Lầu may ở chợ Đông Ba

(PLVN) -Tồn tại đã 43 năm ở nơi phồn hoa phố thị, tiếng lạch cạch của chiếc máy may cũ vẫn đều đặn vang lên không ngơi nghỉ mặc guồng quay của cuộc sống đông đúc ngoài kia. Không chỉ là cái nghề mà là cả một câu chuyện mưu sinh của một thời.
Lầu may ở chợ Đông Ba, một góc xưa cũ gợi nhớ đến thời quá vãng

Chợ Đông Ba (TP. Huế) nơi có rất nhiều đặc sản không chỉ của xứ Huế mà của nhiều vùng miền trên cả nước. Đây là niềm tự hào của Cố đô Huế, ai đến đây đều muốn đi chợ Đông Ba cho bằng được. Trong sự nhộn nhịp, hối hả đó lại tồn tại một nơi gọi là lầu may, nơi bắt nguồn của cả một thế hệ, một cái nghề gắn cả đời, nơi cái duyên tìm đến nhau.

Dọc theo lối ở bãi giữ xe của chợ Đông Ba, ngõ lên lầu nằm ở góc khuất chỉ vừa đủ một người đi. Đặt chân lên những bậc thang cuối cùng, điều bất ngờ trên này có một xưởng may với hàng chục con người đang miệt mài với công việc. Những tấm bảng hiệu được treo trên cao mang thương hiệu riêng, đọc lên thấy gần gũi: hiệu may O Gái, Bác Thế, Liên Nhỏ, Chị Linh, Xí Hiền, O Tằm...

Những người thợ này sử dụng máy thủ công, dùng chân để đạp và dùng tay để quay. Theo thời gian, lầu may chợ Đông Ba hiện chỉ còn chừng 30 nhà may đang hoạt động.

Thợ ở đây chủ yếu là người lớn tuổi (từ 50 đến 80 tuổi) gắn bó vì niềm đam mê, với những hoài niệm của một thời, với cái vất vả mưu sinh trong những năm tháng cơ cực của chế độ cũ. Ngày càng có nhiều hiệu may đóng cửa, vì chẳng ai muốn nối nghiệp bởi thu nhập thấp.

Thu nhập của thợ may ở lầu may Đông Ba khá thấp, chỉ khoảng 1,5 - 3 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào lượng khách. Và dù số lượng hiệu may ít dần, nhưng công việc ở lầu may này cũng không vì thế mà tăng lên.

Bà Huỳnh Thị Tằm (67 tuổi, tổ trưởng ở lầu may Đông Ba) chia sẻ: “Thời chưa chồng, tình cờ ra chợ chơi thì thấy bạn ngồi may nên có ý ra đây làm. Hơn nữa tôi đã từng học môn nữ công gia chánh ở trường Đồng Khánh, tôi giỏi may vá nên tự tin. Ra đây ngồi rồi học dần, mày mò và tôi không có thầy dạy. Nói tóm lại, giờ nơi này mà tôi có cơm ăn áo mặc, có nhà có cửa có xe, nuôi con ăn học nên người”.

Dẫu vậy, vẫn không ít người bám trụ được với nghề. Dù thế, cuộc sống ngoài kia có đổi thay thì ở đây, nơi lầu may này vẫn thế, vẫn xưa cũ, vẫn hoài niệm, vẫn từng nhịp, từng nhịp trên bàn may chậm chậm, đều đặn, tỉ mỉ như chính cuộc sống của các ông các bà các chị.

Đọc thêm