Lễ hội đang bị thả lỏng?

Ngành Văn hóa đã hô hào rất “lớn tiếng” về công tác tổ chức lễ hội năm nay. Nhưng, những gì đang diễn ra tại các lễ hội xuân Quý Tỵ lại chưa được “hoành tráng” như lời nói.

Ngành Văn hóa đã hô hào rất “lớn tiếng” về công tác tổ chức lễ hội năm nay. Nhưng, những gì đang diễn ra tại các lễ hội xuân Quý Tỵ lại chưa được “hoành tráng” như lời nói.

Đỉnh thiêng Yên Tử

Hội Lim vẫn miệng hát, tay xin tiền

Ở Hội Lim, ngược lại với không khí trang nghiêm khu vực hành lễ, khu chơi "hội" lại đặc biệt náo nhiệt, sôi động.

Sới vật, chọi gà, cờ người… đông kín vòng trong vòng ngoài, tiếng reo hò, cổ vũ dậy một góc đồi Lim.

Tất nhiên, những trò chơi dân gian ấy đều được “đội lốt” trò đỏ đen. Không biết từ bao giờ, hội Lim luôn liên quan tới việc "tiền trao tráo múc". Ngay cả tới một miếng trầu têm cánh phượng các trại quan họ mời khách cũng thành món đồ bán ra tiền, dưới hình thức "tùy tâm" nhưng muốn cầm 1 miếng ít nhất cũng phải bỏ ra 2- 5 nghìn đồng.

Và câu ca quan họ cũng không nằm ngoài lệ “quy ra thóc” mặc dù trước mùa lễ hội, tỉnh Bắc Ninh cho hay sẽ cương quyết xử lý những cá nhân vi phạm, làm xấu đi hình ảnh quan họ trong mắt du khách thập phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh còn có chỉ thị nghiêm cấm hành vi ngửa nón nhận tiền vì hành vi đó dù thế nào cũng gây phản cảm, và không có tác dụng tốt đến văn hóa quan họ cũng như dân ca quan họ. Ấy thế mà việc “tiền trao, miệng hát” vẫn còn diễn ra. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ, cảnh sát cơ động đông đúc nhưng chỉ túm năm tụm ba thoắt ẩn, thoắt hiện mà không có biện pháp mạnh nào.

Chốn thiêng nhuốm màu trần tục

Lễ hội Yên Tử năm nay vẫn còn nhiều “sạn”. Ngay tại chùa Đồng, mặc dù lực lượng bảo vệ cùng nhân viên Ban Quản lý di tích thường xuyên ứng trực nhưng vẫn xảy ra tình trạng chen lấn. Nhiều người hành nghề chụp ảnh liên tục quát tháo, tranh giành khách khiến không gian thiêng nhuốm màu trần tục.

Không hiểu từ đâu có quan niệm rằng, xoa tay vào chùa Đồng, chuông và khánh đồng sẽ được sức khỏe, xoa tiền vào thân chùa rồi xoa lên mặt mình thì tài lộc vào như nước. Thế là cả trăm du khách chen nhau vào mà xoa. Hình ảnh vô cùng phản cảm.

Chưa hết, nhiều du khách sau cuộc hành hương gian nan lên tới đỉnh chùa Đồng, dọc đường trở về liên tục bị những người bán hàng đeo bám. Khung cảnh linh thiêng bị bôi xấu bằng những tiếng quảng cáo: “Trăm năm tích đức tu hành/Chưa tới Yên Tử chưa thành quả tu” để bán một tấm hình toàn cảnh chùa Đồng hoặc “Khánh chùa Hương, chuông chùa Đồng” của những người bán chuông.

Yên Tử không có việc bán thịt thú rừng nhưng cũng không thiếu người bẻ măng, chặt trúc đem bán kiếm lời. Khu di tích danh thắng quốc gia đặc biệt biến thành một khu chợ với những lời mặc cả, chèo kéo. Có lẽ các nhà quản lý cần phải có biện pháp đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại đây vào khuôn khổ để trả lại cho Yên Tử không gian tâm linh vốn có.

Méo mặt vì cờ gian bạc lận

Tệ nạn cờ bạc cũng luôn là vấn đề “nóng” được nhắc nhiều trong lễ hội đền Gióng.  Cua – cá, phỏm... túm tụm sát phạt. Đáng chú ý, các chiếu bài này được mở công khai ngay gần kề với khu di tích xen lẫn với những trò chơi dân gian. Không ít các cuộc xô xát, không ít kẻ ăn thua đã phải “méo mặt” vì nhẵn túi dẫn đến việc gia tăng tệ nạn trộm cắp và nhiều tiêu cực khác.

Các đám bạc thường tập trung tại chỗ thưa người hơn. Khi phát hiện lực lượng chức năng thì ngay lập tức chúng sẽ đánh động để cả bọn... tạm rã đám.

Tình trạng các hộ kinh doanh lấn chiếm đường đi, gây ùn tắc giao thông, việc sắp xếp hàng quán một số nơi còn chưa phù hợp, dịch vụ bán hàng rong, đội lễ, nâng giá, chèo kéo khách hoặc các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, bán sách, báo, tranh, ảnh, băng đĩa trái phép, bói toán, xóc thẻ…vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội.

Có thể thấy rằng, qua một số lễ hội đầu năm Quý Tỵ 2013, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lễ hội vẫn chưa theo kịp tình hình thực tiễn, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và quản lý lễ hội chưa được hoàn thiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ nên chưa có sự thống nhất cao hoặc công tác tuyền truyền về ý nghĩa của lễ hội còn nhiều hạn chế.

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Đã giao nhiệm vụ rồi thì phải gắn trách nhiệm với nhiệm vụ, phải thổi còi với thanh tra viên nào thấy hiện tượng sai trái, tiêu cực mà vẫn làm ngơ. Tôi cho con người vẫn là quan trọng nhất. Trước hết phải củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý văn hóa, quản lý lễ hội.

 Dù đây mới là thời điểm khai hội, khi những đoàn du khách còn nườm nượp kéo về thì mong rằng Ban tổ chức các lễ hội cũng như các lực lượng liên ngành cần thắt chặt quản lý, triệt để trấn áp tình trạng tệ nạn đang diễn ra và gây bức xúc tại một số lễ hội hiện nay để giữ sạch chốn tâm linh, tạo cho du khách cảm giác an toàn, bình yên.”

Khang Minh

Đọc thêm