Dễ xảy ra ẩu đả mất kiểm soát
Theo báo cáo Hội nghị Tổng kết đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ 2017 diễn ra chiều 10/1, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở thừa nhận, hiện tượng phục dựng lễ hội tràn lan, lợi dụng lễ hội để trục lợi.
Nổi bật nhất là nhiều nơi thi nhau tổ chức lễ hội chọi trâu dù Chính phủ và Bộ VHTTDL có văn bản yêu cầu dừng các lễ hội không phải truyền thống này. Như lễ hội chọi trâu mới vẫn diễn ra tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La. Có nơi như Phúc Thọ (Hà Nội) lách bằng cách gọi Hội thi trâu khỏe, bán vé thu tiền, trâu chọi dù thắng hay thua đều đem thịt và bán giá ngất ngưởng.
Trước sự tồn tại của nhiều lễ hội có tính chất bạo lực như Đả cầu cướp phết (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) thời gian qua tính bạo lực lên cao,lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh)…
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ thông báo ở lễ hội đầu năm 2017 có giải pháp dùng hàng rào phân biệt khách tham dự và người cướp phết. Trước đây, cả khách lẫn chủ nhà đều xông vào cướp nên dễ xảy ra ẩu đả và mất kiểm soát.
|
Lễ hội chọi Trâu Hải Phòng |
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết, thanh tra Bộ sẽ kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm tại những lễ hội để xảy ra hành vi phản cảm. Một số lễ hội chọi trâu sẽ không được cấp phép tổ chức.
Với những lễ hội có yếu tố hiến sinh như Lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), BTC lễ hội sẽ tìm ra phương pháp tổ chức phù hợp hơn nhằm bảo đảm giữ nét truyền thống, loại bỏ hình ảnh bạo lực.
Với một số lễ hội có hoạt động tranh cướp như Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), hay có nghi thức cướp giò hoa tre như ở Hội Gióng (Hà Nội), Bộ đã yêu cầu BTC phải có biện pháp tổ chức hợp lý; những làng tham gia nghi thức này sẽ được may trang phục và thực hiện hành động “tranh cướp” giống như một trò chơi chứ không để xảy ra tình trạng tranh cướp tự phát, làm phát sinh hành động có tính bạo lực của những người dự hội.
Lo ngại biến tướng trục lợi
Lo ngại trục lợi lễ hội thông qua các hội chọi trâu, Bộ có nhiều văn bản yêu cầu địa phương dừng tổ chức các lễ hội này, thế nhưng của các doanh nghiệp đòi bồi thường vì lỡ đầu tư sân bãi, mua và nuôi trâu chọi. “Bộ nói rõ quan điểm: không có chuyện thương mại hóa lễ hội”, bà Trịnh Thị Thủy nói.
Một số nơi như Yên Bái quyết tâm dừng chọi trâu, nhưng Tuyên Quang chẳng hạn vẫn muốn tổ chức. Đại diện Bộ yêu cầu nghiên cứu kỹ, tránh xảy ra trục lợi. Sự trục lợi thể hiện rõ nhất ở việc bán vé lấy tiền tổ chức, giết thịt trâu bán giá cao. “Không chỉ chọi trâu mà chọi chó, dê, đấu ngựa đều là hình thức biến tướng, thu hút bạo lực. Bộ yêu cầu địa phương không cấp phép”, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở nói.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng cũng nói, địa phương lưu tâm tới tính thương mại có thể xảy ra tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có truyền thống và được công nhận di sản. Hải Phòng họp rút kinh nghiệm và đề xuất phương án cho mùa lễ hội tới.
|
Nghi lễ cướp lộc hoa tre ở lễ hội đền Gióng. |
Hà Nội là địa phương có nhiều di tích và lễ hội lớn. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017; giao cho các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức phần lễ và phần hội; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; giữ gìn và bảo vệ các di tích; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, cờ bạc dưới mọi hình thức.
UBND Thành phố cũng yêu cầu xử lý triệt để các hành vi vi phạm về kinh doanh ăn uống, có giải pháp phù hợp để bảo vệ môi trường, có chế tài xử phạt các hành vi xả rác thải tại lễ hội… UBND TP Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành nhằm tiến hành kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc tổ chức các lễ hội, đặc biệt là với những lễ hội lớn như: Lễ hội Đống Đa, Chùa Hương, Đền Sóc, Cổ Loa, Đền Và...