Đánh rơi lòng trắc ẩn, sự tĩnh lặng
Mấy ngày nay, cô mua xe máy, điện thoại cho bác xe ôm khốn khó, rồi kêu gọi được gần 200 triệu đồng giúp nạn nhân bị rắn hổ mang chúa cắn đang chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Cô gái khiến vạn người ngưỡng mộ đó là Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi), từng là du học sinh tại Úc từ năm 16 tuổi. Tháng 8/2019, Phương về Việt Nam và phụ công việc kinh doanh của gia đình.
Cô gái thiên thần Trúc Phương (TP.HCM) và người vợ bệnh nhân bị rắn cắn nguy kịch. |
Ở lần trước, chỉ sau một đêm kêu gọi qua Facebook, Phương bất ngờ khi nhận được hơn 100 tin nhắn giao dịch tài khoản của các nhà hảo tâm ủng hộ giúp ông Hải. Sau đó, Phương dẫn ông Hải đi mua xe, đăng ký biển số, mua điện thoại và dẫn ông đi siêu thị để mua những đồ dùng cần thiết. Những cập nhật trên trang cá nhân của cô được theo dõi và chia sẻ cực lớn.
Mới đây, thấy gia cảnh khó khăn của người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn nguy kịch, Phương lần nữa đứng ra kêu gọi giúp đỡ. Lần này sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều, với nhiều khoản quyên góp từ các tài khoản lạ, giấu tên.
Tính đến ngày 23/8, số tiền quyên góp cho anh T. là 184,424 triệu đồng, trong đó đã trích ra 100 triệu đồng đóng viện phí cho anh T. “Hiện tại, tôi đợi người nhà của chị Tuổi (vợ người đàn ông bi rắn cắn) mang giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng và đến ngân hàng để sao kê chuyển khoản tất cả tiền cho chị và mở sổ tiết kiệm cho 2 cháu đi học sau này”, Phương nói.
Tuy nhiên, cuộc sống của cô bị đảo lộn ít nhiều sau khi được biết đến nhiều qua mạng xã hội. Từ một người kín tiếng và thường âm thầm giúp đỡ những hoàn cảnh có khăn, hiện Phương nhận nhiều tin nhắn và cuộc gọi trong ngày từ những người muốn giúp đỡ người khác và cả người đang cần sự giúp đỡ.
Dẫu có nhiều ý kiến trái chiều về người đàn ông xả thân bắt rắn hổ mang chúa để lấy tiền sửa soạn cho con vào năm học mới, cũng như có những miệng lưỡi cay nghiệt nói cô gái trẻ “làm màu”. Và giữa hàng ngàn lời cảm thán “adi đà Phật” về hoàn cảnh đáng thương hơn đáng giận của những phận người khốn khó. Có lòng trắc ẩn nào trở thành hiện thực như cô gái trẻ đã làm với những người dưng hoàn toàn xa lạ?
Thực tế trên mạng xã hội cũng như trong cuộc sống, hầu như ai cũng nói về từ bi, hỉ sả, rất nhiều người ăn chay niệm Phật. Thế nhưng, giữa lời nói và hành động lại không mấy liên quan.
Đơn cử, chuyện về một đôi vợ chồng già, bà lão đều đặn mỗi buổi chiều đều làm lễ, gõ mõ, tụng kinh, còn ông lão thì thích lao động và ngắm nhìn thiên nhiên.
Bà lão là một người khó tính và sạch sẽ, còn ông lão hiền lành, nhưng rất hay đánh rơi đồ. Bà lão ngày nào cũng phải nhắc ông: “Ông đánh rơi thứ gì kìa”.
Đôi lúc bà đang ngồi thiền hay tụng kinh, ông lão lại làm rơi đồ tạo ra tiếng động lớn, khiến bà giật mình và khó chịu. Lúc đó, bà lại quay ra trách móc ông, song ông lão không phản ứng gì cả.
Việc đó cứ lặp đi lặp lại, cho tới một hôm, hai ông bà đang cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, ông lại làm rơi đồ. Lần này, bà lão mắng ông rất thậm tệ… Ông nghe bà mắng xong, liền nhẹ nhàng nói: “Bà đánh rơi thứ gì kìa!”…
Bà lão giật mình nhìn quanh mà không thấy thứ gì, lại quay lại lớn tiếng với ông: “Tôi rơi cái gì?”.
Ông từ tốn đáp: “Bà đánh rơi sự bình an, sự tĩnh lặng của bà. Cuối mỗi ngày, bà lại đều đặn tìm sự bình an của mình bằng tụng kinh hay gõ mõ, rồi bà làm đánh rơi nó ngay lập tức mà chẳng hề nhận ra”...
Câu chuyện cảm động, cho dù là có thật hay không, ta tìm thấy hi vọng, thấy tình yêu, thấy niềm tin, lòng can đảm, sự nhân hậu và cả những may mắn tình cờ như thể được an bài từ kiếp trước! Người xưa thường nói rằng: Mỗi một người có mặt ở trên đời này đều là vì có phúc báo nên mới có thể sống để đi qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc đời...
Cửa chùa rộng, mà lòng người hẹp?
Nhà văn Kiều Bích Hậu kể về những trăn trở của mình: Cả nhà tôi đi chùa Hương, bé Ớt nhà tôi 11 tuổi, một trẻ con thành thị điển hình chỉ biết gắn chặt với màn hình vi tính và những điệu nhảy hip-hop hiển nhiên ậm ạch khi vừa phải leo núi vừa chen chúc…Bé hỏi luôn: “Mẹ ơi mình phải leo núi thế này để làm gì?”. Tôi trả lời không cần suy nghĩ: “Để đi lễ Phật con ạ”.
Bé lại hỏi: “Phật ở đâu hả mẹ?”. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi chọn câu trả lời cho có vẻ gần gũi một chút: “Phật trong tim mình con ạ. Khi con phải lựa chọn giữa hai việc tốt và xấu, mà con dám chọn việc tốt để làm, cho dù khó khăn, thì khi ấy con đã có Phật ở trong mình.”…
Một lần, tôi vào miền Trung, cầy cục tìm vào tận nhà anh Lê Nuôi, người từng một thời là chồng của nghệ sỹ Lê Vân. Anh có một biệt thự tuyệt đẹp ven sông, và ngôi biệt thự này không bao giờ đóng cửa, bất cứ người nào dù quen biết anh hay người lạ, đều có thể vào nhà anh tá túc, ở chơi, thức ăn có trong tủ lạnh, tự nấu, tự ăn, ở rồi đi tự do như nhà mình. Có lẽ vì cái tình hiếm có đó của anh, mà ngôi biệt thự dù không có bảo vệ, dù mở cửa thông thoáng đêm ngày, nhưng không bao giờ mất trộm.
Trong khuôn viên biệt thự, anh trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều đồ lưu niệm đẹp đẽ và giá trị, người nào đến ở, nếu thích có thể lấy đi để giữ làm của riêng, nhưng không được lấy đi bán. Cũng có người đến lấy đi, nhưng lại có người khác mang đến tặng anh những thứ khác, và ngôi biệt thự góc nào ta cũng có thể ngắm say sưa, vì những món đồ, những điều đẹp đẽ ngự trị...
Trò chuyện với Lê Nuôi, tôi thấy anh vô cùng bức xúc về chuyện có những chùa chiền, nhà thờ, giờ đây mọc lên trên khắp đất nước chúng ta, xây cao to đẹp đẽ với số tiền lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ mỗi ngôi chùa, nhưng tối đến thì lại khoá kỹ kín cổng cao tường, kẻ thất cơ lỡ vận không nhà không cửa chẳng vào được cửa Phật để tá túc, phải nằm ghé mái hiên lạnh lẽo bên ngoài! Vô lý lắm thay! Cửa chùa rộng mà lòng người lại hẹp!
Và tin vào những điều đẹp đẽ
Là những bác sỹ nổi tiếng, họ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn luôn có những chia sẻ ấm áp, lạc quan, tràn đầy năng lượng và tình yêu cuộc sống. Bác sỹ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội) kể về một niềm vui nho nhỏ trong ngày. Ấy là, rất nhiều lần, bệnh nhân đi khám- đi mổ thiếu tiền bác sỹ cho mượn và hỗ trợ một phần với mong muốn bệnh nhân không bị lỡ mất cơ hội chữa trị kịp thời.
Và lần này cũng vậy, buổi khám hơn một tháng về trước, chị vào kết luận phim chụp với khuôn mặt buồn rười rượi vì bị ai đó lấy mất hết tiền. Giờ vào gặp bác sỹ tư vấn nhưng chưa biết lấy tiền đâu để mua thuốc cũng như tiền xe về quê ở Quỳnh Lưu-Nghệ An. Động viên chị bình tĩnh, tư vấn kết luận kê đơn xong, bác sỹ biếu chị số tiền đủ để chị mua ít thuốc và tiền xe về quê. Câu chuyện qua đi và bác sỹ Khánh cũng không còn nhớ.
Rồi hôm nay, sáng sớm đầu tuần, chị là một trong những người đầu tiên bước vào khám. Chị nhắc lại câu chuyện hơn một tháng về trước rồi rụt rè đưa tiền ra mong muốn được gửi lại. Dù số tiền không lớn và cũng lần thứ hai nói với chị là bác sỹ biếu chị để mua thuốc… Nhưng bác sỹ thấy rất vui vì sự tử tế và sống ơn nghĩa với nhau giữa con người... Bởi với bác sỹ Khánh, “ sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình”…
Đó là bác sỹ Dương Minh Tuấn (Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội), một bloger chia sẻ những trắc ẩn, những khoảng lặng khi phải đối diện với những nỗi đau của bệnh nhân: Leukemia cũng tìm đến một bà mẹ trẻ 26 tuổi vào một ngày chẳng đẹp trời, khi em vừa sinh xong đứa con đầu lòng cách đây một tuần. Có vẻ như em không hề hay biết về bệnh tình của mình trước đó, chỉ cho tới khi mang bầu, rồi sinh nở, khó thở, sốt cao liên tục, các mảng xuất huyết đầy khắp người,... Em không khóc, em hay cười, vui vẻ và mạnh mẽ, em tin rằng mình sẽ còn sống cho tới khi con gái của em đi lấy chồng, và em sẽ còn đủ sức chơi với các cháu nữa. Bạch cầu thấp đã hơn tuần, các cơn sốt vẫn dai dẳng, tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng hơn, em được chuyển đến một phòng bệnh riêng, vô trùng, cách biệt. Khát khao sống mạnh mẽ cuối cùng cũng không thể chiến thắng, bố em bế con gái của em đứng chờ xe đến đón, chú mắt đỏ hoe bồng cháu: “Mẹ chuẩn bị về với Bon rồi”.
Cái khoảnh khắc khi hai cô chú ôm nhau khóc ròng, rồi chú ký hồ sơ xin cho con trai được chuyển về nhà sống những giờ phút cuối cùng, nó bóp nghẹn tim mình. Cậu bé rất khôi ngô, thông minh và hóm hỉnh, thường vác theo chai dịch chạy quanh khắp khoa trêu đùa với mọi người để các bác sĩ phải nhắc nhở. Thỉnh thoảng cậu cũng hay lắc đầu nhìn trêu mình: “Bác sĩ Doraemon quá bác sĩ ạ!”, mình cũng đùa lại “Không béo được như anh nên ghen tị hả?”, thế là cậu cười phá lên. Sáng hôm mưa bác sĩ điều trị bảo mai cậu có thể ra viện được rồi, xong đêm đó chẳng ai gọi cậu dậy được nữa, xuất huyết não đã lan rộng quá rồi và chẳng có dấu hiệu dừng lại...
Có chứng kiến biết trăm nghìn cái chết cũng không đủ để người ta chai sạn với nỗi buồn đau khắc khoải trong lòng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, hàng ngày vẫn có người mất đi, và có người sinh ra, và bởi vì tin rằng như thế nên mình thấy cái mất chẳng bao giờ mất hẳn, mặc dù nó để cho người ở lại thật nhiều thương đau. Mình luôn quá yêu và quá biết ơn cuộc đời này đã cho mình may mắn còn lành lặn, còn được sống và được yêu thương. Và mình tin một ngày nào đó, còn có duyên, nhất định mình sẽ gặp lại những người thân, những bệnh nhân đã ra đi, dưới một hình dáng khác; mỉm cười được với nhau một cái, cảm giác rất thân quen, thế là cũng đủ tuyệt vời rồi...