Lập mạng lưới các tổ chức xã hội để hỗ trợ cho trẻ em nạn nhân của COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Đề xuất này được đại diện nhiều doanh nghiệp và tổ chức xã hội đưa ra tại hội thảo “Dấu ấn doanh nghiệp có trách nhiệm trong đại dịch COVID-19” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp tổ chức mới đây.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Là một nhà giáo dục, doanh nhân tích cực trong các hoạt động hỗ trợ trẻ em, bà Tô Thuỵ Diễm Quyên Chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, CEO InnEdu cho biết: “Chúng ta không thể đem trẻ em thành món hàng chỉ để xin tiền hỗ trợ, đây không thể là phương án lâu dài. Nguyên tắc của thành công là chia sẻ, vì vậy tôi đề xuất Cục Trẻ em điều phối để thành lập mạng lưới các tổ chức xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em và xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ các em”.

Ông Hoàng Đức Minh Giám đốc bộ phận gây quỹ - Ví điện tử MoMo chia sẻ về hoạt động trách nhiệm xã hội của Ví điện tử MoMo: “Gây quỹ thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng là một mảng hoạt động được chú trọng tại Ví MoMo. Gần đây nhất, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, MoMo đã thực hiện chiến dịch Việt Nam yêu thương hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID19. Về hoạt động hỗ trợ lâu dài, MoMo có thể giúp kết nối giữa các dự án và cộng đồng, thời gian và mức quyên góp linh hoạt theo thời gian và hoạt động của dự án”.

Về vấn đề vận động quyên góp, ông Minh nhấn mạnh: “Các nhà tài trợ hoặc cộng đồng nên tài trợ, đóng góp cho các tổ chức chuyên nghiệp, có tư cách pháp nhân hoặc nền tảng uy tín.”

Phản hồi ý kiến, bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH bày tỏ: “Chúng tôi đã tổng hợp được rất nhiều thông tin của những cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ trẻ em trong đại dịch Covid-19. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng mong muốn lắng nghe ý kiến của các bên liên quan để đưa ra những chính sách, biện pháp hỗ trợ trẻ em tức thì và các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng đưa ra các chương trình để hỗ trợ trẻ em sớm nhất có thể. Một trong những chỉ đạo, nhiệm vụ quan trọng của Bộ LĐTBXH là hỗ trợ lâu dài cho trẻ em và gia đình để trẻ em được bảo vệ và được sống cùng gia đình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ".

Kể từ xuất hiện vào đầu năm 2019, đại dịch COVID-19 đã gây nên những ảnh hưởng và tác động tới toàn thế giới trên mọi lĩnh vực: kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế,.. Đặc biệt, trẻ em vốn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nay lại các chịu những tác động nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch mang lại: bị hạn chế trong việc đến trường, các hoạt động vui chơi, giải trí, chịu ảnh hưởng từ những tổn thất về kinh tế, thậm chí chịu những tổn thương về tâm lý khi mất đi người thân. Thực tế cho thấy, ngoài các chính sách hỗ trợ rất kịp thời của nhà nước, còn cần có sự chung tay hỗ trợ đến từ các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức xã hội, doanh nghiệp.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, trong Công ước LHQ về Quyền trẻ em có các nguyên tắc để các doanh nghiệp và các tổ chức có thể áp dụng trong việc bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là nguyên tắc về hỗ trợ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Do đó, sự đồng hành và hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân tới trẻ em mồ côi nên được điều phối thật tốt để có thể hỗ trợ cho trẻ được chăm sóc trong môi trường gia đình. Những hỗ trợ này phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Công ước LHQ về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em 2016 và các văn bản pháp lý khác có liên quan.

Đọc thêm