Lẩu miền Tây thử một lần bao nhớ

(PLVN) - Lẩu miền Tây thì ở đâu chẳng có, cứ gì phải hẹn nhau về tận miền Tây lận, kỳ không? Ta nói kỳ thiệt đó, nhưng nhất định phải về miền Tây ăn cái lẩu tại vùng sông nước mới chuẩn vị đậm đà và ngon đúng điệu miệt vườn…

Này là lẩu mắm, lẩu tép, lẩu cá linh bông điên điển, lẩu cá kèo lá giang…; này là cọng bông súng, bông điên điển, bồn bồn, rau đắng, và vô số các loại rau lá li ti “kỳ hoa dị thảo” giữa đồng đất bao la hào phóng của miệt vườn… Ăn mà như ăn nhớ ăn thương giữa tình người miền Tây bao la hào hiệp…

Lẩu mắm: đừng ăn kẻo mắc nghiền! 

Nhắc đến ẩm thực miền Tây mà bỏ qua lẩu mắm là mất đi một nửa bởi sức hấp dẫn mà món ăn này mang lại. Món lẩu mắm dân dã mang hương vị đậm đà đặc trưng cho nơi này.

Nước dùng của lẩu đã tạo nên một hương vị vô cùng hấp dẫn, mùi thơm nồng nàn của mắm hòa quyện với nước xương tạo nên sự hấp dẫn tuyệt vời cho món ăn này. Món lẩu này được ăn kèm với hải sản và một số loại rau miệt vườn tạo nên sức hấp dẫn tuyệt vời khiến người ăn mê tít. Đây được xem là món ăn đậm đà đúng chất của người nơi đây mang đến cho cuộc sống.

 

Lẩu mắm là món ăn đặc trưng được người miền Tây thường chuẩn bị món ăn này để tiếp đãi khách quý đến chơi nhà. Mắm cá sặc hoặc cá linh là 2 nguyên liệu ưa dùng khi chế biến nước lẩu bởi vị đậm, thơm nồng.

Nước lẩu mắm phải được ninh từ xương heo. Để tăng vị thơm, ngậy, người miền Tây thường cho thêm nước dừa tươi khi ninh. Ngoài ra, người ta thả vào nước dùng còn có cà tím, mướp đắng... Khi ăn, thực khách sẽ nhúng thịt ba chỉ, tôm, mực, cá... cùng nhiều loại rau như cải, bông súng, bống bí, bông điên điển... vào nồi lẩu đang sôi. Hương vị của lẩu miền Tây là sự hòa quyện giữa vị đắng của rau, béo bùi từ thịt, cá và cay nồng, đậm đà bởi ớt, mắm. Ta nói ăn lẩu mắm dễ mắc nghiền là vậy.

Lẩu cá linh bông điên điển: cả một trời ký ức mùa nước nổi! 

Bước vào mùa nước nổi khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm xuất hiện nhiều cá linh tươi ngon nhất. Vào mùa này, bông điên điển cũng đua nhau nở rộ khắp các mé sông. Chính vì lẽ đó, người miền Tây đã kết hợp hai món này lại với nhau để tạo nên món lẩu cá linh bông điên điển đặc trưng của mùa nước nổi.

Bông súng miền Tây (ảnh internet).

Món lẩu cá linh bông điên điển quan trọng nhất ở khâu nguyên liệu, đặc biệt cá linh phải là loại tươi ngon, chắc thịt, rau ăn kèm cần đúng loại của người miền Tây và nhất định phải có bông điên điển. Cá linh tươi sẽ được làm sạch, ướp gia vị đậm đà, hòa thêm nước dừa vào nồi lẩu để nấu cùng. Sau đó, người miền Tây dầm thêm chút me để lấy vị chua rồi nêm nếm cho vừa miệng.

Khi thưởng thức, trên mặt lẩu sẽ cho vào tỏi phi và rau ngò gai nhưng không cho cá linh vào nước lẩu ngay. Bởi loại cá này vốn nhỏ và nhanh chín nên chỉ khi nào đã thật sẵn sàng thưởng thức thì người ta mới trút cá linh vào nồi lẩu, sau đó cho thêm bông điên điển.

Bông điên điển mùa nước nổi. (ảnh internet).

Lẩu cá linh bông điên điển là sự kết hợp hài hòa giữa vị ngọt đậm của cá linh với vị chua thơm của bông điên điển. Một số nơi còn ăn kèm cùng bông súng và rau đắng kiếm trên cánh đồng mùa nước nổi.

Lẩu cá kèo lá giang: ăn vào bao nhớ! 

Quả thật người dân miền Tây sông nước rất biết tận dụng các loại cá để tạo nên những món lẩu đặc trưng ở nơi họ sống. Với món lẩu này, nguyên liệu chính chỉ gồm có cá kèo và lá giang, nhưng bảo đảm ai ăn thử một lần sẽ rất là "ghiền".

Cá kèo ăn lẩu phải là loại tươi, ngọt, đi kèm cùng lá giang chua thanh hợp vị. Tất nhiên sẽ không thể thiếu các loại rau ăn kèm đặc trưng như rau muống, rau đắng, rau nhút, bắp chuối, giá đậu...

Khi ăn món lẩu này chắc chắn sẽ không thể thiếu bát nước mắm ớt để chấm cá. Vào những ngày tiết trời se lạnh hơn thì đây chính là món lẩu được người miền Tây vô cùng ưa chuộng vì nó ít gây ngán và đủ làm ấm người khi thưởng thức.

Đọc thêm