Nơi gần 600 năm trước (1442) xảy ra vụ thảm án thấm đẫm oan tình mang tên Lệ Chi Viên (vườn vải) giờ đây mọc lên một quần thể công trình kiến trúc tâm linh: Đền thờ Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Đền ở cuối thôn Đại Lai, xã Đại Lai (nhất thôn, nhất xã), huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, lưng dựa vào triền đê sông Thiên Đức, mặt ngoảnh ra đồng lúa mênh mông. Từ rất xa, trên con đường máng dọc mương, du khách có thể nhân ra cổng đền uy nghi với dòng chữ cỡ đại, rực màu son: Lệ Chi Viên.
Đền thờ Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ |
Bên tả đền, trên gò đất tôn cao đặt tượng Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tượng tạc từ đá trắng nguyên khối, mang dáng dấp của một thiếu nữ đương thì với khuôn mặt “trăng tròn lẻ” mà vẫn có nét nghiêm trang, trí tuệ của bà học sĩ. Nghe rằng, nhà điêu khắc tạc tượng đã lấy hình mẫu của bà hiện lên lờ mờ trong tấm ảnh chụp hôm gọi hồn của nhà ngoại cảm. Phía hữu, tượng đài mang tên “Giọt lệ” tạc từ đá đỏ nguyên khối.
Ngắm tượng, ta có thể liên tưởng đến quả vải với tên chữ “lệ chi” tức nước mắt của cành, đúng hơn, đó là nước mắt nhân gian sáu trăm năm đông lại mà thành đá. Khuôn viên đền, đã mọc lên những cây vải sau nhiều thế kỷ tuyệt diệt ở nơi đây, giờ được hồi sinh, bắt đầu lứa bói quả.
Nhiều loại cây quý mang biển kỷ niệm của người trồng là các nhà lãnh đạo, tướng lĩnh hoặc của đoàn thể, tôn giáo…, hứa hẹn màu xanh vừa tươi mới, vừa cổ kính sẽ bao phủ ngôi đền.
Từ một nơi chỉ còn lưu danh trong sử sách nhưng bị xóa hết ngoài đời, do tâm huyết và công sức vận động của Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, Hội chủ Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ mà có khu đền thờ này. Công đức và công lao đóng góp của những nhà hảo tâm và của chính quyền, nhân dân địa phương đã được vinh danh xứng đáng: Lệ Chi Viên được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Tượng Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ |
Ngày 2/11/2012, nhân dịp mới hoàn thành Nhà tiền tế trị giá hàng tỷ đồng do một doanh nghiệp họ Cao cung tiến, nơi đây đã có cuộc họp mặt giữa chính quyền địa phương với những vị khách là nhân sĩ, trí thức, nhà báo, nhà văn…, đến thăm viếng ngôi đền. Bức trướng che hậu cung kéo lên, trong đó đặt hai bức tượng song song: Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Đôi câu đối treo hai bên đúc kết lẽ tử sinh cuộc đời bà Lễ nghi Học sĩ: “Sinh tiền anh kiệt nữ/ Tử hậu tối linh thần”.
Hương thắp, đèn khêu, nến sáng, trước bàn thờ nhị vị tiền nhân, Giáo sư Vũ Khiêu trang trọng chắp tay khấn nôm mà như một bài diễn từ vinh danh công trạng của các bậc tiền hiền và sự tri ân của hậu thế đương thời.
Trí tuệ anh minh của vị Giáo sư đáng kính đã không bỏ sót một chi tiết nào trong quá trình để Lệ Chi Viên trở thành một địa điểm tâm linh, một dấu ấn lịch sử, một nơi chiêm bái và di dưỡng tinh thần, một địa chỉ để giáo dục truyền thống và bài học đau xót không thể quên của lịch sử nước nhà. Cụ già 97 tuổi thành kính trò chuyện với tiền nhân, xưng là “cháu” và “thưa hai cụ”...
Cũng trong dịp này, gia đình ông Đoàn Duy Thành cung tiến đôi câu đối treo dưới bức hoành phi trong đền. Ông thành kính mong mong hai Cụ phù hộ cho sự học của nước nhà ngày càng tấn tới, mở mang.
Đành rằng, nơi đây ghi dấu một thảm án nhưng không chỉ có thế. Trong đền thờ ở Lệ Chi Viên, treo một bản lưu bút của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi ông về thăm Côn Sơn năm 1993: “Bài học của Nguyễn Trãi mong rằng các thế hệ ngày nay và mai sẽ là tấm gương sáng soi chung: mọi người phải noi gương oanh liệt của Nguyễn Trãi và những người có chức có quyền không được đối xử với biết bao người có công với đất nước như những bọn tham quan ô lại trước kia đã đối xử với Nguyễn Trãi một cách bất công”.
Nguyễn Thị Lộ đã là cái cớ để bọn “tham quan ô lại” trút hận lên đầu Nguyễn Trãi vì sự đố kỵ trong đám quan trường. Bà phải được “chiêu tuyết” như mong mỏi của nhiều người và sự chiêu tuyết đó đang bắt đầu, được nhân rộng, trả lại danh tiếng đáng được hưởng cho vị nữ quan Lễ nghi Học sĩ!.
Bình Sơn