Ngày yêu Hương, nhiều lần Huy thấy người yêu của mình mắt mũi sưng húp. Hỏi sao thì được biết cô bị mẹ mắng. Theo lời của Hương, mẹ cô là người phụ nữ yêu thương chồng con, gia đình nhưng trong bà không có hai từ “tôn trọng”.
Không vừa ý việc gì bà có thể lôi cả tông chi họ hàng nhà chồng ra mà chửi, mà réo. Giận con, bà rủa sả cả ngày bằng những lời lẽ tục tĩu nhất, những tội lỗi của con từ ngày mặc quần thủng đít cũng bị nhắc lại.
Và kinh khủng hơn cả là những khi bạn bè của con đến chơi nhà cũng là lúc bà thích mạt sát con cái của mình nhất. Không chỉ nghe người yêu kể lại mà tận mắt Huy đã chứng kiến cách mẹ người yêu nói năng với chồng trong bữa cơm đãi khách.
Hôm đó, Huy về chơi, nhà Hương thịt con gà trống lai chọi, thịt gà hơi dai nên bố Hương răng yếu phải nhai lục cục mãi mới xong đôi cánh gà – món ăn yêu thích của ông. Thấy chồng gặm mãi xương gà, mẹ Hương buông một câu:
“Nhá không nổi thì gắp nạc mà ăn, người đâu mà ngồi mâm nhai xương như chó”. Huy tròn mắt, không tin vào tai mình. Nhưng cả nhà Hương kể cả ông bố vẫn điềm nhiên ngồi ăn như không nghe thấy gì.
Huy và Hương lấy nhau. Nói thật, Huy cũng suy nghĩ lắm trước bà mẹ của người yêu vì con gái vốn là bản sao của mẹ. Nhưng Hương ăn nói nhẹ nhàng, luôn đau khổ trước thói ác khẩu của mẹ và bản thân cũng tự nhủ sau này sẽ không như mẹ, không để con vào mâm phải ăn cơm chan nước mắt.
Hương mắng con cả ngày và chửi chồng như hát hay. Con đi học về có lỗi gì là bị mẹ “ca” cho đến tận lúc đi ngủ, chồng đi bạn bè về muộn cơm là Hương cho chồng ăn đủ thứ “đặc sản” tục tĩu cho đến lúc Huy không chịu đựng được nữa bỏ nhà đi ngủ nhờ nhà bạn. Nhưng sau những lúc như thế thì Hương lại rất mực yêu thương chồng con nên Huy đành tặc lưỡi bỏ qua.
Mới đây, Huy bạt tai vợ một cái sưng vù cả mặt, Hương bù lu bù loa gọi bố đẻ và tổ dân phố đến giải quyết. Trước mặt mọi người Huy phân trần với bố vợ:
“Ai ở địa vị như con thì cũng không nhịn được. Tính con đãng trí lỡ để cháy cái máy bơm nước mà cô ấy chửi con cả tuần nay. Tối nào con đi làm về cũng vừa ăn cơm vừa nghe cô ấy xỉa xói.
Con đã nín nhịn bỏ qua, nhưng rồi khi bị lôi bố mẹ, họ hàng, bạn bè ra chửi thì con bực quá đã đánh cô ấy một bạt tai. Con cũng biết là mình sai nhưng thử hỏi có ai chịu được bà vợ chửi chồng từ 2h chiều đến 9h tối không ngừng nghỉ cả 7 tối trong tuần hay không?”.
Xem tông, chọn giống để tránh tự trách mình, trách người
Thế nào là “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” và tại sao lại có câu đúc kết này và có đúng không. Câu trả lời theo chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn và bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong chương trình “Lấy chồng xem giống” của O2TV cho thấy, đây là một kiến thức khôn ngoan, mà chỉ những ai biết sống có trách nhiệm với bản thân, với người bạn tình và thế hệ tương lai của mình mới thấu hiểu hết ý nghĩa của nó.
Cụ thể, theo chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn và bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nếu tình yêu là công việc của trái tim, đôi khi ta không làm chủ được mình thì hôn nhân là một bản hợp đồng chung sống lâu dài, là một vấn đề quan trọng, không thể quyết định cảm tình, chỉ dựa trên cơ sở tình yêu.
Hấp dẫn nhau một ngày, một tháng không giống với việc chung sống với nhau cả đời, chia sẻ buồn vui, “chung lưng đấu cật”, sinh con đẻ cái. Chính vì thế, xem tông, xem giống của người mình lựa chọn làm vợ, làm chồng là điều cần thiết , đừng để đến khi lấy nhau rồi mới ngã ngửa người ra, nuối tiếc, ân hận, tự trách mình, trách người…
Có một cô gái đã từng tâm sự rằng yêu một bạn trai học cùng đại học đã ba năm nhưng khi có dịp về quê chơi và ra mắt mới biết gia đình bạn trai “có vấn đề”. Bà nội bị bệnh tâm thần, bỏ nhà đi lang thang và mất tích ở đâu không rõ. Cô ruột cũng bị coi là “đơ đơ”, gần 40 tuổi mà chưa lấy chồng, mặc dù vẫn có thể làm đồng được.
Người bố cũng phải đi bệnh viện tâm thần chữa bệnh 6 tháng, nay đã ổn định, nhưng tính tình trở nên lầm lì, ít nói, nhưng rất hay nổi nóng. Khi giận vợ con, ông có thể quăng cả mâm cơm ra sân. Cô gái tâm sự rằng sau lần về quê ấy đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện có nên tiến tới hôn nhân hay không và căn bệnh tâm thần có di truyền không và xác suất là bao nhiêu?
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia cho biết có nhiều thông tin liên quan tới tính di truyền của bệnh tâm thần, đặc biệt là bệnh tâm thần phân liệt. Theo các nhà nghiên cứu về tâm thần học, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt thì 16,4% con cái có nguy cơ mắc bệnh này; nếu cả hai người cùng bị thì tỉ lệ sẽ tăng lên là 68,1%, nếu các anh chị em ruột bị, thì tỉ lệ anh em cũng bị là 14,3%.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Peter Falkai, đại học Bon (CHLB Đức), tỉ lệ di truyền bệnh trầm cảm và sợ hãi là 40%, bệnh tâm thần phân liệt 50%, nghiện ngập là 60%. Theo tiến sĩ này, những đứa trẻ được cho làm con nuôi gia đình tử tế, có giáo dục từ bé, nhưng cha mẹ đẻ bị bệnh thì tỉ lệ bị di truyền bệnh vẫn cao…
Vẫn biết rằng mọi thông tin đều để tham khảo còn quyết định có tiến đến hôn nhân hay không, con cái sau này ra sao, chỉ có người trong cuộc mới quyết định được. Vợ chồng lấy nhau chủ yếu là vì tình yêu.
Tuy nhiên, gia đình còn nhiều chức năng xã hội khác như sinh con đẻ cái, nuôi dạy cho xã hội những công dân tương lai, tổ chức đời sống kinh tế, tinh thần cho các thành viên. Vì vậy, người xưa không hẳn đã vô lý khi coi trọng chuyện hôn nhân, đã nhắc nhở con cháu là “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”.