Lao động Việt Nam tại Malaysia ít vào được khu công nghệ cao

Từ năm 2004, Việt Nam đã triển khai đưa người lao động sang Malaysia, có thời điểm lên tới hơn 100.000 người. Hôm qua - 12/12, bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, PGS.TS.Nguyễn Hồng Thao đã chia sẻ với phóng viên về một số vấn đề xung quanh câu chuyện lao động Việt Nam tại Malaysia.

Từ năm 2004, Việt Nam đã triển khai đưa người lao động sang Malaysia, có thời điểm lên tới hơn 100.000 người. Hôm qua - 12/12, bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, PGS.TS.Nguyễn Hồng Thao đã chia sẻ với phóng viên về một số vấn đề xung quanh câu chuyện lao động Việt Nam tại Malaysia.

Cho rằng thị trường lao động tại Malaysia còn nhiều tiềm năng hấp dẫn, nhưng PGS.TS.Nguyễn Hồng Thao cũng thẳng thắn chỉ ra rằng lao động Việt Nam chưa hội tụ đủ điều kiện để khai thác hết các tiềm năng đó: “Hiện ở Malaysia có rất nhiều công xưởng sản xuất điện tử rất lớn cung cấp cho thế giới, nhưng lao động Việt Nam ít vào được khu vực đó, bởi chúng ta chủ yếu tuyển mộ lao động phổ thông giản đơn. Thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường đào tạo kỹ năng cho người lao động để tiến tới chiếm lĩnh thị trường lao động lớn hơn của Malaysia”.

PGS.TS.Nguyễn Hồng Thao.
PGS.TS.Nguyễn Hồng Thao.

Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Malaysia đang rất tốt

Ông đánh giá thế nào về tình hình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Malaysia?

Theo tôi, tình hình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Malaysia đang rất tốt, có chiều hướng thuận lợi vì Malaysia đang rất cần lao động phổ thông giản đơn, trong khi chúng ta lại có nguồn lao động dồi dào. Từ năm 2004, Việt Nam đã triển khai đưa người lao động sang Malaysia, có thời điểm lên tới hơn 100.000 người. Trong điều kiện hiện nay, khi mà thị trường xuất khẩu lao động của chúng ta bị hạn chế do điều kiện kinh tế thế giới, thị trường Malaysia là một trong những thị trường mà chúng ta cần phải duy trì.

Theo số liệu chính thức của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Malaysia, cho đến thời điểm này, chúng ta có 66.000 lao động đã đăng ký, trong đó bao gồm 43.000 lao động đăng ký hợp pháp và 13.000 lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia trong chương trình 6P (chương trình ân xá) đã cho phép đăng ký và lăn vân tay để quản lý một cách chặt chẽ hơn đối với số lao động bất hợp pháp. Chúng ta đang phối hợp với nước bạn để tạo điều kiện cho bà con nếu tiếp tục làm việc, nếu không sẽ đưa về Việt Nam một cách có trật tự. Đây cũng là dịp để chúng ta tăng cường công tác quản lý lao động.

Trong thời gian qua, chúng ta làm chưa tốt việc tổ chức, quản lý từ “đầu ra” trong việc lựa chọn lao động phù hợp với điều kiện làm việc và chưa dành nhiều thời gian đào tạo về văn hóa, phong tục tập quán cũng như một số kỹ năng sống khác cho lao động khi ra nước ngoài. Thậm chí có thời gian cơ quan quản lý lao động của chúng ta không nắm rõ được số lượng bao nhiêu lao động mà phó mặc cho các công ty, doanh nghiệp tuyển mộ lao động để các công ty, doanh nghiệp này vì lợi nhuận đã đưa một số lao động không phù hợp ra nước ngoài để xảy ra một số điều không mong muốn.

Nếu chúng ta làm tốt vấn đề quản lý lao động thì lượng người Việt Nam sang lao động ở Malaysia có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Có thể đạt mức lương 800 USD/tháng

Mức lương của người lao động Việt Nam tại Malaysia như thế nào, thưa Đại sứ?

Mức lương trả cho lao động ở Malaysia không thể cao bằng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, mà chỉ cao hơn ở Việt Nam một chút. Bình thường, trong 3 tháng đầu thử việc thì mức lương khoảng 300-400 USD/tháng. Sau đó, người lao động có thể làm việc thêm giờ, nâng cao tay nghề. Người nào thu nhập tốt cũng được khoảng 800 USD/tháng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng một số cơ quan, doanh nghiệp của Malaysia và một số cơ quan, doanh nghiệp đưa người đi từ phía Việt Nam đã làm hợp đồng không chặt chẽ, nên khi công nhân của chúng ta ký hợp đồng làm công việc này nhưng khi sang Malaysia lại làm công việc khác với điều kiện làm việc không được tốt, không như cam kết trong hợp đồng. Khi đó, Sứ quán Việt Nam phải can thiệp. Mặc dù chúng tôi đã rất nỗ lực, nhưng lượng công nhân Việt Nam rất nhiều và rải rác. Sứ quán đã phấn đấu để làm tốt vấn đề bảo hộ công dân trong thời gian qua và sẽ nỗ lực hơn trong thời gian tới.

Vậy điều kiện sinh hoạt của người lao động có được đảm bảo không?

Tôi đã trực tiếp đến thăm một số cơ sở. Nhìn chung, điều kiện cơ sở sinh hoạt tương đối tốt, trừ một vài trường hợp một số hợp đồng giữa ta và bạn không rõ ràng. Ngoài lương, nước bạn đảm bảo nhà ở, điện nước, sinh hoạt (miễn phí) cho người lao động. Malaysia cũng là một quốc gia có thu nhập bình quân tương đối cao trong khu vực nên điều kiện sinh hoạt, sinh sống của của bà con ta nếu tiết kiệm, chừng mực thì cũng tương đối đảm bảo.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Thủy Thu (ghi)

Đọc thêm