Lấp khoảng trống trong đào tạo quản trị truyền thông

(PLO) - Đào tạo Báo chí- Truyền thông hiện tại của Việt Nam hiện nay khách quan mà nói nó vẫn còn những khoảng cách xa vời so với thế giới, nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin gắn với truyền thông đa phương tiện. Một khía cạnh khác, các ngành nghề mới mẻ trong lĩnh vực này gắn với nhu cầu ngày càng cao của xã hội như quản trị truyền thông cũng là một khoảng trống về nguồn lực. Khi khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra từ một doanh nghiệp cho đến một quốc gia, thì việc nắm bắt, có kiến thức và kỹ năng xử lý nó là một yêu cầu bức thiết. Đâu là lời giải cho bài toán này, PLVN có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Thị Thu Hương- Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông- Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lấp khoảng trống trong đào tạo quản trị truyền thông

- Thưa PGS. TS Đặng Thị Thu Hương, có thể nói trong việc đào tạo tạo chuyên ngành Báo chí- Truyền thông hiện nay vẫn có những khoảng trống chuyên ngành chưa được lấp đầy, trong khi nhu cầu thực sự của xã hội lại rất cao, quản trị và xử lý khủng hoảng truyền thông là một ví dụ. Xin PGS cho Pháp luật Việt Nam Chủ nhật biết ý kiến của mình về vấn đề này?

PGS. TS Đặng Thị Thu Hương: Trong thời đại số, truyền thông bùng nổ với một tốc độ chóng mặt, đặt tất cả các doanh nghiệp, tổ chức vào một cuộc chơi không thể cưỡng lại. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhờ truyền thông mà xây dựng được hình ảnh, khẳng định được vị thế phát triển của mình, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức gặp sự cố, và không xử lý khéo khủng hoảng truyền thông dẫn đến hao tổn, thiệt hại về tài chính, uy tín, thậm chí phá sản. Trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp có thể gặp sự cố như  phi công của một hãng hàng không quốc gia cáo ốm đồng loạt, ghi sai hóa đơn tiền điện, đưa hành khách đi Đà Lạt nhầm sang Nha Trang, bị phát hiện có hàng chục tấn hương liệu quá đát trong kho dùng để sản xuất sản phẩm đồ uống,...
Ngay cả cơ quan báo chí cũng có thể gặp sự cố trên truyền thông, như về nghi án dàn xếp kết quả của một chương trình truyền hình thực tế, vụ việc liên quan đến tuổi của một cầu thủ bóng đá U19, hay mới gần đây là việc thí sinh dự thi tài năng uống nhầm axit… Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp, tổ chức nào cũng tìm cho mình giải pháp xử lý khủng hoảng truyền thông hữu hiệu. Nguyên nhân một phần do hạn chế của đội ngũ những người làm truyền thông. Những kỹ năng về quản trị truyền thông của các cán bộ lãnh đạo và nhân viên chuyên trách chủ yếu là những trải nghiệm từ kinh nghiệm thực tế hơn là tiếp thu từ một hệ thống kiến thức chuyên biệt và một cách tiếp cận dựa trên tri thức khoa học. Chưa có cơ sở đào tạo nào về báo chí truyền thông ở Việt Nam đào tạo về ngành Quản trị truyền thông. Chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi phối hợp với Đại học Stirling (Anh) xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ Quản trị truyền thông.
- PGS vừa nói sắp tới ở chính tại Khoa Báo chí và Truyền thông sẽ mở ngành đào tạo Thạc sỹ Quản trị truyền thông liên kết quốc tế với ĐH Stirling(Anh), PSG có thể nói rõ hơn về chương trình đào tạo này không?
PGS. TS Đặng Thị Thu Hương: Chương trình đào tạo này hiện đang được đại học Stirling, một trong những cơ sở đào tạo thạc sỹ về truyền thông đầu tiên và uy tín nhất Anh quốc giảng dạy tại Anh. Vì vậy, học viên theo học chương trình này ở Hà Nội sẽ được trang bị các kiến thức và kĩ năng theo chuẩn quốc tế, để có thể thích ứng được với những thay đổi chưa từng có của ngành công nghiệp truyền thông hiện nay, nhưng với chi phí tiết kiệm được một nửa.
Nội dung chương trình đã được các giáo sư và chuyên gia Anh thiết kế và liên tục cập nhật trong nhiều năm qua, và được cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phát triển của ngành truyền thông tại Việt Nam và trong khu vực. Nhiều học phần rất thiết thực cho người làm nghề như Truyền thông tập đoàn, Truyền thông marketing tích hợp, Kinh tế truyền thông, hay Công nghệ quan hệ công chúng hiện đại. Hoàn thành khóa học này, học viên sẽ được cấp bằng Thạc sỹ của Đại học Stirling.
 
- Như vậy chắc chắn thí sinh sẽ phải học bằng tiếng Anh, vậy chuẩn đầu vào và cách thức tuyển sinh thế nào, thưa PGS?
PGS. TS Đặng Thị Thu Hương: Cách thức tuyển sinh của chương trình này là xét hồ sơ, và chúng tôi nhận hồ sơ từ tháng 2/2015 cho khóa học bắt đầu vào tháng 5 năm nay. Chương trình được các giáo sư của đại học Stirling giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh, nên học viên cần có trình độ tiếng Anh, tối thiểu, đạt chuẩn B2 theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR) hoặc tương đương (IELTS 5.5, TOEFL BPT 500, CBT 173, iBT 61, TOEIC 600…). Ứng viên có thể được miễn chứng chỉ tiếng Anh nếu có bằng cử nhân, thạc sĩ, hoặc tiến sĩ chuyên ngành tiếng Anh; hoặc tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài và học bằng tiếng Anh.
Ứng viên cũng cần đáp ứng tiêu chí về bằng cấp, hoặc là có bằng đại học các ngành: báo chí, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng. Hoặc tốt nghiệp đại học ngành khác, có kinh nghiệm làm việc liên quan tới báo chí – truyền thông tối thiểu 01 năm và phải có chứng chỉ hoàn thành khóa học chuyển đổi, do khoa Báo chí và Truyền thông tổ chức.
- Về phía Khoa và Trường đã chuẩn bị thế nào và vai trò của Khoa trong chương trình hợp tác đào tạo này là gì, thưa PGS?
PGS. TS Đặng Thị Thu Hương: Khoa Báo chí và Truyền thông cùng với đối tác là Đại học Stirling đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho chương trình về cơ sở vật chất, đội ngũ điều hành chương trình và hệ thống học liệu. Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí – Truyền thông của trường được đầu tư hàng chục tỷ đồng nên có các trang thiết bị hiện đại, từ hệ thống trường quay, các phòng dựng, cho tới các phòng học đa phương tiện. Bên cạnh đó, học viên của chương trình sẽ được cấp tài khoản để truy cập và khai thác tất cả các học liệu trực tuyến của Đại học Stirling.
Khoa Báo chí và Truyền thông sẽ hỗ trợ tối đa cho học viên để có thể hoàn thành khóa học này như cử trợ lý chuyên môn hỗ trợ học viên trong các môn học, mời các giáo sư và chuyên gia truyền thông hàng đầu ở Việt Nam tới giảng dạy và nói chuyện chuyên đề cho học viên.
- Có thể xem đây là một trong những bước đi tiên phong, PGS có thể nói đôi chút về kỳ vọng của mình trong các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế tiếp theo?
PGS. TS Đặng Thị Thu Hương: Điểm ưu việt của các chương trình đào tạo liên kết quốc tế này là chúng ta có thể tận dụng và khai thác thế mạnh và thành tựu của đối tác, nhất là đối với những ngành còn mới mẻ tại Việt Nam như Quản trị truyền thông. Liên kết đào tạo quốc tế với những thương hiệu đào tạo có uy tín thế giới như Đại học Stirling sẽ góp một phần đáng kể để giải quyết bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao tại nước ta hiện nay. Chúng tôi hi vọng sự thành công của chương trình đào tạo này sẽ mở ra những cơ hội mới cho các chương trình hợp tác quốc tế trong tương lai. Đó là những cơ hội để tất cả chúng ta hội nhập với thế giới.
- Trân trọng cảm ơn PGS. TS Đặng Thị Thu Hương về cuộc phỏng vấn  này!

Đọc thêm