Đó là âm hưởng vừa thiêng liêng vừa phồn thực trong không khí của Lễ hội Đập trống truyền thống từ bao đời nay của cộng đồng người Ma Coong nơi miền biên giới xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - khu vực vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Từ truyền thuyết về con khỉ ác…
Xã Thượng Trạch là một xã biên giới giáp Lào với diện tích hơn 730km². Theo UBND xã Thượng Trạch, đây là địa bàn cư trú của 2.505 nhân khẩu trong 550 hộ với hơn 97% là người đồng bào Ma Coong – một tộc người ít ỏi sinh sống nơi miền biên viễn hẻo lánh miền Tây xứ Quảng này.
Xưa, người Ma Coong sống chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, săn bắn, đốt rừng làm nương rẫy. Nhiều năm trở lại đây, dẫu còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhờ chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đưa lối chỉ đường, người Ma Coong đã biết nuôi bò, gà, lợn, dê; trồng rau, cây ăn quả, làm ruộng trồng lúa và sử dụng nước sạch.
Trải qua biết bao thế hệ nối tiếp, bên bếp lửa hồng đượm nồng hàng đêm, những người già Ma Coong sống qua nhiều mùa lúa nhất vẫn thủ thỉ kể cho con cháu nghe về truyền thuyết về con khỉ ác. Ngày xưa, vùng đất của người Ma Coong bây giờ xuất hiện con khỉ màu vàng, hằng đêm vào rẫy ăn ngô, phá lúa. Từ khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa đói kém, bệnh tật hoành hành triền miên. Người Ma Coong dùng nhiều cách đuổi khỉ ác nhưng dường như bất lực…
|
Già làng Đinh Xon thực hiện lễ cúng tế Giàng và vị Già bản tiên tổ |
Bỗng trước đêm rằm tháng Giêng, vị già bản lớn tuổi nhất nằm mơ thấy một người của Giàng (thần trời) hiện về mách bảo, muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật ấm, thật vọng mang ra đánh vào đêm rằm trăng sáng. Tỉnh giấc, già lập tức tề tựu người trong bản kể lại giấc mơ. Hôm sau, đàn ông người Ma Coong khẩn trương hoàn thành một chiếc trống từ da của một con sơn dương đầu đàn. Trống đẹp, âm thanh to ấm, vang xa tận sâu trong lòng đại ngàn Trường Sơn.
Đêm rằm tháng Giêng, khỉ ác lại về phá rẫy. Chờ đúng thời khắc ánh trăng soi tỏ từng chóp cây cổ thụ trên đỉnh núi, những trai tráng khỏe nhất của bản mang trống ra thay nhau đánh cấp tập. Tiếng trống âm vọng, khỉ ác hoảng sợ rú lên thất thanh chạy trốn biệt tích và chẳng bao giờ trở lại nữa…
Đến lễ hội đập trống
Đền đáp đại ơn, người Ma Coong mang những của ngon vật lạ đem ra bày biện, làm lễ cúng tế dâng lên Giàng để tỏ lòng ngưỡng vọng. Cũng từ đó, một lễ tế được tổ chức hằng năm vào thời khắc trăng sáng nhất – đêm 16 tháng Giêng và trở thành một lễ hội đập trống mừng mùa trăng mới còn giữ được nhiều nét nguyên sơ bản sắc riêng của dân tộc này.
|
Thanh niên người Ma Coong thi nhau đập trống đuổi khỉ ác cầu mưa thuận gió hòa, sống no đủ, hạnh phúc |
Sau lễ tế, một chiếc trống mới sẽ được trai tráng trong bản mang ra đánh vang cả núi rừng với ý niệm cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng được bình yên, già trẻ Ma Coong được sống ấm no, hạnh phúc. Đến khi mặt trống bị đánh vỡ, đêm hội mới kết thúc và người đánh vỡ được mặt trống là người may mắn nhất trong năm.
Để chuẩn bị cho lễ hội đập trống này là cả một quá trình công phu.
Cả một ngày trời mà người Ma Coong ở bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch rất tất bật. Đàn ông lo phần tổ chức lễ hội, phụ nữ thì chuẩn bị thức ăn để mời khách. Trống hội được chế tác từ sáng sớm bởi những người đàn ông khéo tay nhất bản. Tang trống được làm bằng thân cây gỗ lồi rỗng ruột, mặt trống là tấm da bò dày và dai nhất. Trống được bịt từ những sợi dây mây già, chêm mặt trống căng lên bởi những thân tre.
Trên bãi đất rộng nhất giữa bản Cà Roòng, trai bản đã dựng một căn nhà tạm ba gian để thực hiện nghi lễ đập trống. Trống được đặt ở gian giữa, hai bên là chiêng để dẫn nhịp đập trống. Một trong những phần quan trọng nhất là mâm cỗ cúng Giàng gồm có: rượu cần, gà, cá, xôi, ngọn cây mây, thân cây đoác. Tất cả đều được chọn lựa ở tiêu chí ngon và đẹp nhất.
Riêng món cá để cúng Giàng là những con má mát bụng rất sạch, thịt thơm ngon từ một khúc suối cấm. Từ tháng 5 âm lịch năm trước, người Ma Coong đã ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và quản lý nghiêm ngặt. Ai vào đây đánh cá sẽ bị phạt nặng. Đoạn suối này chỉ được trả tự do sau khi lễ hội đập trống diễn ra. 3h sáng 16 tháng Giêng, già làng Đinh Xon – người uy tín nhất của cộng đồng Ma Coong được tín nhiệm là thả lưới lấy cá cúng Giàng.
Năm nay, Lễ hội Đập trống truyền thống được bắt đầu vào đêm 3/3 (nhằm ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Tuất) – khi trăng tròn ló dạng ra từ phía sau đỉnh núi. Đồng bào Ma Coong sống ở khắp 18 bản trên miền biên viễn Việt – Lào này trong những bộ váy áo đẹp nhất tề tựu đông đủ ở bản Cà Roòng. Sự kiện này được xem là một cái Tết khác nữa của họ sau Tết Nguyên đán. Lễ hội thu hút rất đông đồng bào các dân tộc khác, khách thập phương và cả các bản thuộc nước bạn Lào sát biên giới về tham dự.
|
Già làng mời khách uống rượu cần |
Sau phần tế lễ trang nghiêm theo đúng tục lệ kết thúc, già làng Đinh Xon cầm những nắm gạo nếp ném ra tứ phía và tuyên bố khai hội. Ngay lúc này, tiếng trống mở màn vang lên vào kéo dài mãi dưới ánh trăng rằm soi tỏ, âm vang xa vẳng sâu tận trong đại ngàn. Núi rừng Trường Sơn như lay động, người Ma Coong tề tựu bên những ché rượu cần, mời mọc chúc tụng nhau… Thanh niên với những chiếc dùi mây thay nhau đánh vào mặt trống theo tiếng chiêng của người dẫn nhịp, vừa đánh vừa hô vang: “Roa lữ! Roa lữ Giàng ơi!” (Vui sướng quá! Vui sướng quá Trời ơi! - PV).
… và đêm yêu đương kỳ lạ
Cũng trong đêm hội đập trống này, trai gái có quyền được tự do hò hẹn, yêu thương nhau mà không cần biết là người Ma Coong hay người Arem, Vân Kiều, người trong hay ngoài bản, hay những vị khách đến từ nước bạn Lào. Tất cả được dắt tay nhau đi đến những nơi chỉ có hai người, họ sẽ tự tình với nhau những lời đường mật, trao nhau những ước nguyện hẹn hò đôi lứa sắt son...
Kỳ lạ hơn, dù nam nữ đã có gia đình mà trước đây yêu nhau nhưng không thành đôi lứa cũng được một đêm tự do hạnh phúc bên nhau. Mỗi năm một đêm duy nhất. Đêm của yêu đương nồng nàn, đêm của đam mê bỏng cháy, không ghen tuông hờn giận, chỉ có những chuyện tình bất tận sáng như ánh trăng, bí ẩn như núi rừng và ngọt ngào như tiếng suối đêm…
Từ đêm hội đập trống mấy mươi mùa lúa trước, một đêm trăng đẹp như bao đêm rằm tháng Giêng khác trên dải đất biên cương này, chàng trai bản Đinh Xon ngày ấy đã tìm được một nửa yêu thương trọn đời. Rồi thế hệ bây giờ cũng thế, “Mùa đập trống trước, Đinh Pầng ở bản Cóc đã làm cho Y Liêng từ bản Cồn Roàng xa xôi phải lòng theo về làm vợ, Đinh Xam ở bản Ban tìm được Y Rí ở bản Nồm, rồi Đinh Túi tìm được Y Phớt…” – già làng Đinh Xon nhớ lại với ánh mắt lấp lánh muôn vàn hoài niệm bên ngọn lửa bập bùng.
Dưới ánh trăng vàng, bao nhiêu đôi trai gái đã trao lời thề nguyện bên nhau mãi mãi? Và nhờ lễ hội đập trống, biết bao đàn ông, phụ nữ Ma Coong không đến được với nhau nhờ đêm tự do hò hẹn mà quên đi nỗi khắc khoải yêu thương và mong nhớ?
|
Bản làng của người Ma Coong hôm nay |
Mặt trống năm nay được nhóm trai bản Ban của Đinh Vôn đánh vỡ lúc 5h sáng 4/3 cũng là lúc lễ hội đập trống kết thúc, cộng người Ma Coong lại quay về với cuộc sống thường nhật của mình, mang theo những ước vọng về vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống no đủ, hạnh phúc và hẹn nhau tự tình vào đêm hội năm sau…