Với trâu bò mắc giòi, thuốc thú y có thể chữa vài tuần mới khỏi. Thế nhưng, ở một vùng quê miền Trung, người dân lại nhờ cậy một ông lão “làm phép”. Chủ nhân tìm đến nhà, miêu tả con gia súc của mình cho ông cụ lầm rầm khấn vái và chỉ 3 ngày sau đàn giòi sẽ bò đi hết...
Ai không tin câu chuyện này là thật, xin mời về gặp ông Trương Sở (80 tuổi, ngụ thôn Thạch Hàn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để kiểm chứng, 100% người dân địa phương sẽ khẳng định: “Chính xác”.
Kỳ nhân học lỏm
Bên chiếc lò than hừng hực lửa, cụ ông cho biết đã chữa bệnh “troi đục” (tên gọi địa phương về bệnh trâu bò mắc giòi - PV) từ hơn 30 năm nay, số lượng “con bệnh” thì nhiều đến mức không nhớ nổi.
Cụ Sở cho biết, cụ đến với nghề khá muộn, khi đã gần 50 tuổi. Ngày đó thôn Thạch Hàn này nhà nào nhà nấy đều nuôi trâu, bò từng đàn trong rừng. Chủ nhân cứ hai ba tháng mới vào thăm đàn gia súc một lần để chúng nhớ mặt. Nhiều người làng vào rừng trở về thường tá hỏa khi phát hiện nhiều con trâu bò do húc nhau bị thủng bụng, ruồi nhặng bâu vào sinh ra giòi, thịt thối rữa nhìn rợn người. Bệnh “giòi đục” nếu không chữa trị kịp thời sẽ ngày một lan rộng khiến súc vật chết dần chết mòn do hoại tử.
Cái khó là số lượng trâu bò nhiều, bắt những con bị hoại tử đã khó, lại còn lùa về làng để bôi thuốc, đắp lá thì có khi đã chết trên đường trước khi được chữa. Chẳng lẽ nhìn bao nhiêu vốn liếng chết dần chết mòn?.
Ngày đó, “sư phụ” của cụ Sở chuyên trị loại bệnh này, chủ gia súc bị bệnh chỉ cần tìm đến ông thầm thì vài câu và sau đó không biết “sư phụ” làm cách nào nhưng chỉ đúng 3 hôm sau, những con trâu, con bò bị bệnh sẽ tiết ra máu tươi ở vết thương khiến đàn giòi rụng đi, rồi vết thương khỏi dần.
Trước khi qua đời, vị “tổ sư” này có truyền lại bí kíp cho ông Sở và giờ đây người dân địa phương hễ có gia súc bị “giòi đục” lại gõ cửa nhà. Người làng gọi ông bằng cái tên phóng khoáng: “Kỳ nhân trên ốc đảo”. Tâm sự thật tình, cụ Sở tiết lộ có được biệt tài này nhờ… học lỏm. “Ngày ấy tui véo đầu nghĩ mãi không ra sư phụ làm cách nào mà trâu, bò nhanh khỏi bệnh đến vậy. Ngày nào tui cũng đi theo ông, rình xem sư phụ chữa bệnh như thế nào, làm phép lúc nào, ở đâu”, cụ Sở nhắc lại.
|
|
Cụ Trương Sở, người được cho rằng có khả năng chữa bệnh nhiễm khuẩn trâu bò bằng cây Ngái đã “làm phép”. |
Thế nhưng cụ Sở không thể lý giải được việc ngày ấy dù đã tiến hành y như hệt mà việc “làm phép” của mình thường không thành công. Sau này, khi “sư phụ” đã qua đời thì ông mới nghiệm ra, phải khi người dạy nghề mình qua đời, bí quyết ấy mới phát huy hiệu nghiệm. Câu chuyện rặt mùi huyền bí nhưng cụ ông 80 tuổi khẳng định một cách tỉnh táo: “Tin hay không tùy các chú thôi, hơn 30 năm nay tui chữa khỏi cả ngàn trường hợp rồi”.
Kiểu chữa bệnh kỳ dị
Theo lời cụ Sở, yếu tố quan trọng nhất nếu muốn chữa khỏi bệnh giòi đục cho gia súc là lòng tin. Nếu chủ gia súc bị bệnh có ý nghĩ nghi ngờ, cho rằng đây là trò mê tín dị đoan thì dù “làm phép” bao nhiêu lần cũng không khỏi.
Cụ thể, khi phát hiện gia súc bị bệnh, chủ nhân chỉ cần nắm rõ và khai báo một vài đặc điểm về con vật bị bệnh cho ông nghe như: Giống đực hay giống cái, vị trí bị nhiễm trùng, có giòi do húc nhau hay do cọ xát vào cây cối… Điều đặc biệt khác, phải đích thân chủ nhân của gia súc bị bệnh đến khai báo thông tin thì “phép thần” mới ứng nghiệm.
“Cụ chữa trị như thế nào, có sử dụng bài thuốc gia truyền nào không?”. Ông cụ cho biết không hề sử dụng bất kì thuốc men gì, chỉ “làm phép” một lần duy nhất bằng lá Ngái (giống cây thân cao, có quả gần giống cây Sung – PV). “Sau khi nắm sơ qua đặc điểm con vật bị bệnh, người chữa trị phải có trí tưởng tượng. Lúc đó gốc cây, vách tường đều trở thành con vật đứng trước ngay mắt. Tôi xác định vị trí trâu, bò bị “giòi đục” rồi làm dấu tương ứng lên thân cây, tường nhà và dán lá Ngái vào đó. Nếu giống đực thì dán 7 lá còn giống cái dán 9 lá.
Chỉ cần làm phép một lần duy nhất, đúng 3 ngày sau bầy troi sẽ đua nhau rơi ra ngoài, vết thương lành lặn trở lại bình thường”, cụ Sở khẳng định. Còn “làm phép” cụ thể ra sao, cụ viện cớ nếu nói ra sẽ mất linh nên xin được giữ kín.
Ghé quán nước đầu thôn, người viết trong tâm trạng nghi ngờ nên không thể giấu kín câu chuyện ngỡ như bịa này làm “của riêng”. Cụ Huỳnh Văn Hệ, một người dân trong thôn từng nhiều lần nhờ cụ Sở chữa bệnh cho đàn trâu xác nhận: “Năm 2000, con trâu kéo nhà tui húc nhau bị thương ở mông, vết thương sau đó lở loét rộng ra, xuất hiện cả troi. Biết tiếng ông Sở nên tui nhờ chữa hộ, đúng 3 hôm sau máu tươi tiết ra từ vết thương, bầy troi rơi theo từng mảng thịt thối bị hoại tử ra ngoài và con trâu bình phục dần”.
Thậm chí mới tuần trước, con chó nhà ông Hệ bị lở loét ở chân cũng được thầy Sở “làm phép” chữa khỏi một cách kỳ diệu. Thấy chúng tôi chưa tin lắm, anh Hà Văn Lành (ngụ thôn La Khê Trẹm) ngồi gần đó cũng xác nhận: “Cụ Sở cũng đã chữa khỏi bệnh “troi đục” ở bò nhà tui đó, không biết cụ làm cách gì nhưng quả đúng nhanh khỏi lắm”.
Thử nghiệm cả cho… người
Nhiều năm trước đây, ngày đó thôn làng còn khốn khó, biệt tài này của cụ Sở thậm chí từng được thử nghiệm cho… người.
Dân làng kể lại, năm đó cụ bà tên Chánh người thôn Thạch Hàn ốm liệt giường mà không có tiền đi viện. Cụ nằm lâu đến nỗi cục u trên đầu bị loét, hình như có cả troi hay rận gì đó. Biết chuyện cụ Sở làm phép được cho trâu bò, người nhà bệnh nhân liền nảy ra ý nghĩ: “Ông ấy đuổi được giòi trên trâu bò, biết đâu lại đuổi được cả cho người” nên tìm đến năn nỉ ông “thử nghiệm” giúp. “Thần y” này thú thật đó là lần đầu tiên ông “làm phép” đối với thân thể con người nên không tự tin lắm, chỉ hứa cố hết khả năng của mình.
Chắc chắn cụ Sở không thể bịa đặt bởi cả thôn Thạch Hàn, trong đó có người nhà cụ Chánh đều nhớ lại họ không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến vết thương lành lặn nhanh đến kì diệu chỉ vài ngày sau lúc ông lão lẩm nhẩm khấn vái với mấy cái lá cây quái quỷ. Tiếng tăm ông lão nâng lên một bậc từ đó, và đến giờ người làng vẫn nhắc đến kỳ tích ấy như một huyền thoại trên vùng đất nằm lọt giữa lòng sông Hương.
Kiểu chữa bệnh kỳ lại này cũng khiến có người không tin nên mắc lỡm. Đó là chuyện vài năm về trước, ông chủ một đàn bò thấy gia súc của mình bị giòi đục, hớt hải chạy chữa thuốc men đủ kiểu nhưng không khỏi. Thấy vậy chàng trai chăn bò mới sực nhớ : “Trên Thạch Hàn có ông thầy chuyên chữa trị bệnh này, không cần nhìn thấy trâu bò nhưng ông có thể chữa khỏi”.
Đang bực tức nên nghe câu chuyện tưởng như hoang đường này, ông chủ “nổi giận lôi đình” chửi chàng chăn bò một trận không kịp vuốt mặt: “Tao đang lo muốn chết, mày lại nói chuyện bậy bạ”. Thấy ông chủ mắng oan mình, chàng chăn bò gân cổ cãi: “Ông dám cá cược không? Nếu đúng thì ông phải thưởng tôi một triệu đồng. Nếu sai thì tôi chăn bò không công cho ông hai tháng”. Dĩ nhiên ông Sở chữa khỏi bệnh cho đàn trâu thật và người chủ đàn gia súc “tâm phục khẩu phục”.
Ngày nay trâu bò ở địa phương đã ít đi nhiều, những trường hợp cần cụ Sở “ra tay” cũng không nhiều nữa. Cũng vẫn có những người chưa chứng kiến thì cho rằng đó chỉ là trò “bùa phép mê tín dị đoán” nhưng kể cả có nói với cụ điều này, cụ Sở chỉ im lặng không giải thích.
Thi thoảng có người nhớ đến ơn cụ liền ghé nhà biếu gói trà hộp bánh làm quà, người ta lại xuýt xoa chuyện cụ “làm phép” nhưng chưa một lần trong đời nhận tiền bạc của ai. Cụ bộc bạch “chuyện vặt đó giúp nhau là quý rồi, nhận tiền thì chẳng có tình nghĩa gì, mà biết đâu có khi nhận tiền thì “phép” lại “mất thiêng””.
Theo Pháp luật & Thời đại