Thị trường việc làm ngoài nước đón nhận thêm tin xấu khi nhiều công trình xây dựng ở Libya có lao động Việt Nam làm việc liên tiếp chậm lương. Nhiều lao động e ngại thị trường diễn biến xấu, công việc không ổn định đã yêu cầu được về nước trước hạn.
“Làn sóng” đòi về nước trước hạn đang lan rộng, tất cả các doanh nghiệp đang có lao động làm việc ở thị trường này đều bị ảnh hưởng.
Anh Nguyễn Đạt ở Nam Định, đang làm việc trên công trường xây dựng thành phố Sabha cho biết anh và một số lao động khác đều bị chủ sử dụng nợ từ 2-3 tháng lương. Công ty đưa các anh sang làm việc thông báo lý do chậm lương là vì Chính phủ Libya đã “thất hứa” với các chủ thầu, chậm giải ngân cho các dự án dẫn tới khó khăn cho các nhà thầu.
“Công ty nói chúng tôi chờ đợi nhưng chờ từ tháng nay qua tháng khác vẫn chưa nhận được lương nên nguyện vọng của chúng tôi là muốn về nước”, anh Đạt nói qua điện thoại với phóng viên PLVN.
Xác nhận những thông tin anh Đạt cung cấp, doanh nghiệp đưa anh Đạt đi làm việc tại Libya cho hay ngay trong tuần tới sẽ giải quyết cho khoảng gần 50 lao động về nước trước hạn.
“Chúng tôi vừa từ Sabha về. Đúng là chủ thầu không nhận được tiền của Chính phủ giải ngân nên không có tiền trà lương cho lao động, trong đó có lao động Việt Nam. Chúng tôi mong muốn người lao động thông cảm, chia sẻ và chờ đợi. Với những lao động không thể chờ đợi và có nguyện vọng trở về thì chúng tôi sẽ tìm mọi giải pháp hỗ trợ, đáp ứng”, vị giám đốc này cho hay. Đồng thời cũng chia sẻ thêm đây là ‘cú sốc” lớn với các doanh nghiệp bởi sau cuộc “giải cứu” lao động vì bạo động năm 2011, nhiều doanh nghiệp đã “sống dở chết dở”. Khi thị trường Libya tiếp nhận lao động trở lại, các doanh nghiệp đều hy vọng “sau cơn mưa trời sẽ sáng”, đâu ngờ rủi ro thêm một lần nữa.
|
ảnh MH |
Thực tế, rủi ro từ thị trường Libya đã được "báo trước", khi hồi tháng 3 vừa qua 49 lao động do công ty CP Cung ứng nhân lực Việt Nhật –VITECH (trụ sở tại tầng 2, số 7 Đào Duy Anh, Hà Nội) ký hợp đồng đưa sang Libya làm việc cũng đã phải về nước trước hạn. Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, nguyên nhân căng thẳng giữa những người lao động này và chủ sử dụng lao động là do việc thanh toán chậm lương, tiền làm thêm giờ, điều kiện sinh hoạt khó khăn; thiếu sự cảm thông giữa người lao động với chủ sử dụng lao động.
Ở thời điểm đó, Cục lãnh sự cũng đã xác định việc chậm trả lương này có thể do ngân sách 2013 của Libya mới được Quốc hội thông qua ngày 19/3/2013.
Tình hình chậm lương không được cải thiện có nguy cỡ làm tan vỡ thị trường lao động này. Không chỉ lao động Việt Nam bị ảnh hưởng và phải về nước, mới đây có khoảng 28 lao động Thái Lan được công ty Pleasure Manpower cung ứng cho chủ sử dụng Libya ở thành phố Sabha cũng đã phải về nước trước hạn vì bị chậm lương.
Xác nhận thị trường Libya đang có vấn đề phát sinh liên quan đến việc lao động bị chậm lương, Phó cục trưởng Cục QLLĐNN Lê Văn Thanh cho hay đơn vị này đã nắm được tình hình và đang chỉ đạo sát sao doanh nghiệp giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động. Ông Thanh cho rằng việc chủ sử dụng chậm lương của người lao động là rủi ro bất khả kháng do vậy rất cần sự chia sẻ, cảm thông của người lao động. Trường hợp người lao động không thể chờ đợi, doanh nghiệp sẽ phải đưa lao động trở về và phối hợp cùng đối tác giải quyết quyền lợi cho người lao động về tiền lương còn nợ cũng như các vấn đề khác theo đúng quy định của pháp luật.
Một số doanh nghiệp có lao động về nước trước hạn cho biết đang đặt vé máy bay và nỗ lực hết sức để đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi của người lao động, rất mong người lao động hiểu đây là rủi ro bất khả kháng và có sự cảm thông với doanh nghiệp.
Thống kê sơ bộ cho thấy, mặc dù mới “khai thông” thị trường trở lại được hơn 1 năm và đang làm thí điểm nhưng các doanh nghiệp đã đưa được hàng ngàn lao động sang thị trường này. Trong đó số lượng lớn nhất là công ty VITECH đã đưa sang được hơn 500 lao động.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Anh Phương