Nhiều lao động Trung Quốc nhậu nhẹt say xỉn, gây gổ đánh nhau với dân địa phương; thậm chí còn quan hệ sinh con với phụ nữ địa phương
Huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng được xem là địa phương có đông người Trung Quốc sinh sống và làm việc nhất nước. Kể từ khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng được triển khai (năm 2005) đến nay, cùng với việc các công ty Quảng Tây, Hồ Bắc và Đông Phương của Trung Quốc trúng thầu thi công và lắp đặt thiết bị thì hàng ngàn lao động Trung Quốc kéo đến làm việc tạo nên các làng Trung Quốc, phố tàu dọc các xã Tam Hưng, Ngũ Lão.
Cũng từ khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng triển khai, những vùng quê yên ả dọc tuyến đường đi qua nhà máy bị xáo trộn. Lao động Trung Quốc thường nhậu nhẹt say xỉn, gây gổ đánh nhau với dân địa phương; thậm chí còn quan hệ sinh con với phụ nữ địa phương.
Trước tình hình trên, Công an huyện Thủy Nguyên phải lập một Trạm Cảnh sát Nhân dân tại xã Tam Hưng. Trung tá Đỗ Quang Hảo, trạm trưởng, cho biết: “Quá đông người nước ngoài làm việc, sinh sống gây cho chúng tôi nhiều khó khăn, bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn. Nhiều đêm thấy họ về quá muộn, uống rượu say, mình nhắc nhở nhưng họ chẳng nghe. Ngoài số lao động chính thức, rất khó để quản lý số lao động “chui”. Có những vụ người Trung Quốc sau khi gây án, công an vào cuộc điều tra thì họ đã về nước…”.
Lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng |
Theo Sở LĐ-TB-XH Hải Phòng, trước Tết Quý Tỵ có khoảng hơn 2.000 người nước ngoài làm việc tại Hải Phòng, trong đó quá nửa là người Trung Quốc. Số lao động này chủ yếu tập trung tại các dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, KCN Đồ Sơn, KCN Thâm Việt (huyện An Dương). Ngoài ra, còn hàng chục doanh nghiệp da giày, hóa chất, xây dựng… có người lao động Trung Quốc làm việc.
Theo Nghị định 34/CP và 46/CP của Chính phủ về việc tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam thì các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam phải ưu tiên sử dụng lao động người Việt Nam, trường hợp lao động trong nước không thể đáp ứng được công việc mới tuyển lao động nước ngoài. Thực tế, trong hàng ngàn lao động Trung Quốc đang làm việc tại Hải Phòng, đa số làm những công việc phổ thông như phụ hồ, thợ xây, thợ hàn… trong khi rất nhiều lao động phổ thông tại địa phương đang thất nghiệp.
Tại kỳ họp thứ 4 của HĐND TP Hải Phòng vừa qua, nhiều cử tri đã chất vấn lãnh đạo huyện Thủy Nguyên, UBND TP Hải Phòng cũng đã lập đoàn kiểm tra, xử lý tình trạng lao động Trung Quốc không phép. Đoàn thanh tra liên ngành của Sở LĐ-TB-XH và Công an Hải Phòng cũng từng phát hiện không ít sai phạm của lao động nước ngoài trong việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, như không báo cáo xin phép duyệt nhân sự mà vẫn tuyển lao động ngoài nước vào làm việc, dùng thị thực nhập cảnh với danh nghĩa du lịch để làm việc tại Việt Nam...
Từ khi có KCN Long Giang thì xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước - Tiền Giang không còn yên ả vì lao động Trung Quốc. Khi số lao động này rút đi thì nhiều phụ nữ địa phương ngậm đắng nuốt cay vì gia đình tan vỡ. Theo một cán bộ xã Tân Lập 1, đã có hơn 10 trường hợp xin ly hôn và hầu hết đều do các bà vợ nộp đơn. Tất cả đều hòa giải bất thành vì các bà nhất quyết bỏ chồng với lý do chồng không biết làm ăn, quan điểm bất đồng... nhưng thực chất là vì mấy ông “người nước ngoài” vung ra ít tiền làm các bà tưởng sẽ có cuộc sống sung sướng, sẽ được bảo lãnh ra nước ngoài. Ai ngờ bây giờ họ về nước, bỏ lại những phụ nữ góa chồng. |
Theo M.Sơn- NLĐO