Bắc Ninh: Tiếp tục hoãn phiên xử “Kẻ lừa đảo là nhân chứng – người bị hại 16 năm tù”

(PLO) - Ngày 27/8, TAND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn Tuyến (SN: 1967, trú tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, HĐXX đã phải quyết định tạm hoãn phiên tòa vì những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không tới tham dự.
Bị cáo Tuyến tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/5/2015.
Bị cáo Tuyến tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/5/2015.
Tại phiên tòa, chỉ có duy nhất bị cáo Tuyến được trích xuất tới tòa và người nhà bị cáo này tới dự. Về phía "bị hại" thì vắng mặt không có lý do. Đồng thời, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyến cũng có đơn xin hoãn phiên tòa.
Trước đó, HĐXX cấp phúc thẩm ngày 28/5/2015 của TANDTC tại Bắc Ninh cũng đã quyết định tạm hoãn phiên xử vì luật sư Đinh Văn Ninh (luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyến) cung cấp thêm chứng cứ mới.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Tuyến đã viết và ký nhận 1,2 tỷ đồng của vợ chồng Khoát – Ngà. Nhưng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo liên tục khẳng định không nhận tiền, kể cả sau khi án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên bị cáo 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Kêu oan cho chồng, vợ bị cáo còn tự thu thập nhiều chứng cứ quan trọng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/5/2015, luật sư Đinh Văn Ninh (luật sư bào chữa cho Tuyến) đưa ra 4 vấn đề cần được chứng minh trong vụ án này. Thứ nhất, điều bất bình thường nằm ngay chính nội dung bản án, là tại sao bị cáo Tuyến là Giám đốc Cty Cổ phần Đại Phát, không có đất, nhưng vẫn viết giấy nhận 1,2 tỷ đồng của vợ chồng Khoát - Ngà để chuyển nhượng 1.000m2 đất, nhưng lại kiên quyết kêu oan không nhận tiền?
Thứ hai, bà Vũ Thị Hòa có mối quan hệ làm ăn, vay nợ với vợ chồng Tuyến - Hương, vợ chồng Khoát - Ngà và đất đai ở tập đoàn HANAKA là rất cụ thể. 
“Ngày 22/10/2008, Hòa tự tay viết một biên bản thống nhất cam kết với nội dung, Hòa là cán bộ phụ trách phòng kinh doanh bất động sản của tập đoàn HANAKA. Hòa được Tổng giám đốc tập đoàn HaNaKa cho đầu tư 10.000m2 đất công nghiệp Đồng Nguyên tại Từ Sơn, Bắc Ninh… Hòa đồng ý cho cô Hương cùng đầu tư số đất 10.000m2 với số tiền là 2 tỷ đồng để Hương được nhận 50% tổng số đất trên là 5.000m2. Cả hai bên cùng ký vào biên bản này”.
Đây là chứng cứ rất quan trọng mà cấp sơ thẩm bỏ qua và lại cho rằng đó là việc khác không liên quan đến việc Tuyến viết giấy biên nhận 1,2 tỷ đồng của vợ chồng ông Khoát - Ngà và không xem xét trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm, là một sai lầm rất lớn.
Để có được bản cam kết này, vợ chồng Tuyến đã nhiều lần chuyển tiền cho bà Hòa, tính đến ngày 7/2/2009 là 1 tỷ 350 triệu đồng. Tất cả các lần giao và nhận tiền bà Hòa tự tay viết và ký. Điều này chứng minh, bà Hòa bán đất cho vợ chồng Tuyến - Hương là có căn cứ. 
Như vậy, nếu cứ theo lập luận mà Tòa quy kết bị cáo Tuyến phạm tội lừa đảo, thì hành vi của bà Hòa cũng phải bị xem xét khi không hề có 10.000m2 đất nhưng vẫn hứa chuyển nhượng cho vợ chồng Tuyến – Hương 5.000m2 đất.
Mặt khác, căn cứ nội dung “Biên bản thống nhất cam kết”, bà Hòa đã nhận 1 tỷ 350 triệu đồng, rõ ràng vợ chồng Tuyến – Hương biết rõ mình có 5.000m2 đất trước khi ký giấy biên nhận 1,2 tỷ đồng của vợ chồng Khoát – Ngà. Như vậy, hành vi lừa đảo của Tuyến đã không thỏa mãn cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Một điều quan trọng nữa, cũng trong thời gian này, bà Hòa nói với vợ chồng Tuyến - Hương: Bà đang thực hiện một dự án của Cty Cổ phần tập đoàn HaNaKa thuộc khu sinh thái Tây Hồ, Hà Nội, và bà được Cty cho đầu tư 3.000m2 đất. Bà Hòa rủ Tuyến - Hương cùng đầu tư và phải lo cho bà một khoản tiền để làm thủ tục giấy tờ dự án.
Chính vì vậy, Tuyến đã đưa bà Hòa đến gặp vợ chồng ông Khoát - Ngà là người mà Tuyến có quan hệ rất thân thiết, để vay tiền.
Trong số tiền 3 tỷ này, Khoát - Ngà lại vay lãi của ông Phú 1,5 tỷ đồng và của ông Viết 1,5 tỷ đồng. Việc giúp bà Hòa vay được 3 tỷ, Hòa hứa trả công cho Khoát - Ngà 300 triệu, nhưng mới đưa cho Khoát 100 triệu (tại nhà Tuyến), còn thiếu 200 triệu, Hòa viết giấy vay Khoát - Ngà 200 triệu không tính lãi.
Dẫn ra những chứng cứ kể trên, luật sư Đinh Văn Ninh tiếp tục nhận định, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định bà Hòa chỉ là người làm chứng trong vụ án này là không đúng. Chính vì xác định tư cách tố tụng chưa chuẩn xác nên dẫn đến nhận định, đánh giá, định hướng điều tra, truy tố và xét xử sai bản chất vụ án, chưa đúng người, đúng tội.
Luật sư Đinh Văn Ninh hy vọng, công lý sẽ được làm sáng tỏ đối với vụ án đang được dư luận rất quan tâm./.
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh, năm 2010 Tuyến là Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Phát (Cty Đại Phát - có trụ sở tại Đình Bẳng, Từ Sơn, Bắc Ninh) có mối quan hệ thân thiết với vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Khoát (SN: 1957) bà Nguyễn Thị Bích Ngà (SN: 1967) đều trú tại Trần Phú, Đông Ngàn, TX Từ Sơn, Bắc Ninh.
Sau đó, Tuyến đã nói với vợ chồng ông Khoát là đã thuê được 5.000m2 đất tại khu công nghiệp HANAKA (thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn HANAKA (Cty HANAKA) – có trụ sở tại Thị xã Từ Sơn).  Nếu như vợ chồng ông Khoát có nhu cầu, Tuyến sẽ mua giúp 1.000m2 với giá 1,2 triệu/m2 để cùng nhau xây dựng xưởng cho thuê, kiếm lời lớn và được vợ chồng ông Khoát đã đồng ý.
Khoảng 16h ngày 3/10/2010, Tuyến cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hương đến nhà vợ chồng ông Khoát. Tại đây, bà Ngà đã trực tiếp giao cho Tuyến 1,2 tỷ. Tuyến viết giấy biên nhận và lấy tư cách là  đại diện Cty Đại Phát ký và đưa cho bà Ngà cất giữ.
Đến tháng 6/2012, do không thấy Tuyến giao đất như cam kết và có sự né tránh thời gian nên vợ chồng ông Khoát đã đến tập đoàn HANAKA hỏi và phát hiện ra Tuyến không liên doanh, liên kết và không có bất kỳ m2 đất nào.
Sau đó, vợ chồng ông Khoát đã tìm gặp Tuyến nhiều lần để đòi tiền nhưng  Tuyến lẩn tránh không trả và không thừa nhận việc viết giấy nhận tiền của vợ chồng ông Khoát.
Đến ngày 1/7/2013, vợ chồng ông Khoát đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Tuyến gửi CQĐT CA tỉnh Bắc Ninh như đã nêu ở trên.

Đọc thêm