Bao giờ “mức lương tối thiểu” phản ánh đúng “mức sống tối thiểu của người lao động” vẫn là “bài toán khó” đối với các nhà hoạch định chính sách. Và ngay tại Hội thảo “Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu, lương đủ sống cho người lao động” do Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức sáng qua (12/4), đáp án cho bài toán này vẫn... chưa được tìm thấy.
|
Ảnh minh họa |
“Mức sống tối thiểu” là sống như thế nào?
3 cơ quan Viện Công nhân Công đoàn, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cũng đều đã có tính toán để có đáp số về mức sống tối thiểu, nhưng điều đáng buồn là có tận… 3 kết quả không trùng khớp nhau vì căn cứ theo 3 tiêu chí khác nhau. Điều đó khiến hy vọng tính được mức lương tối thiểu tương thích với những nhu cầu tối thiểu của người lao động trở nên vô vọng.
Căn cứ Đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008 – 2012, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung với cán bộ, công chức và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng với các DN. Nhưng các chuyên gia băn khoăn, không biết căn cứ nào để xác định mức sống tối thiểu cho từng thời kỳ mà có thể đưa ra khẳng định: “Năm 2008, mức lương tối thiểu đáp ứng được 70% mức sống tối thiểu, năm 2010 lương tối thiểu đáp ứng được 65% mức sống tối thiểu và ước tính, mức lương tối thiểu vùng đã điều chỉnh từ 1/1/2013 đáp ứng khoảng 62% - 69% nhu cầu tối thiểu của người lao động”.
Lương tối thiểu: đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu
Đó là kết quả qua nhiều cuộc khảo sát của Viện Công nhân, công đoàn (Bộ LĐ_TB&XH) mà Viện trưởng Đặng Quang Điều công bố. Vì thế, từ nhiều năm nay, làm thế nào để lương tối thiểu có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động luôn được đặt ra trong điều kiện còn rất nhiều ý kiến khác nhau về “mức lương tối thiểu thế nào là hợp lý”.
Tỏ ra bức xúc với phương thức tính lương tối thiểu hiện hành, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi cho rằng, nếu tiền lương tối thiểu được tính bằng mức lương tối thiểu chung cộng phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút là rất mâu thuẫn, vô lý khi chưa cơ quan nào giải thích được quan hệ giữa mức lương tối thiểu chung với sàn mức lương thiểu vùng; cơ cấu lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu ra sao. Thậm chí, ông đánh giá “việc xác định mức lương tối thiểu cho ai, làm việc gì, ở đâu, đều rất mù mờ, cơ quan chịu trách nhiệm tính toán, xác định giải thích không rõ ràng, không phù hợp với thực tế và thiếu tính thuyết phục”.
Còn theo ông Đặng Quang Điều, lương tối thiểu phải tính bằng tổng mức tiêu hao về năng lượng (calo) trong một tháng lao động sản xuất của một suất lao động giản đơn, các nhu cầu thiết yếu phải có về tiêu dùng cho đời sống hằng ngày và được tham chiếu ngưỡng cửa nghèo của nước ta. Song nhiều ý kiến lại quan tâm đến yếu tố thu nhập quốc dân bình quân, hao phí lao động bỏ ra để thu được số tiền lương tương ứng trong mức lương tối thiểu. Như vậy, “cuộc chiến” để tìm ra công thức xác định “mức lương tối thiểu” vẫn chưa có hồi kết và kéo theo đó là cả sự mù mờ khi tìm giải pháp để “lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu” cho người lao động
Lấy gì để tăng lương khi năng suất lao động giảm?
Thực tế, việc điều chỉnh tiền lương mới chủ yếu dựa vào “sức gồng” của ngân sách và chỉ số giá tiêu dùng, chứ chưa dựa vào nhu cầu hay mức sống của người lao động. Vì thế mới có nghịch lý, “lương càng tăng, đời sống người lao động càng khó khăn” và dẫn đến tình trạng đình công vì tranh chấp về tiền lương, phụ cấp lương như 80% trong tổng số 506 cuộc đình công xảy ra trên cả nước năm 2012. Và giải pháp được đề xuất vẫn là “cấp tốc tăng lương” để “người lao động không phải bán sức lao động mà thu về không bù sức lao động đã bỏ ra”.
Song một vấn đề đặt ra là năng suất lao động (đóng góp của người lao động cho nền kinh tế) sụt giảm thì “lấy gì mà tăng lương?”, nhất là khi việc tăng lương có tác động tới chi tiêu ngân sách, tăng trưởng GDP của nền kinh tế - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thẳng thắn đặt vấn đề. Theo thống kê, giai đoạn 1986-2009, năng suất lao động của Việt Nam là 4,6%, thì năm 2010 là 4,4% và năm 2011 chỉ còn 3,6%.
Trong “vòng luẩn quẩn” đó, “hơn 20 năm nay chúng ta đã tìm mọi cách để giải nhưng thực sự vẫn chưa giải được bài toán về mối quan hệ giữa làm và ăn. Chúng ta luôn nói đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển, lý thuyết là vậy nhưng thực tiễn khó. Đưa lương tăng lên thì lên chi thường xuyên quá lớn làm rỗng ngân sách. Năng suất lao động của ta thấp hơn thì thu nhập phải thấp. Muốn lương cao thì phải có năng suất lao động cao. Trong khi năng suất lao động chỉ tăng 4%, thậm chí còn giảm dần do suy thoái kinh tế mà đòi tăng 10% lương ai có thể giải được bài toán này?” - Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương Bộ LĐ -TB&XH Lê Xuân Thành chia sẻ.
Rõ ràng, những yếu tố được chọn để xác định mức lương tối thiểu theo vùng, phụ thuộc năng suất lao động, thu nhập dân cư, chỉ số giá tiêu dùng của vùng đó, song lại chưa cơ quan chức năng nào đưa ra được tiêu chí để xác định mức sống tối thiểu. Nên “mức sống tối thiểu” và lương tối thiểu cứ “chạy đuổi nhau” còn người lao động thấp thỏm “chờ ngày chúng đoàn tụ”…
Huy Anh