Tài sản của người dân đổ xuống biển do tư thù?
Bà Ngô Thị Hồng Phước (khu phố 1, phường Phước Lộc, TX.La Gi) phản ánh, từ năm 2007, bà đến Ban quản lý (BQL) Cảng cá La Gi xin được cơi nới thêm mặt bằng ra phía biển theo bờ kè để tiện cho tàu cá lớn vào lấy đá lạnh đi đánh bắt xa bờ. Dù chưa được đồng ý nhưng do tình hình kinh doanh và phục vụ tàu cá cấp bách, bà đã cơi nới khoảng 18m2, nhưng BQL và chính quyền địa phương không nói gì.
Đến khoảng cuối năm 2013, cán bộ phường Phước Lộc xuống kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và ngày 27/1/2014, Chủ tịch UBND phường này ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng và buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Cùng ngày, Chủ tịch UBND phường ban hành tiếp quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Bà Phước đã nộp phạt 4 triệu đồng, nhưng chưa tháo dỡ phần diện tích vi phạm nên ngày 10/2/2014, Chủ tịch UBND phường Phước Lộc ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Và ngày 19/3/2014, UBND phường Phước Lộc phối hợp với Thanh tra Xây dựng TX.La Gi đến địa điểm kinh doanh của bà Phước đo đạc lại, trong đó có cả diện tích bà đã sử dụng từ năm 2007. Tuy nhiên, không biết căn cứ vào đâu mà chính quyền tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính buộc bà Phước phải tháo dỡ thêm 4m2 nữa?
Điều không bình thường nữa là bà Phước lại bị UBND TX.La Gi ban hành Quyết định 60 ngày 25/3/2014 xử phạt 20 triệu đồng và trong vòng 5 ngày phải nộp đủ số tiền phạt vào Kho bạc TX.La Gi. Chấp hành nộp phạt, nhưng bà Phước đã làm đơn khiếu nại quyết định xử phạt “lạ lùng” của Chủ tịch TX.La Gi. Trong khi chưa nhận được trả lời thì ngày 15/5/2014, bà Phước tiếp tục nhận được quyết định về việc “Cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính” của Chủ tịch TX.La Gi.
Điều đáng nói là chiều 04/6/2014, tại Văn phòng HĐND – UBND TX.La Gi, bà Trần Thị Thi (chuyên viên văn phòng) đã làm việc với bà Phước để xác định lại nội dung khiếu nại. Sau đó bà Phước chấp thuận rút đơn và xin được giữ lại mặt bằng và cam kết khi nào Nhà nước có nhu cầu xây dựng công trình, bà sẽ tự tháo dỡ trả lại mặt bằng không đòi hỏi bất cứ điều gì.
Cuối buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường và Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố I đến vận động bà Phước tháo dỡ trả lại mặt bằng, tuy nhiên khi nghe bà Phước trình bày hoàn cảnh, đại diện Hội Phụ nữ và Mặt trận đã hướng dẫn bà Phước làm đơn xin tồn tại thêm 4 tháng để hoạt động kinh doanh trả nợ.
Trong khi bà Phước đang chờ sự trả lời từ các cấp chính quyền, thì chiều 12/6/2014, bất ngờ lực lượng liên ngành của phường, thị xã đưa xe múc đến cưỡng chế. Trong lúc cưỡng chế, lực lượng đã cho xe múc cào xuống sông gần hai ngàn cây nước đá của bà Phước, làm rách 320m2 tấm bạt dùng lót và che đậy nước đá. Không những thế, đoàn cưỡng chế còn “tha” luôn 2 máy xay nước đá cây đưa lên xe chuyển đi đâu không biết (?). Theo bà Phước, tài sản thiệt hại qua việc cưỡng chế này lên đến gần 90 triệu đồng.
Bất hợp tác với báo chí
Để có thông tin hai chiều, chúng tôi đã đến gặp ông Huỳnh Đức Mai - Phó Giám đốc Cảng cá La Gi, người trực tiếp tham gia đoàn cưỡng chế về việc bà Phước tố cáo ông Mai cùng Chủ tịch phường Phước Lộc ra lệnh cho xe múc cào hai ngàn cây đá xuống biển, nhưng ông Mai “hùng hồn” không tiếp nhà báo khi chưa có lệnh của cấp trên rồi bỏ ra ngoài đứng chống nạnh gọi điện thoại. Cũng như ông Mai, ông Huỳnh Ngọc Xuân - Chủ tịch UBND phường Phước Lộc cũng có động thái gây khó khăn, bất hợp tác và xua đuổi phóng viên khi đề cập đến thiệt hại gần hai ngàn cây nước đá và tài sản của bà Phước.
Qua vụ việc trên, chúng tôi thấy rằng, cơ quan chức năng ở đây chưa thực sự gần dân, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân làm ăn buôn bán, nhất là việc phục vụ đá để ngư dân đánh bắt cá xa bờ phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương…