Theo cáo trạng, năm 2010 Tuyến là Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Phát (Cty Đại Phát - có trụ sở tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) có mối quan hệ thân thiết với vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Khoát (SN 1957), bà Nguyễn Thị Bích Ngà (SN 1967) đều trú tại Trần Phú, Đông Ngàn, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh.
Sau đó, Tuyến đã nói với vợ chồng ông Khoát là đã thuê được 5.000m2 đất tại khu công nghiệp HANAKA (thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn HANAKA (Cty HANAKA) – có trụ sở tại TX Từ Sơn). Nếu như vợ chồng ông Khoát có nhu cầu, Tuyến sẽ mua giúp 1.000m2 với giá 1,2 triệu/m2 để cùng nhau xây dựng xưởng cho thuê, kiếm lời lớn và được vợ chồng ông Khoát đã đồng ý.
Khoảng 16h ngày 3/10/2010, Tuyến cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hương đến nhà vợ chồng ông Khoát. Tại đây, bà Ngà đã trực tiếp giao cho Tuyến 1,2 tỷ đồng. Tuyến viết giấy biên nhận và lấy tư cách là đại diện Cty Đại Phát ký rồi đưa cho bà Ngà cất giữ. Đến tháng 6/2012, do không thấy Tuyến giao đất như cam kết và có sự né tránh kéo dài thời gian nên vợ chồng ông Khoát đã đến Tập đoàn HANAKA hỏi và phát hiện ra Tuyến không liên doanh, liên kết và không có bất kỳ mét đất nào.
Sau đó, vợ chồng ông Khoát đã tìm gặp Tuyến nhiều lần để đòi tiền nhưng Tuyến lẩn tránh không trả và không thừa nhận việc viết giấy nhận tiền của vợ chồng ông Khoát. Đến ngày 1/7/2013, vợ chồng ông Khoát đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Tuyến gửi CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh như đã nêu ở trên.
Ngày 19/8/2014 TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuyến 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điểm a, Khoản 4 Điều 139, Điều 33, Điều 42 BLHS; Điều 228 BLTTHS.
Cấp sơ thẩm “bỏ lọt” nhiều chứng cứ
Tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (người bào chữa cho bị cáo Tuyến) đã cung cấp chứng cứ liên quan đến giấy biên nhận ngày 3/10/2010 do bị cáo Tuyến ký nhưng không được HĐXX xét đến.
Cụ thể: “ Bà Vũ Thị Hòa (SN 1960, trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có mối quan hệ quen biết với vợ chồng bị cáo Tuyến. Năm 2008 bà Hòa giới thiệu là cán bộ phụ trách phòng kinh doanh bất động sản của Tập đoàn HANAKA và được Tập đoàn này cho đầu tư 10.000 m2 đất. Sau đó, bà Hòa đã giới thiệu và bán lại cho Hương 5000 m2 với giá 2 tỷ đồng (có lập Biên bản thống nhất cam kết). Tin tưởng, vợ chồng Tuyến đã nhiều lần giao tiền cho bà Hòa. Tổng số tiền mà chị Hương giao cho bà Hòa là 1,35 tỷ đồng. Biên bản thống nhất cam kết và tất cả các lần nhận tiền đều do bà Hòa tự viết và ký nhận, các lần giao và nhận tiền tại nhà riêng của Tuyến- Hương. Sau đó, bà Hòa nói cá nhân không thuê được vì là đất khu công nghiệp nên phải chuyển đất đó về công ty của Tuyến thì mới làm được thủ tục”.
Theo lời khai của bị cáo Tuyến, vợ chồng Tuyến hoàn toàn tin tưởng bà Vũ Thị Hòa có 10.000m2 đất tại Tập đoàn HaNaKa nên đã giao cho bà Hòa số tiền là 1,35 tỷ đồng để mua 5000m2 đất. Chính vì sự tin tưởng như vậy nên khi ông Khoát, bà Ngà và bà Hòa đặt vấn đề viết hộ giấy xác nhận ngày 03/10/2010 để đối trừ khoản nợ 1 tỷ đồng để bà Ngà, ông Khoát lấy 1000m2 đất tại HaNaKa nằm cạnh 5000m2 đất của bị cáo Tuyến và Tuyến đã sẵn sàng giúp đỡ là có thật.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyến. |
Mặt khác, ngày 02/10/2013 vợ chồng ông Khoát có đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh tố cáo bà Hòa chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng. Sau đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn HANAKA để xác minh tư cách của bà Hòa tại Tập đoàn này. Ngày 01/11/2013, Cty HANAKA có Công văn số 120/CV-HNK trả lời Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh khẳng định bà Hòa không có tư cách pháp nhân và không liên quan gì đến dự án đất tại Cty HANAKA.
Như vậy, từ những thông tin do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh xác minh thì vào năm 2008 bà Hòa đã gian dối đối với vợ chồng bị cáo Tuyến để bị cáo đưa tiền cho bà Hòa và đến nay bị cáo chưa nhận được một mét vuông đất nào của bà Hòa. Không nhận được đất, bị cáo Tuyến đòi tiền thì bà Hòa né tránh và cố tình không thanh toán khoản tiền mà Tuyến – Hương đã đưa cho bà Hòa. Do đó, Tuyến vô tình trở thành bị hại đối với hành vi gian dối của bà Hòa từ năm 2008 nên đến năm 2010 bị cáo Tuyến vẫn chưa phát hiện ra bà Hòa lừa dối mình cho nên bị cáo Tuyến đã viết giấy xác nhận ngày 03/10/2010.
Theo lời khai của bị cáo Tuyến, Tuyến là người giới thiệu bà Hòa đến vay vợ chồng ông bà Khoát - Ngà số tiền là 3 tỷ đồng nên khi viết giấy vay 3 tỷ thì Tuyến ký là người làm chứng. Sau đó, ông bà Khoát - Ngà có nhu cầu mua 1000m2 đất nên hai bên đã bàn bạc với nhau là đối trừ 1 tỷ để bà Ngà nhận 1000m2 đất tại Tập đoàn HANAKA trong tổng số tiền vay 3 tỷ đồng mà bà Hòa đã vay trước đó.
Tờ giấy vay 3 tỷ có Tuyến ký là người làm chứng xé đi và thay vào đó là các giấy biên nhận: Giấy biên nhận ngày 03/10/2010 do Tuyến viết nhận 1,2 tỷ; Giấy biên nhận ngày 13/8/2010 ông Khoát cho bà Hòa vay 200 triệu đồng; Giấy vay tiền 2 tỷ vào ngày 03/10/2010 và có chữ ký của Tuyến là người làm chứng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án thì không có giấy vay tiền 2 tỷ này mà thể hiện Giấy vay tiền 2 tỷ vào ngày 28/9/2010 (tức 21/8 âm lịch) có chữ ký bên vay là bà Hòa và không có bị cáo Tuyến ký người làm chứng. Một điều vô lý là khi vay 200 triệu đồng cũng bắt Tuyến ký là người làm chứng nhưng khi vay 2 tỷ lại không có Tuyến ký làm chứng? Vì vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, chị Hương đề nghị giám định tuổi mực của Giấy vay tiền ngày 28/9/2010 (tức 21/8 âm lịch) nhưng không được Hội đồng xét xử xem xét…
Hoãn phiên tòa phúc thẩm vì có thêm chứng cứ mới
Ngày 28 tháng 5, TANDTC đã mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Văn Tuyến. Tại phiên tòa này, Luật sư Đinh Văn Ninh (luật sư bào chữa cho Tuyến) đưa ra 4 vấn đề cần được chứng minh trong vụ án này. Thứ nhất, điều bất bình thường nằm ngay chính nội dung bản án là tại sao bị cáo Tuyến là Giám đốc Cty Cổ phần Đại Phát, không có đất, nhưng vẫn viết giấy nhận 1,2 tỷ đồng của vợ chồng ông bà Khoát - Ngà để chuyển nhượng 1.000m2 đất, nhưng lại kiên quyết kêu oan không nhận tiền? Thứ hai, bà Vũ Thị Hòa có mối quan hệ làm ăn, vay nợ với vợ chồng Tuyến - Hương, vợ chồng ông bà Khoát - Ngà và đất đai ở Tập đoàn HANAKA là rất cụ thể.
Thứ ba, theo lập luận mà Tòa quy kết bị cáo Tuyến phạm tội lừa đảo thì hành vi của bà Hòa cũng phải bị xem xét khi không hề có 10.000m2 đất nhưng vẫn hứa chuyển nhượng cho vợ chồng Tuyến – Hương 5.000m2 đất. Thứ tư, cũng trong thời gian này, bà Hòa nói với vợ chồng Tuyến - Hương: Bà đang thực hiện một dự án của Cty Cổ phần tập đoàn HaNaKa thuộc khu sinh thái Tây Hồ, Hà Nội, và bà được Cty cho đầu tư 3.000m2 đất. Bà Hòa rủ Tuyến - Hương cùng đầu tư và phải lo cho bà một khoản tiền để làm thủ tục giấy tờ dự án. Chính vì vậy, Tuyến đã đưa bà Hòa đến gặp vợ chồng ông bà Khoát - Ngà là người mà Tuyến có quan hệ rất thân thiết để vay tiền.
Cuối cùng, về số tiền 3 tỷ đồng cho bà Hòa vay, vợ chồng ông Khoát đã vay lãi của ông Phú 1,5 tỷ đồng và của ông Viết 1,5 tỷ đồng. Việc giúp bà Hòa vay được 3 tỷ, bà Hòa hứa trả công cho ông bà Khoát - Ngà 300 triệu, nhưng mới đưa cho ông Khoát 100 triệu (tại nhà Tuyến), còn thiếu 200 triệu, bà Hòa viết giấy vay ông bà Khoát - Ngà 200 triệu không tính lãi cũng không được HĐXX cấp sơ thẩm quan tâm.
Đồng quan điểm với Luật sư Ninh, Luật sư Nguyễn Tự Quyết, Công ty Luật TNHH Châu Á – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đưa thêm tình tiết về 2 đoạn băng ghi âm đã được Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an giám định có liên quan đến việc bà Ngà đang cầm tờ giấy bà Hòa viết cho Tuyến 1000m2 đất; bà Hòa vay của ông Khoát, bà Ngà 3 tỷ đồng và có việc đối trừ 1 tỷ sang để lấy 1000m2 đất trong khu công nghiệp HANAKA, đặc biệt là nội dung chính bà Hòa khẳng định bị cáo Tuyến không nhận 1,2 tỷ đồng của vợ chồng ông Khoát, bà Ngà.
Luật sư Quyết cho biết thêm, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã không xem xét đến 01 giấy vay tiền ngày 01/9/2011 do bà Hòa viết và một số khoản tiền mà bị cáo Tuyến đã thanh toán thay ông Khoát, bà Ngà:
Ngày 01/9/2011, bà Hòa tự viết Giấy biên nhận cho vợ chồng bị cáo Tuyến với nội dung: “Tôi có đồng ý cho Hương chuyển trả anh chị Khoát Ngà 900 triệu đồng trừ vào khoản chị Ngà góp vốn 1000m2 đất vì tôi xem thủ tục không đảm bảo quy định của Nhà nước”.
Qua nội dung Giấy biên nhận này thể hiện việc bà Hòa có liên quan đến 1000m2 đất mà đã được thể hiện trong Giấy xác nhận mà bị cáo Tuyến viết cho bà Ngà vào ngày 03/10/2010. Bởi vì, nếu không có sự liên quan thì tại sao bà Hòa lại đồng ý cho Hương chuyển trả ông bà Khoát - Ngà 900 triệu đồng???
Khi bà Hòa vay tiền của ông Khoát, bà Ngà thì ông Khoát, bà Ngà đã vay của ông bà Phú Nhàn 1,5 tỷ đồng. Quá trình trả nợ, ông bà Phú- Nhàn có ghi chép để theo dõi, trong đó thể hiện những khoản ông Khoát trực tiếp trả nợ, có những khoản bị cáo Tuyến trả cho ông bà Phú-Nhàn thay cho ông bà Khoát - Ngà.
Tổng số tiền Tuyến trả thay là 581 triệu đồng (có bản kê thể hiện và bà Nhàn xác nhận các khoản Tuyến đã trả nợ thay). Ngoài ra, Đỗ Văn Bằng có cùng Đoàn Văn Thực đưa cho ông Khoát, bà Ngà hộ Tuyến 250 triệu đồng. Tổng số tiền Tuyến trả nợ thay và chuyển trực tiếp cho ông bà Khoát – Ngà là 831 triệu đồng. Nếu Tuyến có nhận của ông Khoát, bà Ngà 1,2 tỷ như giấy biên nhận ngày 03/10/2010 thì đương nhiên ông bà Khoát – Ngà sẽ khấu trừ số tiền 831 triệu ông Khoát, bà Ngà còn nợ của Tuyến này, tại sao không có việc khấu trừ?
Nhận thấy trong vụ án này còn nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ và cần có thời gian để kiểm tra thêm những chứng cứ mà hai vị luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyến đưa ra nên HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định hoãn phiên tòa./.