềm tin để đề xuất các giải pháp đảm bảo ATLĐ cũng như nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong đảm bảo ATVSLĐ.
Kinh nghiệm triển khai các quy định pháp luật về ATVSLĐ của Malaysia cho thấy, các DNNVV cần được tập huấn, đào tạo thường xuyên, chi tiết về ATVSLĐ vì các DN này chiếm số lượng lớn, sử dụng nhiều LĐ (cả LĐ trẻ và LĐ có quan hệ HĐLĐ dưới 1 tháng hoặc không có quan hệ lao động) nhưng lại như “những em bé chưa đủ hiểu biết, chín chắn”.
Còn ông Sebastian Tan (Bộ Nhân lực Singapore) chia sẻ, cần nâng cao nhận thức của NLĐ tự do về ATVSLĐ (nhất là tầm quan trọng của BH TNLĐ tự nguyện) thông qua hoạt động của tổ chức công đoàn.